Phát biểu tại khu nghỉ mát Sochi sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Nga Vladimir Poutine, ông Fillon khẳng định các cuộc đàm phán sẽ được tái khởi động ngay khi thỏa thuận “Medvedev - Sarkozy” về giải quyết xung đột Nam Ossetia được thực thi. Người đứng đầu Chính phủ Pháp còn cho rằng quan hệ đối tác chiến lược EU - Nga là “sự đảm bảo tốt nhất cho hòa bình ở châu Âu và thịnh vượng ở Nga”.
Tuyên bố trên trái ngược hoàn toàn với lời kêu gọi vào ngày trước đó của Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice về một sự đoàn kết của châu Âu chống lại chính sách “hung hăng” của Nga.
Như vậy, gần 3 tuần sau khi các nhà lãnh đạo EU đưa ra một quyết định hết sức “khó khăn” là sẽ trừng phạt Nga, thông báo trên là một “tín hiệu” cho thấy khối này dường như thực hiện điều đó, vượt qua tất cả bất đồng ngay trong chính nội bộ của mình. Đúng như dự đoán của giới quan sát, lợi ích và tính chất lệ thuộc giữa EU và Nga đã nhanh chóng đẩy hai bên xích lại gần nhau.
Còn nhớ, Hội nghị thượng đỉnh do Pháp triệu tập khẩn cấp để bàn về khủng hoảng giữa Nga và Gruzia đã được đánh dấu bằng bất đồng trầm trọng giữa các nước EU về chính sách chung đối với Nga. Đại diện các nước châu Âu bị chia thành hai phe. Phe theo đường lối hiếu chiến với Nga gồm các nước “EU mới” là Ba Lan, Estonia, Latvia và Litva. Ủng hộ quan điểm này còn có Anh, một đồng minh thân cận của Mỹ vốn tồn tại nhiều mâu thuẫn với Nga, liên quan đến lợi ích của Tập đoàn BP trong liên doanh dầu khí với các nhà tài phiệt Nga. Phe còn lại chủ trương hòa bình với Nga gồm Pháp, Italy, Đức, Bulgaria, Hy Lạp, Hungary, Tây Ban Nha, Ireland, Hy Lạp, Bỉ, Áo và Síp là những nước ít nhiều phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Bất chấp áp lực của Mỹ và một số nước EU chiếm “thiểu số”, tại Hội nghị này, EU chỉ đưa ra lời lẽ cứng rắn lên án việc Nga công nhận nền độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia, còn vấn đề trừng phạt thì không được nhắc tới. Kết quả này có vẻ như chẳng khiến ai ngạc nhiên khi phần lớn các nước EU đang lệ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga.
Khác với Mỹ, EU cùng nằm trong một châu lục với Nga và vì vậy, có những lợi ích chung với Nga. Hơn nữa, EU cũng không muốn xảy ra tình trạng đối đầu và bất ổn kéo dài tại cửa ngõ phía Tây của mình. Cả EU và Mỹ cũng thừa hiểu rằng không thể thiếu sự hợp tác với Nga để giải quyết một loạt vấn đề quốc tế lớn như Afghanistan, chương trình hạt nhân của Iran, chống chủ nghĩa khủng bố, biến đổi khí hậu...
Nếu chỉ nhìn dưới góc độ năng lượng thì Nga chiếm ưu thế so với châu Âu. Tuy nhiên, cũng phải thấy EU là thị trường năng lượng lớn nhất của Nga, do đó Mátxcơva không thể dễ dàng “cắt đứt” với EU. Từ lâu, châu Âu đã là một bạn hàng trung thành và ổn định mà Nga khó có thể tìm khách hàng khác để thay thế. Hiện EU là đối tác thương mại hàng đầu của Nga. Mátxcơva cũng là bạn hàng thứ ba của châu Âu, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc. Nga cần tiền và công nghệ của EU để đa dạng hóa nền kinh tế của mình. Ý thức được những điều đó, Nga đã có hàng loạt biện pháp ngoại giao và những lời phát biểu “xoa dịu” gần đây nhằm giảm căng thẳng với phương Tây. Nga cũng đã nghiêm chỉnh thực hiện cam kết rút quân khỏi Gruzia theo thỏa thuận ngừng bắn do Pháp đề xuất và cho phép EU triển khai quan sát viên tại Nam Ossetia và Abkhadia.
Trong các nỗ lực hòa giải quan hệ với Nga, không thể phủ nhận vai trò của Pháp – nước đang là Chủ tịch luân phiên của khối. Dư luận hẳn không quên, ngay sau cuộc chiến chớp nhoáng, Tổng thống Sarkozy đã bay sang Mátxcơva mang theo một thông điệp là EU không kết tội Nga và sẵn sàng làm một cầu nối giữa Nga, Gruzia và hòa bình.
Hữu Chiến