Nga đang hoàn tất thương vụ mua 4 tàu chiến, loại Mistral của Pháp, với tổng giá trị hợp đồng từ 300 đến 500 triệu euro. |
Những thông tin về chuyện Nga mua tàu của Pháp bắt đầu được bàn tán từ tháng 8/2009, khi Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nga Nikolai Makarov tiết lộ việc Nga thương lượng để mua tàu sân bay lớp Mistral của Pháp nhằm tăng cường cho Hạm đội Biển Đen. Phía Nga đưa ra yêu cầu tàu Mistral phải hoạt động được trong điều kiện khí hậu lạnh giá. Ngoài ra, tất cả hệ thống chiến đấu, thông tin, vũ khí và máy bay trang bị trên tàu này đều phải do Nga sản xuất. Tướng Makarov khi đó cho biết Nga sẽ mua 1 chiếc Mistral, sau đó sẽ hợp tác với Pháp sản xuất tại Nga khoảng 4-5 tàu kiểu này. Cũng theo nguồn tin Hải quân Nga, Mistral sẽ được triển khai tại các hạm đội Biển Bắc và Thái Bình Dương để tiến hành vận chuyển quân, thực hiện các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình và cứu hộ. Ngoài ra, các tàu chở máy bay trực thăng có thể được sử dụng một cách có hiệu quả trong hoạt động chống cướp biển, cả ở ngoài khơi biển Somalia.
Tuy nhiên thương vụ này vừa được tiết lộ đã gặp phải những phản đối gay gắt từ Mỹ và một số nước châu Âu. Sau khi Nga đã tiết lộ ý định mua tàu chiến của Pháp, một số thành viên NATO, có biên giới gần với Nga như Estonia, Litva, Ba Lan đã đòi Paris phải giải thích. Gruzia, tuy không phải là thành viên NATO nhưng là nước có xung đột vũ trang với Nga cách nay hai năm, cũng chỉ trích gay gắt quyết định của Pháp.
Về mặt chính trị, đây sẽ là hợp đồng vũ khí đầu tiên của một nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với Nga. Tàu chở máy bay trực thăng đổ bộ lớp Mistral đầu tiên của Hải quân Pháp được hạ thủy vào năm 2004, có trọng tải 21.300 tấn, chiều dài 210m, chiều rộng 30m, vận tốc tối đa 19 hải lý/giờ. Tàu được trang bị hệ thống thông tin cấp độ cao, có khả năng chở 450 quân đổ bộ với đầy đủ vũ khí và đạn dược trong thời gian dài hoặc 900 quân đổ bộ trong thời gian ngắn. Tàu chở được 16 máy bay lên thẳng, trong đó 6 máy bay có thể cùng đồng thời cất cánh. Tàu còn có thể chở hơn 40 xe tăng hoặc 70 xe cơ giới. Trong trường hợp khẩn cấp, tàu Mistral có thể chở được 1/3 lực lượng và khí tài của một trung đoàn cơ giới.
Tại sao Nga lại muốn mua cao tàu chiến Mistral của Pháp? Tư lệnh Hải quân Nga, Đô đốc Vladimir Vysotsky xác nhận sức mạnh của tàu đổ bộ Mistral bằng so sánh: “Trong cuộc xung đột hồi tháng 8/2008 với Gruzia, nếu Nga có tàu này thì Hải quân Nga hoàn thành nhiệm vụ trong vòng 40 phút chứ không phải 26 tiếng”. Giới phân tích cho rằng việc Pháp bán cho Nga tàu chiến hiện đại này sẽ khiến cho tình hình an ninh trên biển Đen và Baltic vốn đã căng thẳng càng trở nên xấu hơn và thậm chí có thể gây lo ngại cho những quốc gia láng giềng của Nga tại Bắc Cực.
Trong bối cảnh đó, phía Pháp bán tàu chiến cho Nga đương nhiên sẽ vấp phải nhiều chỉ trích từ các nước thành viên NATO cũng như các nước trong EU. Paris dường như đã lường trước được tình cảnh đó nên đã cử Bộ trưởng phụ trách vấn đề châu Âu Pierre Lellouche công du Litva, Latvia, Estonia và tạt qua Ukraine ngay trước khi diễn ra chuyến thăm Pháp của Tổng thống Nga. Tại những nơi này, ông Pierre Lellouche luôn đưa ra thông điệp là tàu Mistral do Pháp đóng, giao cho Nga, chỉ là một tàu dân sự vì không hề được trang bị bất kỳ loại vũ khí, thiết bị quân sự nào. Mặt khác, về khía cạnh chính trị, ông Lellouche cũng có tuyên bố bóng gió rằng nếu phương Tây muốn lật qua một trang mới trong quan hệ với Nga, cần gạt bỏ tư duy chiến tranh lạnh và đối xử với Nga như một đối tác. Trên thực tế, nếu hợp đồng bán tàu Mistral cho Nga được thực hiện, ngành đóng tàu Pháp cũng có đơn đặt hàng trong tình cảnh khủng hoảng kinh tế.
Còn theo Thông tấn xã RIA Novosti, một số nhà phân tích được trích lời nói thông qua vụ này, Nga muốn có cơ hội tiếp cận với công nghệ hàng hải hiện đại của phương Tây để có thể sử dụng trong tương lại nếu xảy ra xung đột với NATO hoặc với thành viên của khối này. Chưa kể đến việc hợp đồng Mistral được thực hiện, đây sẽ là một tiền lệ mở đường cho các hợp đồng quân sự và chuyển giao công nghệ khác giữa Nga với Pháp – một nước thành viên NATO – điều cho đến nay vẫn không dễ thực hiện.
Tâm Anh