Đây là động thái phù hợp với tư duy chiến lược “xoay trục" về châu Á của Mỹ, nhất là trong bối cảnh báo cáo về nạn cướp biển tại khu vực đang gia tăng.
Một phần ba giao thông vận tải biển trên thế giới, bao gồm gần như toàn bộ lượng dầu thô mà các quốc gia Đông Á nhập khẩu từ Trung Đông, được lưu chuyển hàng ngày trên eo biển chiến lược quan trọng Malacca và Singapore. Vì tính chất quan trọng như vậy nên khu vực này đã trở thành một điểm nóng cho nạn cướp biển.
"Việc Mỹ trở thành thành viên ReCAAP sẽ cho phép chúng tôi hỗ trợ việc hợp tác đa phương để giải quyết các mối đe dọa chung liên quan đến cướp biển và nạn cướp bóc với các tàu thuyền đi lại trên tuyến đường biển và vùng nước quan trọng này của khu vực", một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói về việc Mỹ gia nhập ReCAAP.
Phó Chỉ huy phụ trách Chính sách phòng ngừa thuộc Lực lượng Bảo vệ Bờ biển của Mỹ, Chuẩn Đô đốc Paul F. Thomas cũng đã được bổ nhiệm làm chỉ huy Trung tâm Chia sẻ Thông tin (ISC) ReCAAP của Mỹ.
Mỹ lần đầu tiên tuyên bố ý định tham gia ReCAAP vào năm 2012. Trở thành thành viên thứ 20 của ReCAAP, Mỹ có thể đem đến cho khu vực một nguồn lực lớn về mặt kinh nghiệm cũng như năng lực chống cướp biển bởi lẽ, nước này và các đồng minh châu Âu từng thành công đáng kể trong cuộc chiến chống cướp biển ngoài khơi vùng Sừng châu Phi.
ReCAAP là một thể chế đa phương không mấy nổi tiếng ở khu vực, tập trung vào an ninh hàng hải và bảo đảm an ninh cho những tuyến đường biển quan trọng tránh nạn cướp biển. Đây không phải là một tổ chức quân sự hay một tổ chức cạnh tranh với các tổ chức khu vực như ASEAN, SCO, SAARC mà chỉ đơn giản là một nhóm quốc gia với nhiệm vụ là chống cướp biển và bảo đảm an ninh hàng hải.
Việc thành lập ReCAAP là cần thiết trong bối cảnh cướp biển gia tăng sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Theo thỏa thuận của ReCAAP, được ký vào tháng 10/ 2004, ReCAAP chính thức ra mắt vào năm 2006 và các thành viên hiện tại bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…
Đáng chú ý, Indonesia và Malaysia không phải là thành viên của ReCAAP, mặc dù hai nước này ở rất gần về mặt địa lý với nơi thường xảy ra các vụ cướp biển. Các quốc gia ngoài khu vực châu Á - Thái Bình Dương tham gia tổ chức này là Anh, Hà Lan, Đan Mạch và Na Uy.
N.K (theo The Diplomat)