Tổng thống Mỹ Joe Biden mong muốn hóa giải những khúc mắc trong quan hệ Nhật-Hàn. (Nguồn: AP) |
Sứ mệnh của liên minh
Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đặt ưu tiên vào việc hàn gắn các mối quan hệ giữa các đồng minh của Mỹ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, gắn kết các nước lại với nhau trong một cách tiếp cận thống nhất về Trung Quốc. Thời điểm này, ông Biden cũng mong muốn khởi động lại đàm phán của Mỹ nhằm phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Tăng cường hợp tác ba bên Mỹ-Nhật-Hàn là cơ chế then chốt, quan trọng trong chương trình nghị sự của Tổng thống Biden.
Mặc dù còn nhiều mâu thuẫn trong quan hệ, nhưng Nhật Bản và Hàn Quốc đều là những đồng minh quan trọng của Mỹ ở Đông Á. Do vậy, những nỗ lực làm sâu sắc thêm liên minh, tăng cường khả năng răn đe, giảm gánh nặng an ninh của Mỹ và thuyết phục Mỹ tiếp tục tham gia vào khu vực sẽ tiếp tục được đẩy mạnh theo cơ chế ba bên.
Trong mối quan hệ với Trung Quốc tại khu vực, sẽ hiệu quả hơn nếu như Seoul và Tokyo cùng đồng lòng để hướng Bắc Kinh trở thành một quốc gia có trách nhiệm hơn trong hợp tác, thông qua các cơ chế ba bên Trung-Nhật-Hàn. Điều này cũng sẽ phần nào khiến Washington cảm thấy an tâm hơn.
Việc lập kế hoạch dự phòng ba bên Mỹ-Nhật-Hàn trước mắt là về vấn đề Triều Tiên bắt buộc phải có quân đội Mỹ đóng tại Nhật Bản để hỗ trợ cho Lực lượng Phòng vệ nước này trong trường hợp xảy ra cuộc khủng hoảng lớn nổ ra trên Bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, những căng thẳng và phức tạp sâu xa của mối quan hệ Nhật-Hàn tiếp tục là những trở ngại lớn cho các nỗ lực của Mỹ. Các vấn đề về lịch sử, bản sắc và lãnh thổ tiếp tục làm căng thẳng mối quan hệ Nhật-Hàn và ảnh hưởng không nhỏ tới tam giác quan hệ Mỹ-Nhật-Hàn.
Những nỗ lực thiết lập quan hệ hai nước sau chiến tranh bắt đầu vào năm 1951, trong bối cảnh giao tranh đang diễn ra ác liệt trên bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản sắp khôi phục được chủ quyền.
Lúc đó, Mỹ rất muốn gắn kết 2 đồng minh của mình lại với nhau, nhưng cả nhà lãnh đạo Hàn Quốc Syngman Rhee và Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Yoshida đều không nhiệt tình giải quyết các vấn đề hóc búa trong quan hệ song phương, chẳng hạn như cách đối xử với người Hàn Quốc sinh sống ở Nhật Bản và việc bồi thường cho thời kỳ thực dân Nhật chiếm đóng.
Các cuộc đàm phán về một hiệp ước bình thường hóa quan hệ giải quyết các vấn đề hậu chiến tranh cuối cùng đã diễn ra vào năm 1965. Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ ở cả hai nước đối với những thỏa hiệp cần thiết để đạt được một thỏa thuận, hiệp ước bình thường hóa quan hệ năm 1965 đã trở thành nền tảng pháp lý cho mối quan hệ Nhật-Hàn thời hậu chiến.
Quan hệ Nhật-Hàn đi xuống sau chuyến viếng đền Yasukuni của cựu Thủ tướng Abe Shinzo hồi tháng 12/2013. Tuy nhiên, khi các quan chức Nhật Bản và Hàn Quốc bắt đầu tiếp xúc trở lại, Mỹ đã kết hợp sức ép trực tiếp từ Tổng thống và nỗ lực hòa giải trong hậu trường để giúp tạo điều kiện thuận lợi cho một thỏa thuận giữa hai nước.
Năm 2019, quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc lại xuống mức thấp nhất kể từ khi bình thường hóa năm 1965. Nguyên do là Nhật Bản bắt đầu chiến tranh thương mại bằng cách áp đặt các hạn chế đối với xuất khẩu ba loại hóa chất quan trọng đối với nền kinh tế Hàn Quốc được sử dụng trong sản xuất chất bán dẫn và màn hình hiển thị điện thoại thông minh.
Mỹ cần củng cố liên minh Mỹ-Nhật-Hàn để đối trọng với Trung Quốc tại khu vực. (Nguồn: ABS) |
Gắn kết thực chất
Mỹ có thể làm gì để tháo gỡ những trở ngại giữa hai đồng minh quan trọng tại Đông Á? Làm thế nào để các bên đồng lòng thực hiện những mục tiêu chiến lược tại khu vực?
Tổng thống Biden và chính quyền của ông cần phải tìm ra những giải pháp phù hợp để hiện thực những mục tiêu chiến lược.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang nỗ lực hết mình để gắn kết hai bên lại với nhau. Cơ hội cho cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 ở Cornwall (Anh) tháng 6 vừa qua đã bị bỏ lỡ. Thế nhưng Mỹ với vai trò trung gian đã giúp ba bên đạt được một số tiến bộ trong cuộc họp cấp cao, nhất trí tiếp tục hợp tác hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Hơn nữa, những lo ngại từ phía Trung Quốc và Triều Tiên cũng sẽ giúp tăng gắn kết Hàn Quốc và Nhật Bản. Ở Washington, nỗ lực nhằm đối trọng với Trung Quốc đòi hỏi cần có các mối quan hệ chặt chẽ với các đồng minh và giữa các đồng minh với nhau. Cả Tokyo và Seoul trên danh nghĩa đều ủng hộ hợp tác ba bên.
Mỹ cũng đã hướng sự chú ý tới việc gắn kết Tokyo và Seoul. Lần gần đây nhất khi quan hệ Nhật-Hàn xấu đi, chính quyền Trump đã tỏ ra không mấy bận tâm. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Biden hiện nay đang nhấn mạnh đến vai trò của các đồng minh và tích cực khuyến khích các cuộc gặp ba bên.
Dầu vậy, chính quyền Tổng thống Biden cho rằng phải tới tận sang năm mới có thể có đột phá trong quan hệ Nhật-Hàn cho dù các quan chức ở Tokyo và Seoul đang âm thầm làm việc để đặt nền móng cho một thỏa thuận tiềm năng.
Thế vận hội mùa Hè Olympic sắp tới mà Tổng thống Moon Jae-in dự định sẽ tham dự có thể sẽ là thời điểm thích hợp để đưa mối quan hệ song phương Nhật-Hàn đi theo một hướng khác. Lịch sử cho thấy rằng, nếu có sự lãnh đạo và kiên nhẫn, tiến triển là điều hoàn toàn có thể đạt được.