Hàng hóa tại một cảng biển của Myanmar. (Nguồn: Reuters) |
Thông cáo của Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ (OFAC) cho biết, Washington quyết định điều chỉnh chính sách nói trên sau khi đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của thủ lĩnh đối lập Aung San Suu Kyi giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử tại Myanmar tháng Mười Một vừa qua.
Các quan chức Mỹ thừa nhận, việc phong tỏa ngân hàng đối với nhiều hoạt động thương mại của Myanmar với phương Tây khiến người dân nước này bị ảnh hưởng. Quyết định tạm thời nới lỏng các đòn trừng phạt thương mại trong 6 tháng của OFAC sẽ giúp loại bỏ rào cản lớn trong giao dịch thương mại và ngăn chặn tình trạng các ngân hàng Mỹ “xa lánh” thị trường Myanmar vì lo ngại vi phạm các lệnh trừng phạt.
Động thái trên của OFAC diễn ra sau khi các ngân hàng lớn của Mỹ rút khỏi hoạt động hỗ trợ tài chính cho thương mại với Myanmar hồi tháng trước - sau khi phát hiện ra rằng cảng Asia World, một trong những cảng hàng hóa quan trọng nhất của Myanmar, do một doanh nhân có tên trong danh sách đen của Mỹ kiểm soát.
Một số quan chức cấp cao Nhà Trắng cho rằng, động thái trên của Washington là một sự khích lệ đối với đảng NLD trong vài tháng tới, khi đảng này xúc tiến thành lập chính phủ. Tuy nhiên, quyết định nới lỏng trừng phạt thương mại Myanmar của Nhà Trắng vẫn vấp phải sự chỉ trích của các nhà lập pháp ở Đồi Capitol. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Ed Royce cho rằng, quyết định này cần phải đi đôi với sự cải thiện về tình hình nhân quyền và chống buôn bán ma túy tại quốc gia Đông Nam Á này.
Trước đó, năm 2011, để khuyến khích tiến trình quá độ sang dân chủ tại Myanmar sau nhiều thập kỷ do chế độ quân sự cầm quyền, Washington đã bắt đầu dỡ bỏ trừng phạt Nay Pyi Taw khi chính phủ dân sự được thành lập.
Hằng Phạm (tổng hợp)