Cải tổ - cấp thiết và quan trọng
Việc mở rộng tư cách thành viên thường trực HĐBA LHQ cho bốn cường quốc mới (G4) bao gồm Ấn Độ, Đức, Brazil và Nhật Bản sẽ cho phép HĐBA hoạt động hiệu quả và có tính đại diện hơn trong việc giải quyết các khủng hoảng và xung đột mang tính toàn cầu mới.
Đây là thông điệp và tiếng nói chung của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, khi họ bắt tay nhau tại cuộc gặp thượng đỉnh G4 bên lề Đại hội đồng LHQ ngày 26/9. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh rằng, các nước G4 là ứng cử viên hợp pháp cho vị trí thành viên thường trực trong một Hội đồng được mở rộng và cải tổ và ủng hộ việc ứng cử của nhau. G4 cũng tái khẳng định quyết tâm tiếp tục đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương LHQ.
Cách đây mười năm, trước kỳ họp Đại hội đồng LHQ tháng 9/2005, nhóm G4 từng kêu gọi cải tổ HĐBA và triển khai vận động rầm rộ cho chiếc ghế thường trực của cơ quan quan trọng này. Tuy nhiên, sau khi bị đa số các nước trong Đại hội đồng và HĐBA phản đối, các chuyên gia nhận định ý tưởng này của G4 đã đi vào kỳ “ngủ đông”. Hiện nay, khi thế giới đang gia tăng các điểm nóng, nhu cầu quyền lực nước lớn trong các diễn đàn đa phương cũng ngày càng lớn, nhóm G4 lại tiếp tục lên tiếng cho chiếc ghế thường trực trong HĐBA.
Ý nguyện mở rộng HĐBA của G4 cũng song trùng với ý nguyện của cộng đồng quốc tế khi các nước trong LHQ không muốn nhìn thấy HĐBA một lần nữa bị tê liệt như thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Bài toán khó
Theo chương VI, VII của Hiến chương LHQ, HĐBA là cơ quan có quyền lực cao nhất của LHQ có thể áp đặt cấm vận, thậm chí sử dụng vũ lực đối với các quốc gia vi phạm Hiến chương LHQ. Điều 108, 109 của Hiến chương cũng quy định, bất cứ việc sửa đổi nào về Hiến chương, cải tổ LHQ đều phải nhận được hai phần ba phiếu ủng hộ của Đại hội đồng và sự đồng thuận của tất cả các thành viên thường trực HĐBA. Bởi thế, việc mở rộng thành viên thường trực HĐBA thực sự là “bài toán khó” cho G4.
Trung Quốc đã tuyên bố nước này ủng hộ cải tổ HĐBA với điều kiện việc cải tổ phải nhận được sự đồng thuận cao nhất. Trong khuôn khổ họp Đại hội đồng LHQ, Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi khẳng định. quan điểm của Bắc Kinh là cải tổ HĐBA nên đặt ưu tiên là tăng cường tính đại diện và tiếng nói của các nước đang phát triển. Trung Quốc hiện vẫn chưa đưa ra quan điểm trước đề xuất trở thành thành viên thường trực HĐBA của Ấn Độ. Mỹ sẽ không nhất trí cho cả nhóm G4 trở thành thành viên thường trực HĐBA mặc dù trong cuộc gặp bên lề Đại hội đồng LHQ vừa qua với Thủ tướng Modi, Tổng thống Obama bày tỏ sự ủng hộ trao cho Ấn Độ chiếc ghế quan trọng này.
Với các ứng cử viên còn lại, Nhật Bản bị Trung Quốc phản đối, Đức bị phản đối từ chính bên trong EU bởi EU cũng muốn đấu tranh cho vai trò đại diện chung trong HĐBA, còn Brazil được cho là sẽ đại diện khu vực Mỹ Latinh tại HĐBA nhưng lại chưa có được lòng tin từ các nước láng giềng.
Như vậy, dù các nước G4 đang nỗ lực hết mình để vận động nhưng triển vọng thành công của họ khá mờ nhạt. Các cuộc đàm phán cho quá trình cải tổ HĐBA sẽ vẫn kéo dài dù nhiều nước đã kêu gọi một thời hạn chót. Tương lai số ghế thành viên thường trực HĐBA tăng từ 5 lên 9 vẫn là một chặng đường dài.
Hằng Phạm