Có nhiều phân tích cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến Mỹ phải tham dự EAS sắp tới. Xét về mặt cơ chế, sau khi tham gia Hiệp định Hữu nghị và Hợp tác (TAC) năm 2009, Mỹ đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn cần thiết để trở thành thành viên của EAS. Xét về mặt chiến lược, tham gia EAS thể hiện cam kết theo đuổi chủ nghĩa đa phương của Washington, giảm hành động đơn phương, coi trọng hơn vai trò các tổ chức quốc tế và khu vực trong giải quyết các vấn đề toàn cầu. Trước mắt, Mỹ có thể sử dụng quy chế thành viên EAS để hướng diễn đàn này phát triển theo chiều hướng có lợi cho Mỹ, đồng thời tăng cường ảnh hưởng tại khu vực. Chẳng hạn, Washington có thể giữ vai trò đầu tàu trong việc đảm bảo Quan hệ Đối tác Kinh tế toàn diện trong khuôn khổ EAS phù hợp với Hiệp định Khu vực tự do thương mại Châu Á Thái Bình Dương trong khuôn khổ APEC, nhằm tránh các xung đột thương mại trong tương lai.
Tuy nhiên, hiện tại vẫn có ý kiến phản đối Mỹ tham dự EAS. Một số nhà lãnh đạo và chuyên gia cho rằng so với ASEAN+3 (10 nước ASEAN và Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc), EAS chỉ đơn thuần là một diễn đàn để thảo luận chứ chưa có hành động thực tế, hay nói cách khác, họ cho rằng diễn đàn này chỉ nói chứ không làm. ASEAN+3 đã thiết lập được một quỹ chung (trong khuôn khổ Hiệp định Đa phương hóa - Sáng kiến Chiang Mai) nhằm bảo vệ các nước thành viên khỏi một cuộc khủng hoảng tài chính trong tương lai.
Chính quyền Obama có thể dàn xếp để tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN tại Honolulu hoặc hoãn lại nhưng khó có thể hoãn EAS lần thứ 5 bởi điều này đòi hỏi phải được sự đồng thuận của 6 nước không phải là thành viên ASEAN khác, trong đó có Trung Quốc. Donald K. Emmerson, Giáo sư Đại học Stanford cho rằng thay vì đích thân Obama tham dự trực tiếp, Mỹ có thể cử Phó tổng thống hoặc Ngoại trưởng tới Việt Nam để dự EAS nhằm khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với diễn đàn này, đồng thời có cơ hội để đánh giá hiệu quả của nó trước khi quyết định trở thành thành viên chính thức.
Lam Sơn