📞

Năm 1989, gạch nối chuyển giai đoạn quan hệ Việt Nam-Campuchia sang thời kỳ mới

Đại sứ Trần Hải Hậu 06:30 | 20/11/2022
Ở Campuchia 33 năm trước, tôi vinh dự được tham gia tiễn những người con ưu tú hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trở về Tổ quốc…

Trong suốt 55 năm lịch sử quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia có nhiều sự kiện đáng nhớ, trong đó đợt rút toàn bộ quân tình nguyện Việt Nam về nước năm 1989 là một mốc son trong quan hệ hợp tác, là gạch nối chuyển giai đoạn quan hệ hai nước sang giai đoạn mới.

Lực lượng Hải quân đánh bộ quân đội Việt Nam hiệp đồng đổ bộ trong chiến dịch đổ bộ Tà Lơn, tiến đánh giải phóng cảng Kampong Som và cảng Ream, mở đầu cho công cuộc giúp nhân dân Campuchia tiêu diệt chế độ diệt chủng Pol Pot, tháng 1/1979. (Nguồn: TTXVN)

Cuối tháng 9/1989, theo thoả thuận giữa Việt Nam và Campuchia, ta gấp rút mở 5 Tổng lãnh sự quán tại năm địa phương của Campuchia là Kampong Som (sau này là thành phố Sihanoukville), Battambang, Siem Reap, Kampong Cham và Stung Treng (*) ngay thời điểm các binh đoàn quân tình nguyện Việt Nam rút hoàn toàn về nước sau hơn mười năm làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn Campuchia.

Ngày 27/9/1989, Đoàn chúng tôi gồm hơn hai chục cán bộ, do ông Ngô Văn Tảo, Tổng lãnh sự Việt Nam đầu tiên dẫn đầu có mặt tại Kampong Som để mở cơ quan Tổng lãnh sự quán. Tôi được cử làm Phó trưởng Cơ quan Tổng lãnh sự.

Ngày 28/9/1989, cùng nhiều quan chức đại diện Bộ Quốc phòng Campuchia, Hải quân Campuchia và lãnh đạo chính quyền địa phương, chúng tôi ra cảng Kampong Som tiễn quân tình nguyện Hải quân Việt Nam về nước. Từng tham gia tiễn nhiều đợt quân tình nguyện Việt Nam về nước, thời tôi đang công tác ở Sứ quán ta tại Phnom Penh, nay được tiễn những người lính tình nguyện cuối cùng về nước, trong tôi lẫn lộn nhiều cảm xúc khó tả.

Vậy là khép lại hơn 10 năm bộ đội Việt Nam giúp Campuchia đánh đuổi Khmer đỏ, với bao chiến công lẫy lừng khi cùng sát cánh với quân đội Campuchia. Biết bao máu xương của các anh đã bỏ lại nơi này, nhiều gia đình ở quê nhà không có cơ hội đón người thân trở về. Ký ức đến thăm Bệnh viện tiền phương của Quân khu 7 ở phía Tây Campuchia năm nào lại ùa về trong tôi. Những anh lính trẻ măng, mới tham gia đánh được vài trận đã thương tật đầy mình.

Tôi vẫn nhớ một Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia (sau đổi tên thành Đảng Nhân dân Campuchia - CPP) thời đó từng nói với tôi: “Khó tìm thấy làng xã nào của Việt Nam không có con em đang chiến đấu, hoặc bị thương, hoặc hy sinh ở chiến trường Campuchia”.

Sau này được biết trận đánh giải phóng Kompong Som tháng 1/1979 diễn ra rất khốc liệt. Chiến công của Lữ đoàn 126 Đặc công Hải quân, Hạm đội 171 và Lữ đoàn 125, Lữ đoàn 101 Hải quân giải phóng thành phố cảng Kampong Som và thành phố Ream vẫn mãi mãi được khắc ghi trong lịch sử hào hùng của Hải quân Việt Nam. Những chiến công này còn là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng trên biển của Hải quân ta và lực lượng trên bộ của các đơn vị thuộc Quân đoàn 2, hiệp đồng tác chiến, đánh nhanh, đánh mạnh, bao vây, chia cắt, làm tan rã lực lượng địch và làm chủ địa bàn… Sau đó suốt mười năm, để giữ cho mảnh đất này yên ổn, cũng không ít tổn thất hy sinh để hôm nay các anh được trở về đất mẹ.

Các chiến sĩ xe tăng Việt Nam vẫy tay chào người dân Campuchia đứng hai bên đường trước khi rút quân về nước năm 1989. (Nguồn: Corbis Sygma)

Trong lễ tiễn bộ đội tình nguyện ta hôm đó, tôi thấy đại diện Bộ Quốc phòng, Quân khu ba, lực lượng Hải quân Campuchia thật hùng hậu; lãnh đạo chính quyền địa phương đủ ban ngành đều có mặt. Điều đó chứng tỏ sau mười năm cùng sát cánh với lực lượng Việt Nam, bạn Campuchia đã trưởng thành về mọi mặt. Người dân Khmer tay vẫy hoa, cờ hai nước, vừa hân hoan vừa xúc động tiễn đưa đoàn quân đã che chở họ nhiều năm qua, thậm chí cứu đói họ trong những ngày đầu mới giải phóng. Từng đơn vị lính Hải quân Việt Nam nối đuôi nhau xuống con tàu đổ bộ, nét mặt ai cũng rạng rỡ ngày trở về, pha lẫn tâm trạng bịn rịn lưu luyến người dân, mảnh đất này.

Từ thời điểm đó, lực lượng vũ trang Campuchia tự mình tiếp tục đảm đương nhiệm vụ chống lại lực lưc lượng tàn quân Pol Pot và các phe phái Khmer phản động khác. Mấy năm sau đó, tôi tận mắt chứng kiến sự nỗ lực không ngừng của các cấp chính quyền sở tại, các lực lượng vũ trang trong việc bóc dỡ các phần tử Khmer đỏ trà trộn trong các cấp chính quyền, chống trả các hoạt động phá hoại và làm tan rã lực lượng Khmer đỏ.

Đợt rút toàn bộ quân tình nguyện Việt Nam về nước tháng 9/1989 diễn ra trong bối cảnh giải pháp cho vấn đề Campuchia bước đầu có những chuyển động tích cực. Cuộc gặp không chính thức về vấn đề Campuchia giữa đại diện các nước Đông dương và ASEAN diễn ra tại Indonesia lần 1 (JIM-1) vào tháng 7/1988 và JIM-2 vào tháng 2/1989. Trước đó từ năm 1987, các bên Campuchia khởi động các kênh tiếp xúc như diễn đàn Hun Sen - Sihanouk… Với nỗ lực của Việt Nam và thiện chí của các bên liên quan, Hội nghị quốc tế bàn về vấn đề Campuchia lần đầu tiên được tổ chức tại Paris từ 30/7 đến 30/8/1989, dưới sự đồng chủ trì của Ngoại trưởng Pháp và Ngoại trưởng Indonesia.

Quốc vương Norodom Sihanouk và Tham tán Công sứ Trần Hải Hậu tại Hoàng cung ở Phnom Penh năm 1999. (Ảnh: TGCC)

Thời gian càng trôi đi càng chứng tỏ việc rút toàn bộ quân tình nguyện Việt Nam khỏi Campuchia là một quyết định sáng suốt của Việt Nam, tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác tìm giải pháp chính trị toàn diện cho vấn đề Campuchia, đưa quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam-Campuchia sang một giai đoạn mới vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của mỗi nước và góp phần vào xây dựng một ASEAN với 10 thành viên những năm sau này.

Nhìn vào hiện trạng quan hệ hai nước hiện nay, chắc ai cũng ngỡ ngàng về quy mô, tầm vóc và sự phát triển nhanh chóng qua năm tháng. Hơn ba thập kỷ trước, chắc khó tưởng tượng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 đạt gần 10 tỷ USD; đầu tư của Việt Nam sang Campuchia đạt 2,8 tỷ USD vốn đăng ký… Chính phủ và nhân dân hai nước luôn dành cho nhau sự giúp đỡ, hỗ trợ cần thiết, thể hiện truyền thống quan hệ láng giềng đã thử thách qua thời gian, theo phương châm “Láng giềng tốt đẹp, Hữu nghị truyền thống, Hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa Việt Nam và Campuchia.

Ôn lại chặng đường 55 năm lịch sử quan hệ ngoại giao hai nước, tôi bồi hồi nhớ đến đất nước Chùa tháp và mong sớm có dịp trở lại thăm mảnh đất Sihanoukville thân yêu. Nơi đó, 33 năm trước, tôi vinh dự chứng kiến khoảnh khắc lịch sử, được tham gia tiễn những người con ưu tú hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trở về Tổ quốc. Và sau đó ít năm, tôi trở lại làm Tổng lãnh sự với biết bao kỷ niệm cùng những người bạn Campuchia hiếu khách và hiền hòa, luôn coi tôi như người bạn thân thiết, chí tình...


* Sau đó ít năm, ta rút ba Cơ quan Tổng lãnh sự ở Siem Reap, Stung Treng và Kompong Cham, còn để lại hai Cơ quan Tổng Lãnh sự ở Sihanokville và Battamgbang hoạt động cho đến ngày nay.