Trong tài liệu Mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố trong năm 2008 mới công bố, ông cảnh báo mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố có thể lan rộng trong năm 2008 khi Mỹ rút bớt lực lượng khỏi Iraq và tình hình chính trị bất ổn ở Pakistan sau cái chết của bà Benazir Bhutto.
Theo ông Rohan Gunaratna, hai “chiến trường” chủ yếu vẫn là Iraq và Pakistan. Mặc dù Al-Qaeda đã bị tổn thất đáng kể so với thời điểm vụ khủng bố 11/9 nhưng tổ chức khủng bố số 1 thế giới này vẫn chứng minh sự tồn tại của mình thông qua việc hợp tác với các nhóm vũ trang cùng mục đích ở Iraq hay ở Bắc Phi. Qua đó, Al-Qaeda đã truyền bá tư tưởng chống Mỹ và đồng minh, đồng thời chuyển giao kinh nghiệm tổ chức các vụ tấn công liều chết và khủng bố cho các nhóm vũ trang trên.
Ông Rohan Gunaratna cho rằng khu vực bị khủng bố nhiều nhất trong năm 2008 sẽ là Trung Đông, ở mức độ thấp hơn là các nước Ảrập. Ở châu Á, vùng đất có thể hứng chịu các cuộc khủng bố nhiều nhất là Nam Á, tiếp đến là Trung Á và Đông Nam Á. Khu vực Tiểu sa mạc Sahara, Đông Phi và vùng Sừng châu Phi thỉnh thoảng cũng phải đối mặt với nguy cơ này. Và 80% các vụ khủng bố là sử dụng súng và bom, trong đó chiến thuật tấn công liều chết, bằng bom xe hay mang thuốc nổ trong người sẽ ngày càng phổ biến.
Tài liệu nêu rõ ba đặc trưng nổi bật nhất của khủng bố trong năm 2008. Thứ nhất, cùng với Taliban ở Afghanistan và Pakistan, Al-Qaeda sẽ hình thành “vùng cứ địa Al-Qaeda” tại khu vực các bộ lạc của Pakistan. Thứ hai, khi số lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu rút bớt khỏi Iraq, các lực lượng an ninh Iraq và tình báo quốc tế sẽ không đủ khả năng đối phó với cả các nhóm khủng bố trong nước lẫn quốc tế, trong đó có Al-Qaeda ở Iraq do Abu Ayub al Masri lãnh đạo. Thứ ba, ở bên ngoài các khu vực có xung đột, mối đe dọa chủ yếu bắt nguồn từ các nhóm khủng bố hình thành trong nước và có liên hệ với các nhóm khủng bố xuyên quốc gia để được hỗ trợ về huấn luyện và tài chính.
Các chiến dịch tuyên truyền lớn của al-Qaeda và lực lượng cực đoan sẽ được chuyển từ khu vực ngoại vi vào trung tâm của cộng đồng Hồi giáo. Mức độ cực đoan trong cộng đồng Hồi giáo sẽ tăng lên. Chiến dịch tuyên truyền của Al-Qaeda sẽ làm cho các nhóm khủng bố đang “cực đoan hóa” này trở nên nguy hiểm hơn. Bên cạnh đó, các nhóm khủng bố ở trong nước sẽ trở thành mối đe dọa không kém phần nguy hiểm đối với các nước phương Tây.
Ông Rohan Gunaratna cho rằng “Thánh chiến” (Jihad) để bảo vệ đức tin và niềm tin Hồi giáo sẽ ngày càng trở thành động lực trong thế giới Hồi giáo. Phương Tây đã không thành công trong nỗ lực tuyên truyền chống lại tư tưởng này. Mức độ liên kết giữa các nhóm khủng bố về con người (chủ yếu là trao đổi huấn luyện viên), kỹ thuật (chủ yếu là cách chế tạo bom) và tài chính sẽ tăng lên. Với việc al-Qaeda đang điều động các nhà tuyên truyền, huấn luyện và tài chính tới các khu vực xung đột, mối đe dọa của tổ chức này sẽ tăng lên trong năm 2008.
Vinh Hà