Nhỏ Bình thường Lớn

Mỹ mất vị trí siêu cường?

Nước Mỹ đang trải qua những thời khắc khó khăn. Sự phục hồi sau khủng hoảng tài chính năm 2008 tiến triển chậm chạp, thêm vào đó nền chính trị Mỹ vẫn còn bế tắc về các vấn đề ngân sách và thỏa hiệp sẽ càng khó hơn trước kỳ bầu cử 2012, khi phe Cộng hòa hy vọng rằng các vấn đề kinh tế sẽ giúp họ hạ bệ Tổng thống Barack Obama. Và nhiều người suy đoán về một sự đi xuống của nước Mỹ, đặc biệt trong tương quan với Trung Quốc.
Ảnh minh họa

Ở Anh, những người đánh giá Trung Quốc đứng đầu tăng lên 47%, so với tỉ lệ 34% năm 2009. Xu hướng tương tự diễn ra ở Đức, Tây Ban Nha và Pháp. Thực sự, cuộc thăm dò cho thấy có nhiều quan điểm bi quan hơn về Mỹ tại các nước đồng minh lâu đời và thân cận nhất ở Mỹ hơn là ở Mỹ Latinh, Nhật, Thổ Nhĩ Kỳ và Đông Âu. Ngay cả người Mỹ cũng mâu thuẫn về việc liệu Trung Quốc có thay Mỹ là siêu cường toàn cầu hay không.

Sự bi quan này không phải không có tiền lệ. Người Mỹ có truyền thống phán đoán sai về sức mạnh bản thân. Trong những năm 1950 và 1960, sau sự kiện Sputnik, nhiều người nghĩ rằng Liên Xô sẽ thắng thế Mỹ; trong năm 1980, đó là nước Nhật. Và nay là Trung Quốc. Nhưng cho dù tăng trưởng kinh tế sẽ đưa Trung Quốc bắt kịp Mỹ về các nguồn sức mạnh cũng không hoàn toàn có nghĩa là Trung Quốc sẽ vượt Mỹ. GDP của Trung Quốc hầu như chắc chắn sẽ vượt Mỹ trong một thập kỷ tới, nhờ vào quy mô dân số và tỉ lệ tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Nhưng nếu tính theo thu nhập đầu người, Trung Quốc sẽ không bằng Mỹ trong vài thập kỷ tới.

Ngoài ra, nhiều dự đoán hiện tại chỉ dựa vào tăng trưởng GDP mà bỏ qua lợi thế về quân sự và sức mạnh mềm của Mỹ, cũng như sự bất lợi về địa chính trị của Trung Quốc. Mỹ có những vấn đề lớn về kinh tế nhưng họ vẫn dẫn đầu trong chi phí nghiên cứu và phát triển, đứng đầu trong xếp hạng các trường đại học, trong các giải thưởng Nobel và trong các chỉ số kinh doanh. Ngoài ra, Mỹ vẫn là nước đi đầu trong những công nghệ như sinh học và nano.

Mỹ đồng thời là nước được lợi lớn từ những người nhập cư. Như cựu Thủ tướng Singapore Lí Quang Diệu từng nói, Trung Quốc có thể cậy nhờ vào biển tài năng của 1,3 tỉ người, nhưng Mỹ có thể dựa vào 7 tỉ người của thế giới, và có thể tập hợp chúng trong một nền văn hóa đa dạng để tăng cường tính sáng tạo và giải quyết những vấn đề nghiêm trọng: nợ công, nền giáo dục trung học yếu, bế tắc chính trị...

Nếu như vậy, những đồn đoán u ám về sự suy giảm tuyệt đối của Mỹ sẽ sai lầm giống như những dự đoán tương tự trong quá khứ. Do đó "sự nổi lên của phần còn lại" có nghĩa là Mỹ ít chi phối hơn trước đây, chứ không có nghĩa là Trung Quốc thay Mỹ là cường quốc hàng đầu thế giới.

Joseph Nye (*)

Phương Nguyên (gt)

* Tác giả là cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, hiện là giáo sư của ĐH Havard và tác giả cuốn Tương lai của Quyền lực