Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng, việc Nga tăng cường quân đội gần biên giới với Ukraine không liên quan đến bất kỳ khó khăn nội địa nào. (Nguồn: Prensa Latina) |
Theo ông Kozak, quyết định như vậy sẽ phụ thuộc vào mức độ bạo lực trong khu vực. Các “lực lượng vũ trang” ở Donbass có kinh nghiệm và hiện có thể tự vệ mà không cần sự trợ giúp từ bên ngoài.
Quan chức Điện Kremlin cũng nhắc lại rằng Nga không muốn xâm phạm chủ quyền Ukraine hoặc chiếm giữ các vùng lãnh thổ của nước này. Ông khẳng định: “Một quốc gia láng giềng thân thiện, hòa bình và ổn định là lợi ích của chúng tôi”.
Bên cạnh đó, quan chức này cảnh báo, việc bắt đầu tiến hành hành động quân sự lớn ở miền Đông Ukraine sẽ đánh dấu sự khởi đầu cho hồi kết của Ukraine.
Cùng ngày, bình luận về nhận định của Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Oleksiy Danilo rằng, việc Nga triển khai quân rầm rộ ở biên giới gần nước này là để hướng dư luận ra khỏi các vấn đề trong nước, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Điều này không liên quan đến bất kỳ người bị bắt giữ nào hay bất kỳ ai”.
Ông Peskov nói thêm Nga phải thận trọng trước nước láng giềng Ukraine “bất ổn”.
Liên quan tình hình xung đột ở khu vực Donbass, miền Đông Ukraine, ngày 8/4, Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố, quân đội nước này đang làm mọi cách để bảo vệ đất nước và duy trì lệnh ngừng bắn.
Kiev và Moscow vẫn đang đổ lỗi cho nhau về tình trạng gia tăng bạo lực trong cuộc xung đột ở Donbass - nơi quân đội Ukraine giao tranh với lực lượng ly khai được Nga hậu thuẫn từ năm 2014.
Trong khi đó, cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc điện đàm, trong đó đề cập tình hình miền Đông Ukraine cũng như vụ Alexei Navalny khi ông này đang tuyệt thực, bị ốm và yêu cầu được tư vấn y tế độc lập.
Theo thông báo của chính phủ Đức, bà Merkel đã đề nghị Moscow giảm bớt hoạt động tăng cường quân sự gần đây của mình ở khu vực xung quanh miền Đông Ukraine "để giảm leo thang tình hình".
Trong khi đó, Điện Kremlin cho biết: "Tổng thống Nga và Thủ tướng Đức bày tỏ quan ngại về sự leo thang căng thẳng ở khu vực Đông Nam Ukraine... Ông Vladimir Putin đã hướng sự chú ý vào các hành động khiêu khích của Kiev gần đây với mục đích làm trầm trọng thêm tình hình ở chiến tuyến".
Hai bên cũng đã trao đổi về cuộc xung đột ở Syria và cuộc khủng hoảng chính trị ở Libya.
Cũng trong ngày 8/4, Nhà Trắng cho biết, Mỹ ngày càng quan ngại về hoạt động tăng cường quân đội của Nga trên biên giới với Ukraine.
Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki nêu rõ: “Mỹ ngày càng quan ngại trước những hành vi leo thang gây hấn của Nga ở miền Đông Ukraine, trong đó có các hoạt động di chuyển của quân đội Nga trên biên giới Ukraine... Nga hiện triển khai lực lượng đông đảo nhất từ năm 2014 đến nay trên biên giới với Ukraine… Đây đều là những tín hiệu gây quan ngại sâu sắc”.
Cũng theo bà Psaki, Mỹ đang thảo luận với các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về những mối quan ngại trước tình trạng căng thẳng và vi phạm lệnh ngừng bắn trong khu vực.
Căng thẳng Nga-Ukraine: Kịch bản cũ, ác mộng xưa |