📞

NATO "bất ổn" tìm cách "bình ổn" Tổng thống Trump

19:48 | 02/12/2019
TGVN. Bắt đầu từ năm 2021, Mỹ và Đức sẽ cùng chi 16% ngân sách của NATO. Tuyên bố giảm sự đóng góp của Mỹ được coi là một động thái xoa dịu ông Trump.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng lãnh đạo các nước thành viên khác của NATO tại Thượng đỉnh NATO tháng 7/2018. (Nguồn: New York Times)

Trong bối cảnh Anh đang chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh của các lãnh đạo NATO ở ngoại ô London vào hai ngày 3-4/12, ngày 28/11, liên minh quân sự này cho biết đã nhất trí về việc tái phân bổ các chi phí và giảm bớt sự đóng góp của Mỹ dành cho ngân sách chủ yếu của khối.

Ngân sách chính của NATO tương đối nhỏ, khoảng 2,5 tỷ USD/năm, chủ yếu để chi trả cho các hoạt động và nhân viên của các trụ sở, và tách biệt với ngân sách quốc phòng của khối. Tổng thống Mỹ Donald Trump thường xuyên phàn nàn về sự chia sẻ gánh nặng không công bằng, với chỉ 9/29 nước thành viên đáp ứng được mục tiêu 2% GDP mà liên minh này đặt ra để chi trả cho vấn đề quốc phòng. Liên quan đến ngân sách chính, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu ngày 28/11 tại Paris rằng “Mỹ sẽ chi trả ít đi, Đức sẽ chi nhiều hơn, vì thế Mỹ và Đức bây giờ sẽ chi ngang nhau”.

Hiện Mỹ đang chi khoảng 22% ngân sách chủ chốt của NATO. Bắt đầu từ năm 2021, Mỹ và Đức sẽ cùng chi 16%. NATO cũng đang lên kế hoạch cân nhắc một đề xuất của Pháp-Đức để thiết lập một nhóm làm việc gồm các “nhân vật đáng kính” để thảo luận về cải cách trong liên minh và giải đáp mối lo ngại về tương lai của khối.

Tuyên bố giảm sự đóng góp của Mỹ được coi là một động thái xoa dịu ông Trump, người từng cân nhắc việc rút khỏi khối này, song vẫn đưa ra lời tán thành đối với hứa hẹn cải cách của khối. Ngày 29/11, một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ phát biểu với báo giới: “Năm 2016, chỉ có 4 đồng minh chi trả 2% GDP cho vấn đề quốc phòng”, đồng thời nói thêm hiện đã có 9 nước đáp ứng mục tiêu 2% này, trong đó có Mỹ, và hứa hẹn sẽ có 18 nước đáp ứng được mục tiêu vào năm 2024.

Quan chức này còn nhấn mạnh: “Đây là một sự tiến triển lớn lao, và tôi nghĩ điều này có được là nhờ sự nỗ lực ngoại giao của Tổng thống”.

Các lãnh đạo của 29 nước thành viên sẽ cố gắng thể hiện một sự đoàn kết trong suốt Hội nghị Thượng đỉnh vào đầu tháng này, song liên minh vẫn đang đối mặt với những nghi vấn xung quanh tính thích đáng và thống nhất của mình, đặc biệt là sau vụ Mỹ rút các lực lượng của mình khỏi Syria hồi tháng 10 vừa qua, một động thái mà ông Trump đã thực hiện mà không tham vấn NATO.

Gary Schmitt, một chuyên gia phân tích NATO thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ, nhận định: “Rõ ràng là sau quyết định đó, chúng ta thấy Tổng thống Pháp đã nói về việc liên minh này giống như đã ‘chết não’ và ám chỉ sự thiếu khả năng lãnh đạo của Mỹ theo nghĩa điều hành một tổ chức và không tự hành động theo ý mình”.

Việc các nhóm quân của Mỹ rút khỏi Syria đã kích động Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành một cuộc tấn công vào lực lượng dân quân người Kurd ở Bắc Syria. Động thái này đã kích động sự bức xúc của Tổng thống Macron về sự thiếu hợp tác ở cấp độ chính trị của NATO, đồng thời làm dấy lên lo ngại của các đồng minh rằng vụ tấn công này sẽ làm suy yếu cuộc chiến chống lại các phần tử thuộc lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.