Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn tại Madrid, Tây Ban Nha ngày 29/6. (Nguồn: Kyodo) |
Nâng cao khả năng răn đe tập thể
Phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio trong cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 29/6 đang tạo ra một chấn động lớn khi Tokyo đưa ra ý tưởng tổ chức một cuộc diễn tập quân sự 3 bên vốn nhạy cảm đối với Seoul.
Bên lề hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Madrid (Tây Ban Nha), 3 nguyên thủ Mỹ-Nhật-Hàn đã ngồi lại với nhau lần đầu tiên sau gần 5 năm.
Hàn Quốc và Nhật Bản vốn không phải là thành viên của NATO song đã tham dự cuộc họp với tư cách là đối tác châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức này.
Trong khi nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hợp tác 3 bên để đối phó với các mối đe dọa tên lửa đạn đạo và hạt nhân từ Triều Tiên, Thủ tướng Kishida đề nghị 3 bên cần chuẩn bị cho các hành động khiêu khích có thể xảy ra thông qua một cuộc diễn tập quân sự kết hợp - điều chưa từng xảy ra do mối quan hệ giữa Seoul và Tokyo vẫn còn tồn tại những mâu thuẫn mang tính lịch sử.
Phát biểu của Thủ tướng Kishida có đoạn: “Tôi nghĩ rằng rất kịp thời để tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn lần này. Chúng tôi cũng hoan nghênh thỏa thuận về việc thực hiện huấn luyện cảnh báo tên lửa, đào tạo theo dõi và phát hiện tên lửa đạn đạo của 3 quốc gia tại cuộc gặp cấp bộ trưởng quốc phòng gần đây”.
Cuộc tập trận theo dõi tên lửa mang tên “Rồng Thái Bình Dương” (Pacific Dragon) dự kiến sẽ được tổ chức ở vùng biển ngoài khơi Hawaii vào tháng 8 tới, nhưng có sự tham gia của cả Canada và Australia.
Thủ tướng Kishida nói thêm: “Khả năng răn đe của liên minh Nhật-Mỹ và liên minh Mỹ-Hàn cần được nâng cấp như một phần của nỗ lực quan trọng nhằm tăng cường quan hệ đối tác 3 bên Mỹ-Nhật-Hàn”.
Ông Kishida cũng bày tỏ hy vọng rằng nếu một vụ thử hạt nhân diễn ra, phản ứng đối với hành động của Bình Nhưỡng sẽ ở cấp độ 3 bên, bao gồm các cuộc tập trận chung.
Bản thân Thủ tướng Kishida cũng là người ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp Nhật Bản để cho phép đất nước tự tái trang bị vũ trang như một phương tiện để giải quyết các tranh chấp (vốn đã bị cấm từ năm 1947), nên phát biểu trên của ông được coi là một động thái tuyên bố rằng “quân đội Nhật Bản sẽ đóng vai trò mạnh mẽ hơn trong vấn đề an ninh khu vực”.
Seoul sẽ thay đổi lập trường?
Về phần mình, Washington đang hỗ trợ Tokyo tăng cường khả năng quân sự như một phần của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Trong khi đó, Hàn Quốc vẫn thận trọng về việc tái vũ trang của Nhật Bản vì điều này sẽ dẫn đến một liên minh quân sự ba bên và liên minh này sẽ cho phép quân đội Nhật Bản can thiệp vào tình huống khẩn cấp trên Bán đảo Triều Tiên - điều mà Hàn Quốc khó chấp nhận do đã có thời gian dài chịu sự chiếm đóng của Nhật Bản (từ năm 1910-1945).
Chính quyền tiền nhiệm Moon Jae-in trước đây cũng đã cam kết tăng cường liên minh quân sự với Mỹ trong khi vẫn có thái độ tiêu cực về một liên minh ba bên với Nhật Bản.
Giới chức quân sự Hàn Quốc tỏ ra nghi ngờ về cuộc tập trận 3 bên và mô tả đó là điều “phi thực tế”. Một sĩ quan quân đội giấu tên cho biết: “Đây là một vấn đề thuộc về quyết định chính trị. Các lực lượng Nhật Bản khi đặt chân lên lãnh thổ Hàn Quốc có thể sẽ phải đối mặt với sự phản ứng dữ dội của công chúng. Hơn nữa, lập trường chính trị của Hàn Quốc cũng không thể thay đổi mạnh mẽ như vậy”.
Tuy nhiên, do ông Yoon Suk-yeol đã ám chỉ trong chiến dịch vận động tranh cử trước đây rằng Hàn Quốc có thể cho phép quân đội Nhật Bản can thiệp vào các vấn đề liên quan đến Bán đảo Triều Tiên nên vẫn còn phải chờ xem liệu ông ấy sẽ xử lý vấn đề như thế nào.
Trong khi đó, Phó giám đốc thứ nhất của Văn phòng An ninh Quốc gia Hàn Quốc Kim Tae-hyo là người rất tích cực trong việc thành lập liên minh quân sự giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Đây có thể là cơ sở để phía Nhật Bản mạnh mẽ thúc đẩy việc hình thành liên minh quân sự ba bên Mỹ-Nhật-Hàn.