TIN LIÊN QUAN | |
Câu chuyện của những người lính Mỹ trở lại Việt Nam | |
Những khoảnh khắc Trận chiến sinh tử Crete |
Tháng trước, trang Small Wars Journal (Mỹ) đăng tải bài viết về những điều mà các học giả và chiến lược gia Mỹ trăn trở bấy lâu sau hàng trăm cuộc chiến lớn nhỏ ở trong và ngoài nước: Nước Mỹ đã học được gì sau những cuộc chiến đã và đang bào mòn thời gian, nhân lực và vật chất của cường quốc quân sự hàng đầu thế giới này. Bên cạnh đó, những bài học này sẽ được vận dụng ra sao khi không chỉ nước Mỹ mà cả thế giới đang dần bước vào những cuộc chiến mới, hứa hẹn sẽ dai dẳng và khốc liệt hơn với những mối đe dọa toàn cầu chưa có cách tận diệt, đặc biệt là tổ chức cực đoan, khủng bố.
Bắt đầu và kết thúc cùng chính trị
Việc rút quân khỏi Iraq giúp nước Mỹ lấy lại thiện cảm trong mắt cộng đồng quốc tế, nhưng cũng loại bỏ một nguồn lực quan trọng hỗ trợ chính quyền Iraq. Một cựu quan chức Lầu Năm Góc trong nhiệm kì đầu tiên của chính quyền Tổng thống Barack Obama nói: “Nước Mỹ đã không còn tập trung vào vấn đề Iraq nữa”. Sau đó, nhà nước Iraq mới dưới thời Thủ tướng Nouri Al-Maliki nhanh chóng sa lầy.
Trên mặt trận quân sự, thậm chí trước cuộc rút quân của Mỹ, những chỉ huy quân sự tài năng của Iraq đã bị thay thế bởi những người trung thành với ông Maliki. Vào mùa hè năm 2014, trước thách thức của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, chính khả năng lãnh đạo mới là yếu tố gây thất bại chứ không phải do việc đào tạo quân đội của Iraq.
Chuyên gia về Trung Đông Emma Sky mô tả sự việc tiếp theo: Các lực lượng an ninh Iraq đã nhanh chóng tan rã vào tháng 6/2014 tại Mosul khi đối mặt với IS. Mặc dù lực lượng đông hơn và được trang bị khí tài tốt hơn nhưng họ lại chịu sự chỉ đạo kém cỏi từ cấp trên. Không có bất kỳ mệnh lệnh chính thức nào được thông qua tại Bộ Quốc phòng Iraq, do ông Maliki đã thay thế hầu hết những lãnh đạo có năng lực bằng những người trung thành với mình. Thêm vào đó, tham nhũng cũng diễn ra tràn lan. Khủng bố IS đã nắm được lợi thế từ việc chiếm hết số lượng khí tài quân sự mà Mỹ đã cung cấp cho quân đội Iraq. Trong giai đoạn 2010 - 2014, những khó khăn chính trị từ phía Iraq và Mỹ đã gây ảnh hưởng tới sự thành công về mặt quân sự.
Quả thực, chiến tranh là sự mở rộng của chính trị. Chiến tranh bắt đầu và kết thúc do chính trị. Sự hòa giải lâu dài không thể thiếu đi những thỏa thuận chính trị hiệu quả. Trong các chiến dịch sắp tới, khi những chính trị gia Iraq và Syria yêu cầu Mỹ hỗ trợ lực lượng để tái chiếm các thành phố chiến lược như Raqqa hay tấn công Mosul, câu trả lời thích hợp cho những người ủng hộ chiến dịch “tăng cường lực lượng mặt đất” sẽ là “rồi sao nữa?”.
Hãy đặt câu hỏi đó cho đến khi các chiến lược gia có thể giải thích việc làm thế nào những hoạt động quân sự đầy rủi ro có thể tạo ra sự quản lý hiệu quả. Đây sẽ là một vấn đề khó khăn cho Mosul và thậm chí còn khó khăn hơn cho thành phố Raqqa - “thủ phủ” mà IS muốn tạo dựng và hứa hẹn sẽ là nơi xảy ra giao tranh mạnh mẽ nhất tại Syria.
Đừng “ngủ quên” trên chiến thắng
Thế giới đã có sự nhầm lẫn về việc tổ chức khủng bố Al- Qaeda tại Iraq (AQI) đã bị tiêu diệt. Việc tổ chức này đã bị “nghiền nát” và không còn là kẻ thù nguy hiểm nữa chỉ là những gì chúng ta nghĩ. Một số người hiểu rằng AQI chỉ bị đánh bại tại Iraq và sau đó phân tán sang nước khác. Cũng giống như điều đã xảy ra với tổ chức khủng bố Taliban năm 2001, sự tổn thất lực lượng hay thất bại trong các cuộc giao tranh không phải là yếu tố quyết định việc tiêu diệt hoàn toàn cả một tổ chức khủng bố. Triệt tiêu ý thức hệ của chúng mới là cách để giải quyết tận gốc vấn đề. Giống như việc Taliban rút sang Pakistan, IS cũng tràn sang biên giới và xây dựng tổ chức tại Syria - nơi trú ẩn quen thuộc. Theo tướng David Petraeus - Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) (2011-2012), thậm chí trước khi rút lực lượng khỏi Iraq, Mỹ đã cố gắng thuyết phục chính phủ Syria giải quyết tàn dư của tổ chức AQI, nhưng Tổng thống Bashar al-Assad không tỏ ra hứng thú.
Kết quả là, IS sau đó trở thành một tổ chức lớn mạnh hơn cả AQI, liên kết với những người gốc Syria, những cựu tù nhân và những người trẻ có kĩ năng sử dụng Internet để chiêu mộ thành viên và “quảng bá thương hiệu” lá cờ đen của chúng. Sự nổi tiếng của IS lan từ khu vực sang toàn cầu đã giúp cho tổ chức có thêm rất nhiều thành viên và các chi nhánh khủng bố tại nhiều nơi. Thay vì giữ vai trò như một nhánh phụ của AQI như Tổng thống Obama từng gọi, IS tách khỏi và trở thành tổ chức thánh chiến độc lập và hiếu chiến. Ban đầu chúng không hướng tới những kẻ thù ở xa mà tập trung vào việc chiếm giữ lãnh thổ nhân lúc Syria xảy ra nội chiến; sau đó là tấn công vào Iraq khi nước này đang suy yếu. Do đó, tổ chức khủng bố này có được nguồn tài chính và hậu cần dồi dào, đảm bảo cho chúng trở thành một thế lực đáng gờm.
Trong tương lai, chúng ta có thể đánh bại IS, kèm theo cả việc bắt giữ hoặc tiêu diệt thủ lĩnh của chúng. Thậm chí, trong vài tháng tới, những thành lũy của IS như Raqqa hay Mosul có thể thất thủ. Và sau khi nhóm khủng bố nguy hiểm nhất hành tinh này bị đánh bại về mặt quân sự, câu hỏi đầu tiên sẽ là: "Chúng đã đi đâu?" Giống như các phần tử nổi dậy khác, IS có thể sẽ không bị tiêu diệt, mà sẽ rút chạy tới một nơi khác để tìm cơ hội phản công. Việc tạo ra các giải pháp lâu dài đòi hỏi một cơ chế cai trị hiệu quả và thế lực cai trị sẽ phải giải quyết những vấn đề gốc rễ của cuộc xung đột liên quan đến tôn giáo hay ý thức hệ.
Chính quyền sở tại nắm quyết định
Những cuộc chiến tại Iraq, Syria và Afghanistan có sự can thiệp của Mỹ nhưng lại không mấy liên quan đến Mỹ. Chính quyền địa phương nắm quyền và họ có những mục tiêu khác hẳn với những quốc gia bên ngoài. Ngay cả khi lãnh đạo Mỹ nói chuyện với lãnh đạo của Iraq, binh sĩ Mỹ huấn luyện binh lính Afghanistan hay làm việc với người dân tại đây, Washington phải hiểu rằng đến cuối cùng, chính quyền sở tại mới chính là những người nắm quyền quyết định. Nước Mỹ chỉ hỗ trợ họ tốt hơn trong hoàn cảnh của họ chứ không chỉ đơn thuần sao chép lại y hệt cách thức của quân đội Mỹ. Chính quyền địa phương phải nắm quyền chỉ đạo những chương trình phát triển cho chính lực lượng của họ.
Lính Mỹ ở Afghanistan vào năm 2007. (Nguồn: The Guardian) |
Đối với các quốc gia muốn duy trì ảnh hưởng xuyên biên giới, họ chắc chắn phải có kiến thức rộng về con người và điều kiện địa phương để duy trì những ưu thế của mình tại những địa bàn nước ngoài. Chính vì lẽ đó, việc hợp tác với những lực lượng tại khu vực là điều tối quan trọng.
Tầm quan trọng của đồng minh
Đồng minh và đối tác luôn vô cùng quan trọng đối với các quốc gia, trong cả thời bình và thời chiến. Những trợ thủ này sẽ giúp gia tăng tính chính danh cho cuộc chiến cũng như cung cấp các hỗ trợ hậu cần và hiệp lực khi cần. Tuy nhiên, bản thân họ cũng mang theo nghĩa vụ và lợi ích quốc gia của riêng mình - điều sẽ giới hạn những công việc mà họ có thể chia sẻ, gánh vác cùng khi tham chiến hay trợ chiến. Bên cạnh đó, một lực lượng tác chiến nhỏ nhưng kéo theo cả một liên minh lớn sẽ khiến các chiến thuật quân sự trở lên kém linh hoạt hơn. Ví dụ, trong Chiến tranh vùng Vịnh lần một (1991), liên quân gần 30 quốc gia với hơn 600.000 lính khiến nước Mỹ khó có thể cho ngừng cuộc chiến theo đúng chủ ý của mình.
Việc hỗ trợ từ phía đồng minh có thể sẽ rất cần thiết, tuy nhiên điều này chưa đủ để tạo ra thành công. Sự can thiệp của NATO tại Libya là một ví dụ cho việc nhận được sự giúp đỡ lớn từ phía đồng minh nhưng lại thất bại trong giai đoạn hậu xung đột. Tuy nhiên, một sự thật hiển nhiên là chiến tranh đã tồi tệ nhưng chiến đấu mà không có đồng minh còn tồi tệ hơn.
Chiến tranh là sự mở rộng của chính trị, chiến tranh bắt đầu và kết thúc do chính trị. Sự hòa giải lâu dài không thể thiếu đi những thỏa thuận chính trị hiệu quả. |
Thích nghi với hình thái chiến tranh mới
Ngày nay, thế giới không chỉ đang đối mặt với các tổ chức khủng bố như IS, Al-Qaeda ở Iraq hay Afghanistan mà còn là những xung đột xuyên biên giới ở Syria, Yemen, bán đảo Sinai (Ai Cập), Philippine hay chính tại Mỹ, châu Âu. Tính chất phức tạp của các cuộc chiến trường kỳ giờ đây ngày càng tăng cao bởi xu thế liên khu vực của chúng. Trong khi những vấn đề liên quan tới Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên sẽ chiếm không ít thời gian của Tổng thống Mỹ kế nhiệm thì cuộc chiến chống IS và Al-Qaeda cũng sẽ là một vấn đề tốn thời gian, công sức.
Tất cả những vấn đề này đều đến vào thời điểm các cường quốc hàng đầu như Mỹ đã quá mệt mỏi với chiến tranh. Giải pháp cho vấn đề không chỉ đơn thuần là tăng cường lực lượng quân đội trên các chiến trường. Để có thể giải được bài toán về cuộc chiến liên khu vực, các quốc gia cần khai thác triệt để mối quan hệ đối tác, liên minh của họ. Bên cạnh đó, các quốc gia cũng cần xây dựng một cơ quan chuyên trách điều hành chiến tranh hiệu quả - nơi có khả năng đặt ra những ưu tiên chiến thuật, làm việc với đồng minh khu vực hay điều phối khí tài quân sự hợp lý trong nội bộ các lực lượng. Vấn đề này cũng đòi hỏi các liên minh quân sự phải xây dựng một trụ sở hoặc trung tâm phối hợp mới để thực hiện công việc một cách kịp thời.
Bước ngoặt trong cuộc chiến chống IS Cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria và Iraq đang đi đến một bước ngoặt. Các lực lượng ... |
Xả súng kinh hoàng trước Bộ Quốc phòng Israel Tối 8/6 (giờ địa phương), một vụ xả súng đã xảy ra tại trung tâm thủ đô Tel Aviv (Israel), làm ít nhất 4 thiệt ... |
Mỹ - Pakistan: Đồng minh không đồng lòng Sau khi Mỹ tiêu diệt thủ lĩnh lực lượng Taliban Mullah Akhtar Mansour, quan hệ giữa Mỹ và Pakistan trở nên căng thẳng khi phía ... |