TIN LIÊN QUAN | |
Palestine tiếp tục bác bỏ vai trò trung gian hòa giải của Mỹ | |
Syria mong ước ổn định trong Năm mới |
Khó xảy ra một cuộc xung đột toàn diện
Đối với người Israel và Palestine, những chia rẽ từ việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel hồi cuối năm ngoái, vẫn chưa hiện rõ. Trong khu vực, những thay đổi liên quan đến vị thế của Iran như một nhà môi giới quyền lực cùng sự sụp đổ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, cũng sẽ định hình diện mạo của năm 2018.
Mặc dù có thể sẽ xuất hiện những thay đổi trong cách lãnh đạo của Israel và Palestine vào năm 2018, song khả năng nổ ra một cuộc xung đột toàn diện giữa hai bên dường như rất mờ nhạt. Mahmoud Abbas, nhà lãnh đạo 82 tuổi của Chính quyền Palestine, có thể có hoặc không kết thúc nhiệm kỳ của mình năm 2018. Còn Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang bị điều tra về tội tham nhũng và việc này có thể buộc ông phải từ chức. Tuy nhiên, cho đến nay, “ghế” của họ vẫn an toàn.
Khói bốc lên từ vị trí của người Hồi giáo Jihad gần thành phố Gaza sau khi máy bay của Israel ném bom. (Nguồn: AFP) |
Lời tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến bạo lực gia tăng giữa hai bên với những cuộc đụng độ và biểu tình ở Bờ Tây và Dải Gaza. Năm 2017 cũng là thời điểm chứng kiến việc Dải Gaza - do lực lượng vũ trang Hamas cai trị - phóng hàng loạt tên lửa nhắm vào Israel. Cho đến tận đầu năm 2018, cuộc giao tranh này vẫn chưa kết thúc. Việc phóng tên lửa kiểu “ăn miếng trả miếng” cùng những đòn trả đũa sau đó của Israel có thể dễ dàng vượt ra khỏi tầm kiểm soát, khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Nimrod Goren, người đứng đầu Viện Các chính sách đối ngoại khu vực của Israel, nói: "Tại Gaza, nó (việc tấn công) có thể xảy ra đột ngột mà không có kế hoạch hoặc sự đề phòng từ cả hai bên”.
Gaza - nhân tố khó đoán định
Dải Gaza - vùng đất bị cô lập và nghèo nàn - là nhà của gần 2 triệu người Palestine, đã bị tổ chức vũ trang Hamas cai trị từ năm 2007. Kể từ đó, cả Israel và Ai Cập đã áp đặt một lệnh phong tỏa vô cùng nghiêm ngặt tại đây. Israel và Hamas đã giao tranh đẫm máu vài lần, vụ mới nhất là vào năm 2014. Gaza vẫn đang trong quá trình hồi phục sau cuộc chiến cuối cùng.
Hamas, tổ chức đã bị suy yếu nghiêm trọng do cuộc phong tỏa và những thay đổi của Chính phủ Ai Cập, đã chuyển sang việc tìm cách hòa giải với đảng Fatah đối nghịch nhằm củng cố sức mạnh. Tuy nhiên, Hamas vẫn tiếp tục công tác chuẩn bị cho cuộc xung đột tiếp theo với Israel, khiến Gaza trở thành "nhân tố khó đoán định" trong khu vực.
Ngay hôm 14/1 vừa qua, quân đội Israel thông báo đã phá hủy một đường hầm do Hamas xây dựng và nằm dưới cửa khẩu Kerem Shalom, nơi hàng hoá được chuyển từ Israel vào Dải Gaza.
Những người Palestine thương vong sau vụ tấn công ở Rafah, phía Nam Dải Gaza, ngày 20/8/2017. (Nguồn: AP) |
Theo quân đội Israel, Hamas dự định sử dụng đường hầm này để thực hiện các cuộc tấn công nhắm vào các mục tiêu ở Israel, bao gồm cả đường ống dẫn khí đốt và nhiên liệu chạy gần đó. Nếu Hamas thực hiện một cuộc tấn công suôn sẻ, toàn khu vực có thể sẽ rơi vào một cuộc xung đột toàn diện. Đây là đường hầm thứ ba mà Israel triệt phá trong những tuần gần đây, cho thấy quốc gia này đang sở hữu các phương tiện có thể vô hiệu hóa mối đe dọa nguy hiểm tiềm tàng.
Chủ nghĩa đơn phương sẽ tiếp diễn
Đây vốn là nét đặc trưng của năm 2017 và chủ nghĩa này chắc chắn sẽ tiếp tục trong năm 2018. Quốc hội Israel (Knesset) đã rung chuông báo hiệu năm mới bằng việc thông qua luật sửa đổi "Jerusalem hợp nhất", quy định chính phủ không được từ bỏ quyền kiểm soát của Israel đối với bất kỳ phần đất nào thuộc Jerusalem nếu không được sự chấp thuận của đa số thành viên Quốc hội.
Người Palestine muốn Đông Jerusalem là thủ đô tương lai của họ, trong khi đa số người Israel phản đối việc phân chia thành phố này. Mặc dù Trump đã ủng hộ Israel khi công nhận Jerusalem là thủ đô nước này, song phần lớn cộng đồng quốc tế vẫn cho rằng Jerusalem cần được phân chia như từng được biểu quyết trong cuộc bỏ phiếu gần đây nhất của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ).
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas (trái) và nhà lãnh đạo Hamas Khaled Meshal trong một cuộc gặp tại Doha, tháng 2/2012. (Nguồn: Reuters) |
Chelsea Mueller, một nhà nghiên cứu về Trung Đông và Đông Phi tại Trung Tâm Dayan thuộc Đại học Tel Aviv, nói: "Theo quan điểm của người Palestine, họ đã bị cho ra rìa. Việc này giống như tương lai của họ đang được quyết định ở các thủ đô nước ngoài... họ không được thảo luận...
Cả Mỹ và Israel dường như rất vui khi cố gắng lên kế hoạch cho tương lai của người Palestine mà không cần phải trao đổi với họ". Để đáp lại, Tổng thống Palestine Abbas được cho là sẽ tiếp tục nỗ lực nhằm đạt được sự công nhận cho Palestine từ nhiều tổ chức quốc tế khác.
Iran sẽ thay đổi cuộc chơi?
Trong khi Israel và Palestine đang đối chọi nhau, đường biên giới phía Bắc của Israel cũng đang sôi sục. Iran, đối thủ nguy hiểm nhất của Israel, đang bị đe dọa nghiêm trọng ở cả Syria và Lebanon. Đối với quốc gia Do Thái nhỏ bé này, đây chắc hẳn là một nguyên nhân gây lo lắng. Một Syria bị chiến tranh tàn phá chính là mảnh đất màu mỡ cho sự can thiệp của nước ngoài.
Theo ông Nimrod Goren, “Israel nhìn thấy một cuộc chiến tranh (cuộc nội chiến Syria) và khả năng Iran mở rộng ảnh hưởng hơn tại đó cùng sự thiếu hụt các hoạt động của Mỹ để đối phó với sự hiện diện của Iran… điều đó dường như là (nguyên nhân) gây lo lắng và cũng giúp Hezbollah trở nên mạnh mẽ hơn”.
Lực lượng Hezbollah trong một cuộc diễu hành ở Lebanon. (Nguồn: AFP) |
Trong những tháng gần đây, Israel đã tiến hành một số cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của lực lượng vũ trang Hezbollah. Các báo cáo cho biết quân đội Israel đã tấn công các kho cung cấp vũ khí và vào các nhân vật chủ chốt của tổ chức này.
Tương tự Gaza, khu vực biên giới phía Bắc của Israel cũng có khuynh hướng đột ngột rơi vào một cuộc khủng hoảng toàn diện. Ông Mueller cho biết: “Iran, vốn nằm ngay tại khu vực biên giới, sẽ là người thay đổi cuộc chơi".
Số phận của thỏa thuận hạt nhân Iran cũng chưa rõ ràng. Dù Tổng thống Mỹ đã đe dọa sẽ phá hủy thỏa thuận này song ông chủ Nhà Trắng vẫn chưa có được những bước đi cụ thể theo hướng đó. Thủ tướng Israel Netanyahu cũng kịch liệt phản đối thỏa thuận này. Liệu ông Netanyahu có thực hiện những bước đi đơn phương hay không nếu cảm thấy Iran vượt qua ngưỡng cửa hạt nhân? Theo ông Goren: “Cả hai bên đều khá thận trọng với những gì họ đang thực hiện bởi thực sự đang tồn tại một mối nguy hiểm ở những nơi mà các nước đều không mong muốn”.
Cơ hội nối lại đàm phán giữa Israel và Palestine đã không còn. Cả chính phủ của ông Netanyahu được Mỹ hậu thuẫn lẫn chính quyền của ông Abbas đều không hề muốn tiến tới bàn đàm phán. Mặc dù Dải Gaza có thể tiếp tục đóng vai trò là “quả bom hẹn giờ” của khu vực, nhưng ngay lúc này, cả Hamas lẫn Israel dường như đều không để tâm đến tình trạng leo thang căng thẳng. Cả hai đều có vô vàn lý do để khởi động một vòng đàm phán mới, nhưng họ lại không muốn. Trong bối cảnh có quá nhiều “người chơi” trong “cuộc chơi” này, các tình huống có thể diễn ra rất khác so với dự tính. Tuy nhiên, sự thay đổi lãnh đạo có thể tạo ra sự thay đổi cuộc chơi và chúng ta hãy chờ xem.
Ba vấn đề lớn của Trung Đông trong năm 2018 Quan hệ Saudi Arabia – Iran, chủ nghĩa khủng bố và các cuộc bầu cử sẽ là yếu tố chi phối khu vực này thời ... |
Jerusalem: Đức tin, xung đột và đổ máu Nằm trên lưu vực Địa Trung Hải và Biển Chết, mảnh đất linh thiêng của ba tôn giáo lớn trên thế giới cũng từng là ... |
An ninh vùng Vịnh đang “báo động đỏ” Tình hình Trung Đông những ngày qua tiếp tục nóng với những căng thẳng trong quan hệ Iran – Saudi Arabia, đặc biệt sau vụ ... |