Liệu liên minh Pháp - Đức mới của Thủ tướng Đức Merkel (trái) và Tổng thống Pháp Sarkozy có thành hiện thực? |
Đầu tàu
Hiếm có quan hệ nào mạnh mẽ và đa dạng như hợp tác Pháp - Đức, xét cả về quan điểm chính trị, thương mại, giáo dục cũng như văn hóa. Mỗi thời kỳ tăng cường xây dựng, liên minh châu Âu đều dựa vào quan điểm thống nhất của Pháp và Đức. Kể từ đó, trục Pháp - Đức xuyên suốt quá trình phát triển của Khối và được đánh giá là một động lực chính trong việc xây dựng EU. Nhìn vào mối quan hệ song phương này, bất cứ nước nào còn đứng ngoài EU cũng cảm nhận được sự an tâm về một gia đình mà hai thành viên chủ chốt đã vượt qua rào cản của thù hận và chiến tranh, để cùng nhau phát triển vì lợi ích chung của cộng đồng.
Hiện cả Pháp và Đức đang lên kế hoạch xây dựng một hiệp ước hữu nghị song phương tiến tới hình thành một “Liên minh Pháp - Đức mới”. Kế hoạch này nhằm đưa Paris và Berlin trở lại vị trí của những quốc gia “đầu tàu” trong EU, chi phối các vấn đề về quốc phòng, di dân và chính sách công nghiệp mới cũng như tìm cách giảm bớt vai trò của Anh tại Ủy ban châu Âu.
Theo tờ Times, Tổng thống Pháp Sarkozy đã tỏ ra rất nhiệt tình với Hiệp ước Pháp - Đức mới. Ông đã “kiềm chế” những bất đồng với Thủ tướng Merkel trong 18 tháng đầu trong nhiệm kỳ Tổng thống. Hai nhà lãnh đạo này đã tìm được điểm chung kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 khi cùng lên tiếng chỉ trích London và Washington trong các vấn đề tài chính. Việc Pháp gia nhập trở lại làm thành viên đầy đủ của NATO trong năm nay cũng đã góp phần làm tăng độ tin cậy đối với Đức. Trong một phát biểu mới đây trên tờ Le Monde, cựu Ngoại trưởng Đức Joschka Fischer cho rằng trục liên minh Pháp-Đức đã quay trở lại bất chấp số phận của Hiệp ước Lisbon, rằng lực hút chính của châu Âu chỉ có thể là Paris và Berlin, trong khi Anh quyết định đứng bên lề.
Thời vận
Thực tế, hiện nhiều chính sách thúc đẩy hợp tác Pháp – Đức đang được xúc tiến thực hiện. Pháp muốn Đức hậu thuẫn một chiến lược công nghiệp mới để thúc đẩy châu Âu phát triển, một dự án đầu tư vào công nghệ sạch và một kế hoạch hành động giúp châu Âu độc lập về năng lượng, hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực thuế. Họ cùng phản đối Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên EU cũng như cải cách chủ nghĩa tư bản tự do kinh doanh. Hiện giữa Pháp và Đức đã có cơ chế tham vấn chung cấp các bộ trưởng. Pierre Lellouche, Bộ trưởng Phụ trách các vấn đề châu Âu đã yêu cầu các đồng sự chuẩn bị một “chương trình nghị sự Pháp – Đức mới cho châu Âu”, trước cuộc họp nội các chung diễn ra vào cuối năm nay. Pierre Lellouche nhận định: “Một hình thể châu Âu mới, trong đó mối quan hệ Pháp – Đức sẽ là trung tâm vì ý chí chính trị và năng lực liên kết của mối quan hệ này có khả năng thúc đẩy các đại dự án tiến về phía trước.”
Có nhiều nguyên nhân thúc đẩy Pháp hành động. Lý do thứ nhất là đời sống chính trị châu Âu đang thay đổi. Thực tế cho thấy cả Pháp và Đức đang tìm cách khai thác triệt để “tình thế hiện nay” của Anh, khi Thủ tướng Gordon Brown đang mất dần uy tín và phải tập trung chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử năm 2010 cũng như phải giải quyết nhiều vấn đề nội bộ khác. Pháp nhận thấy rằng Anh dường như không còn là người “đồng hành” nếu Đảng bảo thủ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tới. Cùng thời điểm đó, sự tái đắc cử Thủ tướng Đức của bà Merkel với sự lãnh đạo của liên minh trung – hữu có thể sẽ khiến cho chính phủ mới quyết đoán hơn. Một nhân tố khác là, khi Pháp và Đức đồng ý bắt tay, tiếng nói của châu Âu sẽ có trọng lượng hơn.
Chướng ngại
Tuy nhiên, Đức có các ưu tiên đối ngoại khác so với Pháp như ưu tiên cải thiện mối quan hệ với Ba Lan và các quốc gia Trung Âu. Sự hòa hợp về các vấn đề kinh tế cũng không phải dễ dàng. Chính sách cân đối ngân sách mới của Đức buộc phải thực thi một biện pháp tài chính nghiêm ngặt trong khi đó Pháp lại dự định hạn chế thâm hụt ngân sách một cách từ từ.
Khả năng về một cuộc tranh cãi giữa hai bên về việc giảm thâm hụt ngân sách hoàn toàn có thể xảy ra. Về lĩnh vực công nghiệp, hai nước cũng thường cạnh tranh nhau. Pháp không hài lòng về việc tàu hỏa Đức sẽ chạy trên đường sắt cao tốc nối Mátxcơva và St Petersburg, cũng như hãng Siemens đang rút khỏi liên doanh với Areva. Và không phải Pháp hoàn toàn không chú trọng đến các mối quan hệ khác ở châu Âu. Quốc gia này vẫn hi vọng Anh tham gia thực hiện chính sách quốc phòng chung châu Âu, thậm chí cả khi Đảng Bảo thủ thắng thế.
Bởi thế, thật khó cho hai “đầu tàu” dẫn dắt một EU 27 thành viên so với 12 thành viên trước đây.
Ngân Thơ