Trung Quốc lo vào 'tầm ngắm'' của các lệnh trừng phạt khi Mỹ vừa tỏ ra mạnh tay trong trừng phạt Nga. (Nguồn: East Asia Forum) |
Nỗi lo vào "tầm ngắm"
Khi trừng phạt Ngân hàng trung ương Nga, Mỹ và các đồng minh đã gây ra một cú sốc tài chính rất lớn cho Moscow. Không quá bất ngờ, bởi đây không phải là một biện pháp trừng phạt mới và trước đây, Mỹ cũng từng trừng phạt các ngân hàng trung ương của Iran và Venezuela. Yếu tố gây sốc chính là số lượng các quốc gia cùng Mỹ tham gia trừng phạt Nga.
Không một ai biết chính xác bao nhiêu trong tổng số 640 tỷ USD dự trữ ngoại hối và vàng của Nga hiện nay không thể tiếp cận được. Chắc chắn, Moscow đã mất khả năng tiếp cận hàng trăm tỷ USD.
Ngân hàng trung ương Nga trước đó đã tính toán rằng, họ có thể tự bảo vệ mình bằng cách giảm bớt dự trữ ngoại hối sau năm 2014, đầu tư nhiều hơn vào đồng Euro, vàng và đồng Nhân dân tệ.
Nhưng tất cả các giao dịch với Ngân hàng trung ương Nga đều đã bị trừng phạt, nên Nga sẽ gặp khó khăn, thậm chí là không thể sử dụng ngay lượng vàng dự trữ trị giá 130 tỷ USD bởi vì, các nền kinh tế hiện nay đa phần đều ngần ngại giao dịch với một thực thể bị trừng phạt.
Đây là một vấn đề đáng lo ngại đối với các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc. Rõ ràng, các lệnh trừng phạt của Nga cho thấy bất kỳ quốc gia nào có quan hệ căng thẳng với Mỹ và ngân hàng trung ương có lượng dự trữ ngoại hối đáng kể, đều dễ bị đưa vào “tầm ngắm”.
Ba cách tiếp cận "cứu cánh"
Trên thực tế, Trung Quốc có ba cách tiếp cận nhằm giảm bớt tính dễ bị tổn thương trước các biện pháp trừng phạt mà Nga đang phải đối mặt.
Cách tiếp cận đầu tiên là tìm tài sản để đầu tư an toàn hơn so với USD hoặc tiền tệ của bất kỳ quốc gia nào khác, mà trong một kịch bản nào đó có thể tìm cách áp đặt các hạn chế đối với Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc tìm kiếm các tài sản thực sự an toàn để đầu tư sẽ cực kỳ khó khăn, đặc biệt là khi việc chuyển hướng đầu tư khỏi phương Tây có thể làm giảm lợi nhuận, đồng thời tăng rủi ro.
Việc siết chặt tài trợ hiện tại của Nga bắt nguồn từ thực tế rằng, không chỉ Mỹ mà còn cả Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh và Nhật Bản đã phối hợp để ngăn chặn việc Nga sử dụng các nguồn dự trữ của mình.
Cách tiếp cận thứ hai là đẩy nhanh tính quốc tế của đồng Nhân dân tệ để giảm nhu cầu ngoại hối của Trung Quốc. Tuy vậy, đồng Nhân dân tệ chỉ chiếm 15%, ngay cả trong thanh toán thương mại của chính Trung Quốc.
Bắc Kinh có những động lực mạnh mẽ để tăng cường sử dụng đồng Nhân dân tệ, do vậy, những tiến triển chậm chạp tạo ra nhiều thách thức đáng kể. Vừa qua, Saudi Arabia cho biết có thể chấp nhận thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ để bán một số loại dầu cho Trung Quốc. Saudi Arabia có thặng dư thương mại 15 tỷ USD với Trung Quốc, việc thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ này đặt ra câu hỏi liệu Saudi Arabia sẽ làm gì với tất cả số tiền thu được trong khi đồng Riyal vẫn được cố định với đồng USD.
Mặc dù Nhân dân tệ đã chứng tỏ tính hấp dẫn với các trái chủ (là người cho nhà phát hành vay tiền thông qua việc mua trái phiếu) trên thế giới, nhưng điều đó khó có thể chứng minh được tính quốc tế hóa.
Các nhà đầu tư nước ngoài mua rất nhiều trái phiếu Indonesia, nhưng điều đó không biến đồng Rupiah trở thành đồng tiền dự trữ. Thông thường, sự chi phối của tiền tệ trong hệ thống tiền tệ quốc tế được đặc trưng bởi quán tính là mọi thứ thay đổi chậm. Có thể chỉ còn vài năm nữa Trung Quốc trở thành một nền kinh tế lớn hơn Mỹ (tính theo USD), nhưng đó chỉ là một phần của “phương trình xác định” vị thế quốc tế của Nhân dân tệ.
Cách tiếp cận thứ ba và là con đường đáng tin cậy nhất của Trung Quốc để giảm thiểu các điểm dễ bị tổn thương, là tăng cường khả năng tự lực của nền kinh tế.
Trong các lĩnh vực như công nghệ, nông nghiệp và năng lượng, Trung Quốc đang thực hiện một số nỗ lực để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu và tăng cường chuỗi cung ứng nội bộ. Thay thế nhập khẩu có thể trở thành một trọng tâm rõ ràng hơn nữa trong chính sách kinh tế của Trung Quốc.
Đầu tháng 3 vừa qua, phương Tây đã áp đặt các lệnh cấm mới ngăn cản Ngân hàng Trung ương Nga giao dịch bằng USD. Các cá nhân và doanh nghiệp Mỹ, EU, Anh,... không thể thực hiện các giao dịch tài chính với Ngân hàng Trung ương Nga, Quỹ Tài sản quốc gia Liên bang Nga và Bộ Tài chính Nga. Lệnh trừng phạt cũng cấm những công ty tài chính nước ngoài gửi USD vào các cơ quan, tổ chức này. Tuy nhiên sẽ có ngoại lệ với một số thanh toán liên quan đến năng lượng, nhằm giảm nguy cơ giá dầu và khí đốt tăng đột biến. |