Thủ tướng Nepal thắp hương tại một di sản văn hóa bị hư hại sau động đất. (Nguồn: AP) |
Hôm nay (25/4), Thủ tướng Nepal Prasad Oli công bố nước này bắt đầu tái thiết các di sản quan trọng trong và xung quanh Thủ đô Kathmandu. Những di sản này đã bị hư hỏng do trận động đất đã giết chết gần 9.000 người và tàn phá hơn nửa triệu ngôi nhà tại đất nước này.
Ông Prasad Oli đã tới cầu nguyện tại ngôi đền Anantapur, được xây dựng vào thế kỷ 17. Di sản đã được UNESCO xếp hạng này cùng với hơn 600 công trình lịch sử khác đã bị hư hại trong trận động đất mạnh 7,8 độ richter ngày 25/4 năm ngoái.
Thủ tướng Oli nói rằng, việc tái thiết sẽ bắt đầu với việc xây dựng lại đền thờ Anantpur và ba di sản khác, bao gồm các cung điện và đền thờ cổ tại Quảng trường Durbar ở Kathmandu và các thành phố lân cận là Patan và Bhaktapur.
Thủ tướng Nepal cũng cho biết, công cuộc tái thiết sẽ được tiến hành nhanh chóng, mặc dù khối lượng công việc rất lớn và đòi hỏi thời gian. Đồng thời, việc xây dựng nhà ở cho người dân đã được khởi xướng ở 10 huyện, nhân kỷ niệm một năm ngày trận động đất xảy ra.
Được biết, sau khi thảm họa xảy ra, các tổ chức viện trợ đã yêu cầu chính quyền Nepal đẩy nhanh quá trình phục hồi các công trình kiến trúc, nhà cửa của người dân và thay đổi một số điều luật cản trở công cuộc tái thiết.
Theo Hội Chữ thập đỏ và Trăng Lưỡi liềm đỏ quốc tế, ước tính có khoảng 4 triệu người Nepal vẫn đang sống trong nhà tạm không đạt tiêu chuẩn, ảnh hưởng đến sức khỏe. Hiện mới chỉ có 661 gia đình nhận được khoảng 467 USD trong khoản trợ cấp trị giá khoảng 1.868 USD của chính phủ dành cho mỗi gia đình là nạn nhân của động đất.
Cho đến nay, Nepal mới nhận được 1,28 tỷ USD trong số 4,1 tỷ USD viện trợ được cam kết. Sự chậm trễ này được đổ lỗi do Kathmandu mất quá nhiều thời gian để thành lập được Cơ quan tái thiết quốc gia, 8 tháng sau thảm họa.