Hai nhà lãnh đạo Thổ-Nga cần sớm gạt bỏ hận thù và cải thiện quan hệ. |
Dường như Moscow vẫn chưa thể nguôi ngoai sau vụ việc mà Tổng thống Putin gọi là “cú đâm sau lưng” của Thổ Nhĩ Kỳ. Gần một tháng qua, sự đối đầu giữa hai bên được thể hiện rõ ràng trên các mặt trận kinh tế, chính trị và chỉ thiếu nước đối đầu quân sự trực tiếp.
Trả đũa dồn dập
Mối quan hệ căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ đã được ưu tiên đề cập ngay phần đầu tiên trong Thông điệp Liên bang năm 2015 của Tổng thống Nga. Trong đó, ông Putin đặc biệt cảnh báo, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải hối tiếc về hành động bắn hạ máy bay Nga và phải chịu trách nhiệm trực tiếp về sinh mạng của quân nhân Nga tại Syria.
“Nếu ai đó nghĩ rằng gây ra tội ác chiến tranh xấu xa và giết hại người của chúng ta mà chỉ bị phạt nhẹ bằng những lô cà chua hoặc những hạn chế nào đó trong ngành xây dựng và những ngành khác thì họ hoàn toàn nhầm. Chúng ta rồi sẽ không chỉ một lần nhắc cho họ nhớ những gì họ đã làm và rồi họ sẽ phải hối tiếc vì những gì đã gây ra”, Tổng thống Putin nhắn nhủ Thổ Nhĩ Kỳ.
Lời nói đi cùng hành động. Một loạt biện pháp trừng phạt trên quy mô lớn đã được Moscow “dành” cho Ankara, trong đó bao gồm lệnh cấm doanh nghiệp Nga thuê mới công dân mang quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ, giới hạn nhập khẩu một số loại hàng hóa của Thổ Nhĩ Kỳ và yêu cầu các hãng du lịch Nga hạn chế bán các tour du lịch tới Thổ Nhĩ Kỳ - một trong những điểm đến ưa thích của du khách Nga. Theo số liệu thống kê, mức thiệt hại khi “đóng băng” quan hệ kinh tế giữa hai nước này có thể lên tới 40 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Nga không ngừng đưa ra các bằng chứng buộc tội Thổ Nhĩ Kỳ “đồng lõa với bọn khủng bố”, đồng thời tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay ném bom Nga là để bảo vệ việc buôn bán dầu thô của nước này với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Gần đây, hai bên lại chạm trán tại vùng biển Aegean khi tàu khu trục Smetlivy của Nga bắn cảnh cáo một tàu đánh cá của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tránh xảy ra va chạm khi tàu cá này áp sát. Bộ Quốc phòng Nga cho rằng sự việc này rất nghiêm trọng vì hành động khả nghi của tàu cá Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến tàu chiến Nga phải báo động, nâng cao tình trạng sẵn sàng chiến đấu nên đã triệu tập tùy viên quân sự Thổ Nhĩ Kỳ để cảnh báo.
“Sự kiên nhẫn chỉ có giới hạn”
Đáp lại việc trả đũa của Moscow, Ankara lúc đầu có thái độ tương đối cứng rắn. Thủ tướng Ahmet Davutoglu tuyên bố sẽ không đưa ra lời xin lỗi về việc bắn hạ máy bay Nga bởi đây là hành động hợp lý nhằm bảo vệ chủ quyền của nước này, đồng thời tuyên bố sẽ “không quỳ gối” trước các biện pháp trừng phạt của Nga.
Tuy nhiên, sau hàng loạt biện pháp trừng phạt nặng nề của Nga, có vẻ như Ankara không chịu được “nhiệt” nên buộc phải trở nên mềm mỏng, kiềm chế hơn. Ngày 6/12, Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu đã lên tiếng kêu gọi Điện Kremlin hãy nới lỏng trừng phạt kinh tế đối với nước này và một lần nữa giải thích rằng vụ máy bay Su-24 bị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chỉ là một sự cố xảy ra ngoài ý muốn.
Nhưng có vẻ sự kiên nhẫn này không phải là không có giới hạn. Trong bài phỏng vấn gần đây, Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu khẳng định Ankara muốn vượt qua căng thẳng nhưng Moscow đang dùng “mọi cơ hội” để đáp trả. Cụ thể, trong vụ việc vừa qua xảy ra tại vùng biển Aegean, người Thổ Nhĩ Kỹ cho rằng Nga đã “thái quá” khi nổ súng cảnh cáo. Ông nhấn mạnh, sự kiên nhẫn của Ankara “chỉ có giới hạn”.
Vụ máy bay Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ đã trở thành vết đen trong quan hệ Moscow – Ankara nhưng nó còn gây tác động lớn tới hòa bình khu vực và quốc tế. Già néo đứt dây, nếu Nga tiếp tục “kéo dây” gây căng thẳng và chạm đến “giới hạn” của một thành viên NATO thì không loại trừ khả năng kịch bản tồi tệ nhất là một cuộc chiến quân sự sẽ nổ ra.
Tất nhiên, đó không phải là kết cục mà Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ trông chờ. Hy vọng sự việc đang nóng này sẽ sớm được giải quyết bởi những cái đầu lạnh để quan hệ hai nước sẽ được cải thiện và trở lại trạng thái bình thường trước đây.
Trang Hạ