Tổng thống Nga Medvedev (phải) đón Chủ tịch Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. |
Không thể phủ nhận những thành tựu phát triển quan hệ hai nước trong những năm qua. Sau gần 2 thập kỷ đàm phán, đường biên giới dài hơn 4.300 km đã được phân định. Bắc Kinh và Mátcơva cũng đã hoàn tất nhiều hiệp định song phương về thương mại và đầu tư, quân sự, vũ khí hạt nhân, hợp tác năng lượng, khoa học và công nghệ, trao đổi văn hóa và chính sách quốc tế. Hai nước cũng thường xuyên cùng bỏ phiếu phủ quyết một số nghị quyết của HĐBA LHQ. Như một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Nga từng nói: “Chúng tôi hoặc chia sẻ hoặc có quan điểm chung về tất cả các vấn đề quốc tế”.
Tuy nhiên, thực tế là sự nổi lên ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc có thể tác động tiêu cực tới mối đoàn kết này. Ngoài ra, Nga còn có mối lo ngại từ sự gia tăng thâm hụt thương mại cùng những rắc rối mang tính lịch sử về người nhập cư Trung Quốc tràn ngập Siberia và khu trung tâm nước Nga. Trong khi đó, một Trung Quốc đói tài nguyên cũng đang từng bước xâm nhập vào những khu vực “sát sườn” Nga, ký kết những hợp đồng năng lượng béo bở tại Kazakhstan, cam kết hàng chục triệu USD cho các dự án thủy điện và cơ sở hạ tầng tại các nước nghèo như Kyrgyzstan và Tajikistan, đồng thời trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Afghansitan, xây đường qua Kabul và thiết lập mỏ đồng trị giá 3 tỉ USD… Chưa kể, cũng giống như giới chức ở châu Âu và Nhật Bản, các nhà chiến lược Nga cũng rất quan tâm đến các cuộc thảo luận gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc về trục “G2” trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Obama đang kêu gọi một mối quan hệ đối tác toàn cầu Trung - Mỹ.
Dù còn nhiều nghi ngờ và cạnh tranh, nhưng những quan tâm và lợi ích chung sẽ kéo cả hai bên vào kỳ trăng mật mới, hoặc ít nhất là không phải nỗ lực tìm đối tác thay thế. Sean Roberts, chuyên gia Trung Á tại ĐH George Washignton cho rằng: “Cả Nga và Trung Quốc đều muốn giữ nguyên trạng”. Điều này thể hiện trong nỗ lực thành lập và phát triển Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) theo sáng kiến của Trung Quốc năm 2001 với mục tiêu cải thiện quan hệ kinh tế chính trị với Nga và các nước Trung Á khác. Việc SCO năm 2005 ra tuyên bố rằng phải có lịch trình cho việc rút các căn cứ quân sự Mỹ khỏi Trung Á cho thấy Nga và Trung Quốc cùng quan điểm chung trong việc giới hạn ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực.
Nga có thể cũng lo ngại về việc Trung Quốc đang trở thành nhà tài trợ danh tiếng trong SCO, dĩ nhiên với cả Nga (Trung Quốc đã cho Nga vay 25 tỉ USD trong 25 năm). Cho vay tiền đồng nghĩa với việc Trung Quốc có chân trong các dự án dầu khí khổng lồ và tiếp cận với những mỏ dầu lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, sự cân bằng giữa Nga và Trung Quốc trong SCO vẫn được duy trì. Bởi vì kể từ năm 1989, khi Mỹ và EU áp đặt lệnh cấm vận vũ khí với Trung Quốc, Nga đã trở thành nhà cung cấp chính của Bắc Kinh. Doanh số đạt đến xấp xỉ 1 tỉ USD/năm trong những năm 1990 và đến hơn 3 tỉ USD/năm từ năm 2001-2006.
Lãnh đạo cả hai bên cũng đều nhận thấy họ đang đưa quan hệ đi theo hướng tích cực bằng cách nhìn rõ những mục tiêu của mình trong tình hình chung thay vì tìm cách kiềm chế lẫn nhau hay tính toán so đo ai là người tiếp cận các mỏ dầu sớm và nhiều hơn, hay ai là người cho vay và đi vay, nhất là trong những giai đoạn đặc biệt như hiện nay. Đồng thời, cả hai bên đều rất nhạy cảm với những quan tâm cốt lõi và lợi ích sống còn của nhau. Cuộc xung đột ở Kavkaz tháng 8/2008 là phép thử thiện chí của Bắc Kinh với Nga, khi đó Bắc Kinh đã có lập trường cảm thông với những quan tâm của Nga.
Thêm vào đó, hai bên cũng đã bắt đầu cố gắng kiến tạo nền tảng hợp tác về năng lượng, không như những dự đoán của phương Tây về xung đột lợi ích trong lĩnh vực này. Nguyên nhân một phần do sự giảm cầu của thị trường châu Âu, căng thẳng năng lượng Nga-EU, mâu thuẫn với EU và Mỹ tại Caspian nhưng một phần Nga vẫn kiên định cung cấp nguyên liệu thô cho nền kinh tế Trung Quốc.
Không rõ SCO trong tương lai có chấp nhận ý tưởng mà Tổng thống Nga V.Putin đưa ra 4 năm trước về một “câu lạc bộ năng lượng” trong khuôn khổ SCO hay không. Hiện có một ma trận đang phát triển giữa những nước SCO, bao gồm cả các nước “quan sát viên”, trong lĩnh vực hợp tác năng lượng như mô hình hợp tác giữa Trung Quốc với Kazakhstan - Uzbekistan và Turkmenistan; Nga – Trung; Trung Quốc – Iran, Nga – Iran, Iran – Pakistan; và dĩ nhiên quan hệ truyền thống giữa Nga với các nước Trung Á. Tuy nhiên, cho đến nay những mô hình này không xung đột với nhau. Và Mátxcơva dường như hài lòng với thực tế người Trung Quốc đang tiếp cận nguồn dự trữ năng lượng dồi dào của khu vực hơn là nhìn thấy sự thâm nhập của EU hay Mỹ.
Phương Nguyên