Nhỏ Bình thường Lớn

Mỹ áp dụng mạnh chiến thuật 'cây gậy và củ cà rốt' với Israel, 'bổn cũ soạn lại' liệu còn tác dụng?

"Cây gậy và củ cà rốt" là chiến lược quen thuộc với nhiều nước lớn, trong đó có Mỹ. Tuy nhiên, trong thời điểm căng thẳng leo thang tại Trung Đông, Israel quyết "rạch ròi" trong các lợi ích chiến lược, chiến thuật này liệu có hiệu quả hay không?
Toan tính của Biden khi sử dụng “cây gậy và củ cà rốt” với Israel
Mỹ đã gửi Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới Israel. (Nguồn: AP)

Trong những tháng cuối cùng tại nhiệm, Tổng thống Mỹ Joe Biden phát đi tín hiệu sẵn sàng sử dụng viện trợ quân sự của Mỹ như một “cây gậy và củ cà rốt” cho Israel, qua đó ảnh hưởng tới cuộc đối đầu rủi ro cao của nước này với Iran và các nhóm chiến binh được Iran hậu thuẫn.

Những động thái đối lập

Cách tiếp cận này khiến Washington ngày càng can dự vào quá trình ra quyết định của Israel chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, song vẫn chưa rõ liệu nó sẽ giúp đạt được các mục tiêu của ông Biden hay không, trong đó bao gồm ngăn chặn một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn và buộc Israel giải quyết tình hình nhân đạo ngày càng trở nên tồi tệ ở Dải Gaza.

Ngày 13/10, chính quyền Tổng thống Biden tuyên bố sẽ gửi khoảng 100 binh sĩ đến Israel cùng một hệ thống chống tên lửa tiên tiến của Mỹ, đợt triển khai hiếm hoi trong bối cảnh Thủ tướng Benjamin Netanyahu cân nhắc tiến hành một cuộc tấn công trả đũa Iran sau vụ Iran tấn công tên lửa vào ngày 1/10.

Cùng ngày, chính quyền Tổng thống Biden cũng đã gửi thư cho Israel và cảnh báo nước này phải thực hiện các bước trong tháng tới để cải thiện tình hình nhân đạo ở Gaza, hoặc phải đối mặt với các hạn chế tiềm tàng đối với viện trợ quân sự Mỹ.

Về mặt công khai, giới chức Mỹ nhận định những động thái có vẻ đối lập này phù hợp với các chính sách lâu dài nhằm đảm bảo quốc phòng cho Israel và ủng hộ việc bảo vệ dân thường trong cuộc xung đột đã kéo dài một năm ở Gaza.

Tuy nhiên, một số quan chức nhận định rằng đây là những cột mốc để Mỹ gia tăng can dự vào chiến lược của Israel ngay cả khi ông Biden sắp rời nhiệm sở.

Israel thường xuyên phản đối lời khuyên của Mỹ và gây ra nhiều khó khăn chính trị cho chính quyền ông Biden – vốn đã phải đối mặt với áp lực từ một số nhà hoạt động tự do thuộc đảng đảng Dân chủ về việc sử dụng đòn bẩy của Mỹ để kiềm chế Israel.

Aaron David Miller, thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế cảnh báo, Washington khó có thể cắt giảm hỗ trợ quân sự cho Israel nếu xung đột với Iran trở nên trầm trọng hơn.

Ngày 16/10, phía Israel cho biết 50 xe tải cứu trợ đã được chuyển đến phía Bắc Gaza từ Jordan, một kết quả ban đầu có thể xuất phát từ các yêu cầu của Mỹ.

Toan tính của Biden khi sử dụng “cây gậy và củ cà rốt” với Israel
Hình ảnh mô phỏng cách đánh chặn tên lửa của hệ thống THAAD. (Nguồn: Sputnik)

Điều chỉnh nhỏ, thay đổi lớn

Theo số liệu của Israel, ông Biden đã ưu tiên về mặt quốc phòng cho nước này kể từ khi các chiến binh Hamas kích động xung đột. Tổng thống Biden đã từ chối dừng nguồn vũ khí chảy vào Israel, ngoại trừ những quả bom nặng 2.000 pound (khoảng 900 kg), bất chấp sự phản đối của những người theo đảng Dân chủ khác khi cuộc xung đột của Israel ở Gaza đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng.

Chính quyền Mỹ hồi tháng 4 đã yêu cầu dân thường và nhân viên cứu trợ hoạt động ở Gaza được bảo vệ tốt hơn. Mỹ cho biết, đã gia tăng tạm thời dòng viện trợ chảy vào khu vực này.

Tuy nhiên, bức thư ngày 13/10 dường như là tối hậu thư rõ ràng nhất dành cho chính phủ của ông Netanyahu kể từ khi xung đột ở Gaza bùng phát, trong đó nêu rõ các bước cụ thể mà Israel phải thực hiện trong vòng 30 ngày, bao gồm cho phép tối thiểu 350 xe tải chở hàng viện trợ vào Gaza mỗi ngày.

John Ramming Chappell, Cố vấn pháp lý và vận động tại Trung tâm vì Người dân trong xung đột, đánh giá bức thư làm dấy lên khả năng Washington sẽ khiến Israel không đủ điều kiện để nhận vũ khí từ Mỹ trước những hạn chế của nước này trong hoạt động cung cấp viện trợ.

“Đây là một bước nhỏ hướng tới một sự thay đổi rất quan trọng”, ông nhận định.

Ngày 16/10, ông Netanyahu đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về việc mở rộng viện trợ nhân đạo cho Gaza và viện trợ có khả năng sẽ sớm tăng lên.

Theo các cựu quan chức và chuyên gia phân tích, quyết định triển khai Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) đến Israel cũng là một bước tiến lớn tương tự, phù hợp với chiến lược cung cấp cho Israel hỗ trợ quân sự chặt chẽ với mục tiêu tác động đến cách nước này tiến hành các hoạt động quân sự.

Một cựu quan chức quốc phòng mô tả nỗ lực triển khai này là “sự thay đổi mô hình”, xét đến học thuyết an ninh lâu đời của Israel là "tự mình bảo vệ bản thân". Song nó cũng có khả năng gia tăng rủi ro với Mỹ.

Trung Đông đang hồi hộp chờ đợi phản ứng của Israel sau khi Tehran quyết định tấn công vào đầu tháng này nhằm trả đũa cho hành động leo thang quân sự của Israel tại Liban.

Ông Biden đã phản đối việc Israel tiến hành bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào các địa điểm hạt nhân của Iran và bày tỏ lo ngại về một cuộc tấn công vào các địa điểm năng lượng.

Theo ông Thomas Karako, Giám đốc dự án phòng thủ tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, việc Mỹ gửi THAAD đến Israel có lẽ là động thái nhằm cố gắng thuyết phục người Israel "không nên hành động quá đáng”. Rõ ràng, không thể gửi một tài sản trị giá hàng tỷ USD mà không có một số điều kiện kèm theo.

Nhà Trắng đã không trả lời trực tiếp câu hỏi rằng liệu việc gửi hệ thống THAAD đến Israel có phải là một phần của thỏa thuận mà Israel đồng ý, qua đó không tấn công các địa điểm dầu mỏ hoặc hạt nhân của Iran hay không.

Tóm lại, với Israel, Mỹ đã sử dụng cách tiếp cận "cây gậy và củ cà rốt", tuy nhiên, vẫn chưa thể biết chiến thuật này có hiệu quả với Tel Aviv vào thời điểm này hay không, đặc biệt cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến rất gần.

Vũ khí nào đang được Ukraine sử dụng trong cuộc tấn công tỉnh Kursk của Nga?

Vũ khí nào đang được Ukraine sử dụng trong cuộc tấn công tỉnh Kursk của Nga?

Thống kê cho thấy một số quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bao gồm Mỹ, Anh và Đức, ...

EU hé lộ tính toán mới ở Ukraine, Italy nhắc nhở Kiev về giới hạn sử dụng vũ khí

EU hé lộ tính toán mới ở Ukraine, Italy nhắc nhở Kiev về giới hạn sử dụng vũ khí

Ngày 30/8, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell đã tiết lộ ...

Trung Đông: Hezbollah tuyên bố vào giai đoạn 'tính sổ công khai', Israel tính lập vùng đệm ở biên giới với Lebanon, Ai Cập cảnh báo xung đột toàn diện

Trung Đông: Hezbollah tuyên bố vào giai đoạn 'tính sổ công khai', Israel tính lập vùng đệm ở biên giới với Lebanon, Ai Cập cảnh báo xung đột toàn diện

Nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột toàn diện trong khu vực Trung Đông khi giao tranh giữa Israel và phong trào Hezbollah ở ...

Sau 50 ngày bặt tin và Bộ trưởng Quốc phòng Israel hủy thăm Mỹ, Tổng thống Biden cuối cùng đã điện đàm với Thủ tướng Israel

Sau 50 ngày bặt tin và Bộ trưởng Quốc phòng Israel hủy thăm Mỹ, Tổng thống Biden cuối cùng đã điện đàm với Thủ tướng Israel

Ngày 9/10, Nhà Trắng thông báo, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đã có cuộc hội đàm “hiệu quả” với ...

Tình hình Lebanon: Mỹ cảnh tỉnh Israel sau 'vi phạm gây sốc' khiến LHQ nóng mặt, EU nói 'không thể chấp nhận'

Tình hình Lebanon: Mỹ cảnh tỉnh Israel sau 'vi phạm gây sốc' khiến LHQ nóng mặt, EU nói 'không thể chấp nhận'

Việc xe tăng quân đội Israel xâm nhập trái phép khu vực đóng quân của Lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (UNIFIL) ...

(theo Reuters)