Ông Klaus Schwab là người đưa ra lý thuyết kinh tế stakeholders (tạm dịch là “các cổ đông” vừa có quyền lợi vừa có trách nhiệm) vào năm 1971 và được khá nhiều nhà nghiên cứu kinh tế quan tâm trong thập kỷ 1980. Tuy nhiên, lý thuyết stakeholders cho rằng thành công của một doanh nghiệp phụ thuộc vào tất cả thành phần có giao dịch tài chính, từ cổ đông, đến khách hàng và cả nhân viên, đến nay vẫn chưa được chính thức công nhận tại hội đồng thẩm định chuyên ngành của Thụy Sĩ.
Song có lẽ đóng góp đáng kể nhất của người đàn ông sinh năm 1938 tại Đức này đối với giới kinh tế là việc ông đã sáng lập ra WEF và nắm giữ vị trí Chủ tịch của diễn đàn này trong suốt 4 thập kỷ qua, biến nó trở thành nơi hẹn gặp định kỳ của chính giới cấp cao và các nhà kinh tế, doanh nhân thành đạt đến từ khắp hành tinh. Một thương gia vốn là khách quen của Diễn đàn này từng cao hứng tuyên bố: “Nếu ai chưa từng đến Diễn đàn Davos, có nghĩa là người đó không là gì cả”. Theo GS. kinh tế Pháp Jean-Pierre Lehmann, “giá trị của Diễn đàn Davos là ở chỗ nó là cuộc hẹn dường như mang tính phi chính trị đến mức tối đa, để tất cả các nước có thể cùng nhau bàn thảo về các vấn đề kinh tế nóng hổi. Thế mạnh của Davos là ở một hệ thống rộng và mở”.
Ngược lại về thời điểm ra đời, năm 1971, diễn đàn này chỉ quy tụ các học giả kinh tế giữa các nước châu Âu và Mỹ. Năm 2010, Diễn đàn Davos đã đón tới 2.500 khách mời, trong đó có nhiều khách mời là nguyên thủ các nước và các doanh gia lừng danh, là nơi họp mặt của những người có tiền - giới giàu nhất hành tinh và những người có quyền - những chính khách hàng đầu.
Tuy nhiên, Chủ tịch WEF Klaus Schwab nói ông muốn diễn đàn này sẽ đề cập đến nhiều vấn đề hơn như môi trường hay viện trợ nhân đạo, với mục tiêu “cải thiện thế giới”. Vì thế mà gần 200 cuộc thảo luận tại 5 ngày diễn ra WEF-40 còn đề cập đến các chủ đề mang sắc thái mới mẻ như “Nền kinh tế hạnh phúc” hay “Suy nghĩ lại về an ninh năng lượng”.
Với nét mặt luôn nghiêm nghị, lối phát âm tiếng Anh hơi nặng do ảnh hưởng từ tiếng Đức mẹ đẻ, năm nay, ông Chủ tịch WEF nhấn mạnh Diễn đàn Davos sẽ tập trung vào các cải cách cần thiết cho hậu khủng hoảng. Rõ ràng một người có ý tưởng khả thi là người có quyền lực. Bằng việc sáng lập ra WEF, ông Klaus Schwab đã trở thành ông chủ của một hệ thống đồ sộ nhất so với bất kỳ sự sở hữu cá nhân nào trên thế giới, đó là sự vận hành của WEF. Đây là giá trị lớn hơn nhiều nếu so với con số 400 nhân viên được thuê để tổ chức diễn đàn này hàng năm và quỹ hoạt động 95 triệu euro.
Liên quan đến việc gây quỹ hoạt động của WEF, 1.000 công ty có doanh thu hành đầu thế giới, theo xếp loại của tạp chí Fortune, đóng góp hàng năm 28.800 euro phí thành viên của WEF và khoản chi 13.300 euro để đại diện của họ tới dự WEF hàng năm tại Davos. Đối với các đối tác cấp cao hơn, thường gọi là đối tác chiến lược, khoản đóng góp của mỗi đối tác là 339.000 euro/năm.
Vai trò cá nhân của ông Klaus Schwab tại WEF lớn tới mức có nhiều người không hình dung nổi diễn đàn này sẽ hoạt động thế nào nếu một ngày nào đó ông Schwab rời bỏ công việc. Trả lời báo Bilan trước ngày khai mạc WEF-40, vị Chủ tịch 72 tuổi nói một cách hóm hỉnh: “Về phương diện thể lực, tôi vẫn rất khỏe. Tôi vẫn đi bơi hàng sáng. Tôi chưa thấy ai dừng lại vì lý do tuổi tác cả”.
Thiện Nhân