Trẻ em ở trại tị nạn. (Nguồn: DW) |
Các cuộc xung đột và thiên tai trên toàn cầu đang ảnh hưởng đến khoảng 125 triệu người, LHQ cho biết hôm 7/12, khi tổ chức này yêu cầu một số lượng kỷ lục viện trợ từ các chính phủ tài trợ.
Theo LHQ, xung đột đang diễn ra ở mức gay gắt tại 27 quốc gia trên thế giới, đặc biệt tại 6 quốc gia là Cộng hòa Trung Phi, Burundi, Nigeria, Nam Sudan, Syria và Yemen đã gây ảnh hưởng mở rộng ra ngoài biên giới và tác động đến 37 quốc gia khác.
“Nỗi khổ của người dân đã đạt đến mức độ chưa từng thấy kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai”, người đứng đầu cơ quan viện trợ nhân đạo của LHQ Stephen O'Brien cho biết hôm 7/12. “Xung đột và thiên tai đã khiến hàng triệu người đang phải đấu tranh quyết liệt để tồn tại”.
Năm ngoái, các cơ quan của LHQ như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), Văn phòng điều phối viện trợ nhân đạo (OCHA) và các đối tác nhân đạo khác đã yêu cầu viện trợ 19,9 tỉ USD, nhưng số viện trợ LHQ nhận được chỉ chưa đầy 50%, vẫn còn thiếu 10,2 tỉ USD để đạt số viện trợ cần thiết cho năm nay.
Sự thiếu hụt kinh phí đã tác động đến việc cung cấp thức ăn, chỗ ở và chăm sóc sức khỏe cho hàng triệu người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.
“Các hệ thống nhân đạo quốc tế thường là nơi an toàn duy nhất cho những người chạy trốn khỏi chiến tranh”, người đứng đầu UNHCR, ông Antonio Guterres nói. “Số viện trợ cần đạt được quy mô mà thực tế đặt ra và tương xứng với những thách thức to lớn của ngày nay. Rõ ràng là với kinh phí hiện tại, chúng tôi không thể cung cấp thậm chí ở mức tối thiểu cho việc bảo vệ và hỗ trợ cuộc sống cho những người yếu thế", ông Guterres nói thêm.
Năm tới, các cơ quan của LHQ muốn hỗ trợ cho khoảng 87 triệu người dễ bị tổn thương trong số 125 triệu người bị ảnh hưởng. Khoảng 40% trong số đó là để đối phó với cuộc khủng hoảng Syria. LHQ cho biết, Syria, Iraq, Nam Sudan và Yemen là những địa chỉ cần được cung cấp viện trợ nhân đạo lâu dài.
Các cuộc xung đột trên toàn cầu đã khiến 60 triệu người mất nhà cửa. Trong khi đó, làn sóng người tị nạn đang trở thành một vấn đề nổi bật của thế kỷ 21.
Thảo Nguyên (theo DW)