TIN LIÊN QUAN | |
Bãi bỏ giám sát cá da trơn là bước đi đúng đắn của Hoa Kỳ | |
Việt Nam – Hoa Kỳ: Biến tầm nhìn thành hiện thực |
Quyền giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Vũ Tùng đã nhận định như vậy trong một bài viết đăng tải trên Thời báo Hoàn Cầu ngày 26/5.
Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Mỹ thứ ba liên tiếp đến thăm Việt Nam kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995, đã kết thúc thành công. Sự kiện này đã làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khu vực đang chứng kiến sự chuyển biến trong mối quan hệ Trung Quốc-Mỹ, vai trò ngày càng tăng của ASEAN như chủ thể chính trong việc xây dựng kiến trúc an ninh khu vực cũng như những phát triển gần đây tại Biển Đông, chuyến thăm làm dấy lên câu hỏi phải chăng Hà Nội và Washington đang xích lại gần nhau để kiềm chế hoặc chống lại Bắc Kinh. Tôi cho rằng chuyến thăm không nhằm mục đích như vậy.
Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao Nguyễn Vũ Tùng. (Nguồn: TP) |
Những nỗ lực để thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Mỹ nên được nhìn nhận trong bối cảnh rộng hơn, cụ thể là chính sách ngoại giao của Việt Nam kể từ đầu những năm 1990. Từ năm 1986, Việt Nam đã thực hiện quá trình cải cách toàn diện, chủ trương chính sách đối ngoại độc lập, đa dạng hóa, đa phương hóa nhằm xây dựng một môi trường hòa bình và hợp tác, tạo thuận lợi cho việc theo đuổi những lợi ích quốc gia bao gồm tăng trưởng kinh tế, đoàn kết trong nước, chủ quyền quốc gia, cũng như phát triển chính trị, xã hội và kinh tế xã hội chủ nghĩa.
Tháng 7/2013, Việt Nam và Mỹ đã nhất trí nâng quan hệ lên thành "Đối tác toàn diện" nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương trên mọi lĩnh vực. Đáng chú ý, việc tăng cường quan hệ Việt-Mỹ diễn ra song song với việc Việt Nam đang thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc, nước láng giềng lớn và ngày càng quan trọng đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng của Việt Nam. Việt Nam – Trung Quốc thiết lập khuôn khổ "Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện" năm 2008.
Quan hệ Việt Nam và Mỹ phát triển mà không phải trả giá bằng mối liên kết giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thay vì phải chọn lựa, Hà Nội cố gắng hết mình để thúc đẩy quan hệ với cả Bắc Kinh và Washington, đồng thời nhận thấy mối quan hệ của mình với mỗi nước là quan hệ cùng có lợi.
Để công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, Việt Nam coi trọng vai trò của Mỹ nhiều hơn, coi Mỹ là nguồn chính về thị trường, đầu tư, công nghệ và bí quyết. Các quốc gia khác, bao gồm cả Trung Quốc, đã củng cố mối quan hệ của họ với Mỹ cũng vì lý do đó. Mối quan hệ được nâng cấp Việt Nam-Mỹ cũng tạo điều kiện để Việt Nam có được nguồn lực tốt hơn về chiến lược và ngoại giao. Mỹ ủng hộ ASEAN đóng vai trò trung tâm trong việc hình thành các cấu trúc an ninh khu vực tại châu Á-Thái Bình Dương và hỗ trợ các thành viên Hiệp hội, trong đó có Việt Nam, tăng cường năng lực hàng hải để họ nâng cao nhận thức về biển cũng như khả năng bảo đảm an ninh hàng hải của mình.
Tháng 9/2011, Việt Nam và Mỹ đã ký một Bản ghi nhớ thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương trong năm lĩnh vực bao gồm an ninh hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, cứu trợ nhân đạo và thảm họa, hợp tác giữa các trường đại học và viện nghiên cứu quốc phòng. Trong chuyến thăm vừa kết thúc, Tổng thống Obama đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Tuy vậy, việc thúc đẩy quan hệ đối tác Việt Nam-Mỹ không có nghĩa là để kiềm chế và chống lại Trung Quốc. Việc dỡ bỏ lệnh cấm trên chủ yếu là để tạo điều kiện cho chính sách đa dạng hóa các nguồn thiết bị quân sự và vũ khí của Việt Nam. Quan điểm về độc lập của chính sách đối ngoại Việt Nam đặc biệt thể hiện trong chính sách quốc phòng, theo đó, Việt Nam tuân thủ nghiêm chỉnh “nguyên tắc ba không”- Việt Nam sẽ không tham gia bất kỳ hiệp ước quân sự và trở thành một đồng minh quân sự của bất cứ nước nào; không cho phép bất cứ nước nào thiết lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình, và không dựa vào bất cứ nước nào để chống lại nước thứ ba.
Tổng thống Mỹ tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. (Ảnh: Minh Châu) |
Gần đây, Hà Nội đã phải chịu một số sức ép trong nước để xem xét lại nguyên tắc này. Tuy nhiên, việc tôn trọng nó vẫn là chính sách chủ đạo. Là một thành viên của ASEAN, Việt Nam chủ động hơn trong việc tham gia vào các nỗ lực của ASEAN thúc đẩy quan hệ với tất cả các cường quốc thông qua các cơ chế hợp tác do ASEAN dẫn dắt. ASEAN không phải là một hiệp ước quân sự hoặc bị cường quốc nào chi phối mà là một tổ chức thúc đẩy giải quyết khác biệt bằng con đường ngoại giao.
Hơn nữa, đứng về phía Mỹ hay Trung Quốc đều không thích hợp và khả thi vì hai nước này, bất chấp những khác biệt, đang cùng làm việc cho mối quan hệ mới coi trọng việc tránh đối đầu quân sự, đồng thời thúc đẩy quan hệ trên tất cả các lĩnh vực. Là một quốc gia tương đối nhỏ, theo dõi chặt chẽ cặp quan hệ Trung-Mỹ, Hà Nội quan tâm đến cả hai kịch bản khi Bắc Kinh và Washington tham gia vào các cuộc đối đầu trực tiếp hoặc thỏa hiệp.
Mối quan tâm của Hà Nội không phải là không có cơ sở, những ghi chép lịch sử đã cho thấy rằng Việt Nam đã bị ảnh hưởng bởi những thăng trầm trong quan hệ Trung-Mỹ trong Chiến tranh Lạnh. Do đó, chính sách phù hợp nhất cho Việt Nam là làm bạn với cả Mỹ và Trung Quốc, chủ động trong ASEAN, và tuân theo các nguyên tắc phổ quát của luật pháp quốc tế cũng như các thông lệ đã được thiết lập tại khu vực và các quy tắc ứng xử. Việc cải thiện quan hệ Việt Nam-Mỹ sẽ củng cố những xu hướng này.
Ngoại trưởng Mỹ: Trung Quốc thiết lập ADIZ sẽ gây bất ổn an ninh khu vực “Chúng tôi hối thúc Trung Quốc không hoạt động đơn phương mang tích chất khiêu khích”. |
Đối thoại Shangri-La: Kiểm soát căng thẳng Biển Đông Vấn đề Biển Đông một lần nữa lại được đề cập đến một cách cụ thể và cấp bách tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La ... |
Đối thoại Shangri-La 2016: Tâm điểm là quan hệ Mỹ - Trung Bộ trưởng Quốc phòng và người đứng đầu quân đội của khoảng 20 nước sẽ đến Singapore tham dự Đối thoại Shangri-La thường niên từ ... |