Nhân viên điều tra Nga tại hiện trường vụ tai nạn. (Nguồn: AP) |
Theo một quan chức giấu tên của Mỹ, việc thông tin liên lạc trên chiếc máy bay xấu số bị chặn có thể là một trong những cơ sở để đưa ra kết luận sơ bộ là nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Sinai đã cài đặt thiết bị nổ trên chuyến bay.
Tuy nhiên, vẫn chưa có báo cáo chính thức từ Cơ quan tình báo Mỹ (CIA) hay các tổ chức khác và phải chờ kết quả phân tích hộp đen để có chứng cứ pháp lý cụ thể.
Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cho rằng, "rất có khả năng" chiếc máy bay bị rơi do một quả bom phát nổ và Anh đã đình chỉ các chuyến bay đến và đi từ Sharm el-Sheikh ở Sinai vô thời hạn sau cuộc họp của Ủy ban khủng hoảng chính phủ Anh (COBRA).
Văn phòng Thủ tướng Anh David Cameron cho biết, các chuyên gia hàng không Anh đã được cử đến Sharm el-Sheikh - nơi chiếc máy bay bị nạn cất cánh, để đánh giá an ninh trước khi nối lại các chuyến bay hai chiều của nước này.
Theo Phó Giám đốc sân bay Sharm el-Sheikh Hany Ramsay, Anh đã hành động "quá sớm", và hành động đó có thể khiến các quốc gia khác làm theo. Ông cho rằng, có thể có động cơ chính trị và thương mại đằng sau tuyên bố này của ông Cameron để “làm tổn thương đến ngành du lịch (của Ai Cập)".
Thực tế, Cơ quan Hàng không Ireland cũng “học theo” nước Anh khi cho ngừng các chuyến bay đến sân bay Sharm el-Sheikh và vào không phận của bán đảo Sinai "cho đến khi có thông báo mới". Một số hãng hàng không, bao gồm Lufthansa và Air France cũng đã ngừng bay qua Sinai sau khi vụ tai nạn xảy ra.
Việc đình chỉ các chuyến bay đi và đến Sinai đã giáng thêm một đòn vào ngành công nghiệp du lịch đang khó khăn của Ai Cập – vốn trở nên bấp bênh sau sự kiện Mùa xuân Ả rập 2011. Hiện có gần 1 triệu người Anh thăm Ai Cập mỗi năm, phần nhiều đến Sharm el-Sheikh.
Cũng trong ngày 4/11, Bộ Hàng không Ai Cập cho biết, nội dung ghi âm buồng lái (CVR) của máy bay đã bị thiệt hại đáng kể, nhưng Ủy ban Hàng không Liên quốc gia tại Moscow – cơ quan giám sát hoạt động hàng không dân dụng ở nhiều nước Liên Xô cũ thông báo rằng, thông tin đã được sao chép thành công và trao cho các nhà điều tra.
Ngày 3/11, phía Mỹ cho biết, hình ảnh vệ tinh của nước này phát hiện có nhiệt tỏa ra xung quanh chiếc máy bay ngay trước khi bị rơi. Các bức xạ hồng ngoại cho thấy, nhiều khả năng, trong đó không loại trừ có một vụ nổ bom hay một động cơ trên máy bay phát nổ do trục trặc. Một quan chức giấu tên của Mỹ nói rằng, có thể loại trừ nguyên nhân chiếc máy bay bị trúng tên lửa bởi vệ tinh không ghi lại được một vụ phóng tên lửa hay đốt động cơ gần đó.
Việc IS tuyên bố bắn rơi chiếc máy bay này để trả đũa cho động thái can thiệp quân sự gần đây của Nga vào Syria đã nhiều lần bị bác bỏ, trong đó Tổng thống el-Sissi đã cho rằng, hành động này là “sự tuyên truyền” gây tổn hại cho hình ảnh của Ai Cập.
Minh Tuấn (theo AP)