Mất điện diễn ra gần như hàng ngày tại các tỉnh của Venezuela, Ecuador và cả Cuba. Ở Ecuador, Tổng thống Rafael Correa đã phải đưa ra biện pháp khẩn cấp gồm việc đóng cửa một vài nhà máy để tiết kiệm năng lượng. Liệu đây có phải là sự thực, khi khủng hoảng năng lượng lại xảy ra ở một khu vực rất giàu tài nguyên thiên nhiên này?
Chính quyền Brazil cho rằng nguyên nhân là bão lớn đã làm hỏng đường dây tải điện từ nhà máy thủy điện Itaipu nằm giáp giới giữa Brazil và Paraguay. Các nước khác cho đây là hậu quả của sự ấm lên toàn cầu khiến mực nước tại các hồ chứa giảm và kéo theo sản lượng thủy điện cũng giảm theo. Venezuela và Ecuador đang phải gánh chịu hạn hán tồi tệ nhất trong 40 năm qua.
Tổng thống Venezuela Hugo Chavez thì nói rằng sự gia tăng nhu cầu sử dụng điện cũng là một nguyên nhân, kết hợp với việc người dân không có ý thức tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là nước. "Một số người vừa tắm vừa hát đến tận 30 phút trong khi chỉ cần 3 phút là đủ", ông nói.
Dù vậy, các nhà quan sát cho rằng nguyên nhân không đơn giản vì El Nino hay sự ấm lên toàn cầu. Cựu Bộ trưởng Năng lượng Argentina Daniel Montamat khẳng định đây là “kết quả của sự thiếu kế hoạch dài hạn trong lĩnh vực năng lượng" và các chính phủ không có nguồn năng lượng dự trữ thay thế.
Các chuyên gia cho rằng chính phủ khắp khu vực đang đầu tư chưa tương xứng cho các nguồn cung điện và điều đó có nghĩa họ sẽ phải chi nhiều hơn trong tương lai. Theo một tổ chức năng lượng khu vực, Mỹ Latinh sẽ phải chi đến 10 tỉ USD trong thập kỷ tới mới có thể cung cấp cho 100 triệu dân hiện vẫn chưa được sử dụng điện.
Rõ ràng khu vực cần phải có sự hội nhập và hợp tác nhiều hơn trong lĩnh vực năng lượng đồng thời tìm lối đi riêng. Ví như những nước nhập khí gas của Bolivia hiện đang xây dựng đường ống để có thể mua gas từ những nơi khác, Chile thì đang mua gas từ Indonesia.
Sự đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng cũng là chìa khóa chấm dứt sự thiếu hụt năng lượng. Argentina, Mexico và Brazil đang tìm cách xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Năng lượng sinh học cũng được một số chính phủ khu vực coi là giải pháp.
Nếu không, những bữa ăn tối dưới ánh nến có thể trở thành "bản sắc" của Mỹ Latinh trong thời gian tới.
Mai Anh(Theo BBC)