Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp thị sát các địa phương vũng lũ và chỉ đạo không được để người dân nào bị đói. |
Trong suốt 2 tuần qua, chúng ta luôn thấy những hình ảnh tang thương cơ cực của người dân vùng lũ. Cảnh người thân thất thần ngóng tin người nhà đi trên chiếc xe khách bị lũ cuốn trôi, hình ảnh những bàn tay gầy guộc, run rẩy thò ra từ những mái nhà nước ngập gần đến nóc, những em bé chào đời không nước tắm trên gác tạm sát mái nhà, những đám tang thưa người đi vội vàng trong mưa gió…làm chúng ta không thể không đặt ra câu hỏi làm thế nào để người dân miền Trung không phải chịu thêm nữa những cảnh xót xa này?
Vẫn biết rằng, lũ lụt luôn có sức tàn phá khốc liệt nhất đối với con người trong những kẻ thù nguy hiểm của con người là thủy hỏa đạo tặc. Chúng ta cũng đều thấu hiểu bão lũ là do thiên nhiên, con người không thể tránh được tuyệt đối, nhất là với vị trí địa lý của Việt Nam và đặc biệt là dải đất miền Trung. Nhưng không chỉ có Việt Nam chúng ta mới có bão, có lũ mà nhiều nước ở khu vực có vị trí địa lý giống Việt Nam cũng luôn phải đối mặt với các thiên tai kiểu này như Philipine, Indonesia, Thái Lan… Thế nhưng, có thể do các nước này có sự chuẩn bị và phối hợp đồng bộ từ trước hoặc do nhiều nguyên nhân khác, nên những thiệt hại do bão lũ gây ra cả về vật chất và con người ở những nơi này luôn được hạn chế ở mức thấp nhất.
Nhưng giờ đây, người dân miền Trung đang cần sự chung tay giúp đỡ của Chính phủ, của mọi người dân Việt Nam và cả cộng đồng quốc tế để họ có thể vuợt qua cơn bĩ cực đầy thương đau này. Hàng nghìn tỷ đồng, hàng tấn hàng cứu trợ của từng cá nhân, của từng tập thể đã và đang nhanh chóng chuyển đến người dân vùng lũ. Thủ tướng Chính phủ ngày 20/10 đã trực tiếp đi thị sát, chỉ đạo chính quyền địa phương huy động tối đa sức người, sức của để cứu bà con trong cơn hoạn nạn. Thủ tướng chỉ thị không địa phương nào trong vùng lũ được phép để bà con bị đói, và sẽ có biện pháp kỷ luật cụ thể nếu hiện tượng này xảy ra. Thế nhưng, việc để bà con vùng lũ không bị đói rét, tránh được những hệ lụy sau bão lũ như dịch bệnh là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Nhiệm vụ này sẽ dễ dàng hơn nếu chúng ta có sự chuẩn bị, chủ động và phối hợp toàn diện hơn trước khi bão lũ ập đến.
Có lẽ, sự hỗ trợ hữu hiệu nhất để người dân vùng lũ tránh được những thảm cảnh dường như lần sau lại nặng hơn lần trước là phải tìm ra nguyên nhân bên ngoài các lý do thiên nhiên. Đó là các yêu tố do chính con người mang đến. Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn, một người từng là bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh, sống ở vùng rốn lũ nhiều năm thì “thiệt hại nặng nề ở miền Trung một mặt là do mưa lớn, một mặt là do các công trình thủy điện, giao thông làm biến đổi dòng chảy tự nhiên, chậm thoát lũ ra biển”. Nếu đúng như vậy, thì con đường Hồ Chí Minh và một số tuyến đường dọc theo khu vực miền núi của Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh đã làm giảm khẩu độ dòng chảy của lũ thoát ra biển. Hơn nữa, cũng theo ông Đàn thì trong quá trình làm thủy điện, chúng ta đã không có quy hoạch từ trước nên thấy chỗ nào có điều kiện là địa phương giao chủ đầu tư làm. Khi làm, người ta lại chặt cây, mở đường rộng cả trăm mét…Chỉ như vậy thôi, đã làm cả miền Trung thành cái biển hồ chứa nước. Thế nhưng, khi cần mở cửa xả lũ ở các đập thủy điện, ví dụ như ở đập Hố Hô thì lại không mở được, đó chính là yếu tố con người, chứ không thể đổ hết cho thiên nhiên.
Đức Khải