Nhỏ Bình thường Lớn

Mạn đàm về “Ngoại giao chủ động”

Lâu nay từ “chủ động” thường được nhắc tới nhiều khi nói về đường lối, chính sách và hoạt động ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.
man dam ve ngoai giao chu dong
 

Tại Đại hội XII của Đảng vừa họp, ý tưởng “chủ động” lại được nhấn mạnh nhiều lần. Điều đó hoàn toàn không có nghĩa là phương châm ấy ngày nay mới có mà nó thường xuyên hiện diện suốt chiều dài lịch sử nước ta ngay từ thời tiền khởi nghĩa đầu những năm 40 của thế kỷ trước. Vào ngày đầu Xuân bước vào năm mới ẩn chứa những cơ hội và cả thách thức mới, thiết nghĩ cũng nên ôn cố tri tân để tận dụng những điều thuận, hóa giải những điều nghịch.

Thiết nghĩ, ta nên thống nhất cách hiểu hai từ tưởng như quá quen thuộc này. Tra từ điển, hỏi bác Google có thể hiểu, chủ động nghĩa là “tự mình quyết định hành động, không bị chi phối bởi người khác hoặc hoàn cảnh bên ngoài”. Nói như vậy cũng đúng nhưng có lẽ chưa thật chuẩn vì nhiều khi chính tính toán và hành vi của thiên hạ và ngoại cảnh bên ngoài lại mách bảo ta phải chủ động ứng phó và tận dụng ra sao để tranh thủ mối lợi lớn nhất cho mình.

Nhớ lại thời tiền và hậu khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, Bác Hồ và các nhà lãnh đạo tiền bối đã bắt mạch trúng thời cuộc Thế chiến II sắp kết thúc với thắng lợi của các lực lượng Đồng minh và sự giành giật, mâu thuẫn giữa các nước lớn thời hậu chiến để hạ quyết tâm giành chính quyền và xác định chính sách đối ngoại của nước Việt Nam mới.

man dam ve ngoai giao chu dong
 

Thế rồi, chín năm sau, năm 1954 ta đã “bị động” tham gia Hội nghị Geneva do các nước lớn dàn xếp nhưng đã chủ động giành toàn thắng trong chiến dịch Điện Biên, tạo thế mới cho ta không chỉ trên bàn Hội nghị mà cả những năm tháng xây dựng miền Bắc làm chỗ dựa cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sau này.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, rút kinh nghiệm không ngọt ngào chút nào thời họp Hội nghị Geneva, ta đã hoàn toàn chủ động trong cả cách đánh lẫn cách đàm và cách kết thúc chiến tranh với thắng lợi lịch sử năm 1975.

Trong những năm trước và sau khi phát động công cuộc đổi mới, nước ta lại rơi vào thế bị động đối phó với khủng hoảng kinh tế - xã hội trong nước, sự suy yếu dần của Liên Xô và các nước Đông Âu và việc Mỹ - Trung cùng một số nước khác bao vây cô lập Việt Nam, ta đã chủ động đổi mới trong nước, giải quyết vấn đề Campuchia, gỡ dần vòng vây xung quanh mình.

Trong các giai đoạn trước, thế hệ chúng tôi chỉ mới được nghe nhưng ở giai đoạn này chúng tôi được mục sở thị, thậm chí được tham gia ít nhiều vào quá trình xoay vần từ thế bị động sang thế chủ động ra sao. Chúng tôi còn nhớ như in những trăn trở, dằn vặt khi ta chủ động quyết định rút quân khỏi Campuchia sau gần chục năm ròng đổ biết bao xương máu để cứu dân tộc này khỏi nạn diệt chủng, đồng thời chủ động tạo ra cục diện đàm phán khu vực để tìm ra giải pháp chính trị. Và trong tâm trí chúng tôi không bao giờ phai mờ nhiều kỷ niệm vui buồn về cách hóa giải quan hệ với các nước lớn từng dàn xếp với nhau trên vấn đề Campuchia và về mối quan hệ với nước ta. Trong đầu óc chúng tôi còn in đậm những lo lắng trước sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô – Đông Âu và cách chúng ta tìm đường trụ vững, biến cái họa lớn đó thành cái phúc trong công cuộc đổi mới thể chế kinh tế ở trong nước và chuyển từ chính sách đối ngoại “đứng hẳn về một bên” sang “đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập với thế giới”, chẳng những đưa nước ta ra khỏi cơn hiểm nghèo mà còn giành được thế mới, lực mới.

man dam ve ngoai giao chu dong
 

Nhìn lại năm mốc lớn trải dài trong hơn bảy thập kỷ qua có thể thấy, điều lý tưởng là tự mình chủ động dẫn dắt cục diện nhưng không phải lúc nào cũng có thể làm được điều đó mà nhiều khi  phải biết cách xoay sở, chuyển từ thế bị động thành chủ động, biến cái họa thành cái phúc. Và muốn vậy không thể không dự cảm, tiên đoán một cách thật nhạy bén, thật chuẩn xác ngoại cảnh đồng thời hiểu đúng, đoán trúng ý định của thiên hạ để chủ động ứng phó, hóa giải. Trong chuyện này, câu châm ngôn “sai một li đi một dặm” thật hết sức chuẩn xác và trong thực tế không phải không có lúc sơ sẩy và phải trả giá.

Điều kiện tiên quyết để tránh được họa là nghĩ bằng cái đầu của mình chứ không phải bằng lời ru của người khác; lấy lợi ích quốc gia – dân tộc mình làm chuẩn chứ không phải những điều mộng tưởng; dựa vào thực lực của mình chứ không thể trông đợi ai rủ lòng thương. Kinh nghiệm lịch sử, không phải một lần, cho thấy, khi nào ta hành xử đúng như vậy thì thành công, làm khác đi thì y như rằng thua thiệt. Thiết nghĩ rằng, ngày nay, trong cục diện thế giới và ở quanh ta hết sức rắc rối, những bài học đắt giá của quá khứ luôn mách bảo chúng ta nên suy nghĩ thế nào, hành xử ra sao cho có lợi nhất cho nước mình. Có thể nói, đây cũng là dự cảm mùa Xuân khi bước vào Năm Mới.

Vũ Khoan (Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ)