Phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc, Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar đã liên hệ với Phòng Thương mại Doanh nghiệp Trung Quốc tại Myanmar (CECCM) và các công ty liên quan, đồng thời yêu cầu cảnh sát địa phương triển khai các biện pháp mạnh để bảo vệ sự an toàn của các doanh nghiệp và nhân viên Trung Quốc.
Khói đen bốc lên từ khu công nghiệp ở thành phố Yangon, Myanmar ngày 14/3. (Nguồn: AP) |
Ông Triệu Lập Kiên cũng cho biết Trung Quốc hy vọng các bên liên quan ở Myanmar giữ bình tĩnh và kiềm chế, hành động vì lợi ích của người dân Myanmar, giải quyết những khác biệt thông qua đối thoại và tham vấn trong khuôn khổ Hiến pháp và luật pháp, cũng như thúc đẩy quá trình chuyển đổi dân chủ trong nước.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh ưu tiên trước mắt tại Myanmar là ngăn chặn xung đột, đồng thời sớm hạ nhiệt tình hình căng thẳng.
Trong bối cảnh Hội đồng Hành chính Nhà nước Myanmar áp dụng thiết quân luật tại nhiều khu vực ở thành phố Yangon và đụng độ vẫn diễn giữa người biểu tình và lực lượng an ninh, ngày 16/3, nhiều người dân đã sơ tán khỏi Yangon trên những chiếc xe tải, xe tuk tuk để tránh xung đột.
Theo một tổ chức giám sát địa phương, đụng độ diễn ra ở một số thành phố của Myanmar trong ngày 15/3 khiến ít nhất 20 người thiệt mạng thành phố. Trước đó 1 ngày, số người thiệt mạng trong các vụ đụng độ là 74 người.
Myanmar rơi vào bế tắc chính trị kể từ ngày 1/2 sau khi quân đội bắt giữ các lãnh đạo chính phủ, các thủ hiến vùng và bang và các thành viên cấp cao của đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD). Quân đội Myanmar cho rằng có nhiều gian lận trong cuộc bầu cử gần đây, song Ủy ban Bầu cử liên bang Myanmar bác bỏ cáo buộc này. Quân đội Myanmar cam kết sẽ tổ chức bầu cử và chuyển giao quyền lực.
Trong một diễn biến liên quan, Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc (WFP) ngày 16/3 cảnh báo bế tắc chính trị tại Myanmar đang đẩy giá lương thực và nhiên liệu leo thang, đẩy những người dễ bị tổn thương nhất tại quốc gia Đông Nam Á này rơi sâu thêm vào cảnh nghèo đói.
Theo WFP, giá dầu cọ tại một số khu vực xung quanh Yangon - thành phố lớn nhất tại Myanmar, đã tăng tới 20% so với hồi đầu tháng 2, khi quân đội bắt giữ các lãnh đạo chính phủ dân sự, các thủ hiến vùng và bang, cùng các thành viên cấp cao của đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD), kéo theo các cuộc biểu tình lớn và xung đột bạo lực. Giá gạo ở các khu vực ven đô của Yangon và Mandaly - thành phố lớn thứ hai của nước này cũng tăng 4% kể từ tuần cuối cùng của tháng 2.
Trên phạm vi cả nước, giá gạo - thực phẩm chính của người dân Myanmar, đã tăng 3% từ giữa tháng 1 đến giữa tháng 2, trong khi giá ở một số khu vực tăng từ 20-35%. Tại thị trấn Maungdaw thuộc bang Rakhine, miền Bắc Myanmar, giá các loại đậu cũng tăng 15% trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 2.
Trong khi đó, giá nhiên liệu tại Myanmar cũng tăng 15% kể từ ngày 1/2, đặc biệt là tại bang Rakhine, miền Bắc nước này, làm dấy lên quan gại giá lương thực có thể leo thang hơn nữa.
Người đứng đầu WFP tại Myanmar, ông Stephen Anderson, đã bày tỏ quan ngại trước những tình hình trên, nhất là với những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, vốn phải chạy ăn từng bữa. Theo ông, trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nếu giá các mặt hàng này tiếp tục leo thang, những người nghèo và dễ tổn thương nhất trong xã hội có thể không đủ thức ăn.
Trước tình hình trên, WFP cho biết xây dựng kho dự phòng lương thực như một phần trong nỗ lực nhằm hỗ trợ hơn 360.000 người dân ở Myanmar, chủ yếu là những người phải sơ tán ngay bên trong lãnh thổ và sống tạm trong các khu trại.