Nhỏ Bình thường Lớn

Ngành ngoại giao Pháp khủng hoảng vì thiếu nhân lực chủ chốt

TGVN. Văn phòng cố vấn ngoại giao của Điện Elysée gần đây tồn tại nhiều bất đồng nội bộ. Hình ảnh nền ngoại giao Pháp nói chung và tiếng tăm của Tổng thống Emmanuel Macron nói riêng phần nào bị tác động bởi những vấn đề nội bộ không đáng có này.
nganh ngoai giao phap khung hoang vi thieu nhan luc chu chot
Ngành ngoại giao Pháp đang gặp khủng hoảng do thiếu nhân lực chủ chốt dù trước đó đạt được nhiều thành tựu đáng kể. (Nguồn: Bloomberg)

Một loạt cán bộ...“nghỉ ốm”

Với quan điểm rõ ràng về chính sách đối nội và đối ngoại của Tổng thống Emmanuel Macron, nền ngoại giao Pháp đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, việc các cố vấn “nghỉ ốm” dài hạn và các vị trí cấp cao bị bỏ trống là minh chứng cho hàng loạt những khó khăn đang tồn tại trong văn phòng cố vấn ngoại giao của Điện Elysée.

Tin liên quan
Những góc khuất về ngành ngoại giao Mỹ qua Những góc khuất về ngành ngoại giao Mỹ qua 'mổ xẻ' của cựu Đại sứ

Tin đồn về tình trạng lộn xộn trong văn phòng ngoại giao của Điện Elysée đã lan truyền trong một thời gian dài. Sau khi cố vấn về khí hậu và sức khỏe Claire Thuaudet và cố vấn chịu trách nhiệm về châu Mỹ và châu Á Teymouraz Gorjestani báo cáo “nghỉ ốm”, một cuộc điều tra đã được thực hiện vào cuối tháng Tám.

“Đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy tồn tại nhiều khó khăn tiềm ẩn trước một khối lượng công việc lớn của các cán bộ trong văn phòng cố vấn ngoại giao và chúng tôi đang tìm hiểu nguồn gốc của chúng để tìm cách cải thiện”, một quan chức của Điện Elysée cho biết.

Trả lời phỏng vấn trong cuộc điều tra, các quan chức thuộc văn phòng cố vấn ngoại giao đã nói về tình trạng kiệt sức cũng như tâm lý bức bối trong công việc. Họ còn cho rằng sự phối hợp thiếu nhuần nhuyễn trong các công việc hay thái độ đối nghịch giữa các bộ phận khác nhau của chính quyền Pháp đã khiến cho chính sách đối ngoại của ông Macron trở nên kém hiệu quả.

Không chỉ vậy, các cố vấn ngoại giao của Tổng thống Macron cũng bị cáo buộc không toàn tâm với công việc, trong đó có cố vấn Emmanuel Bonne và Alice Rufo.

Một Đại sứ thuộc nhóm G-20 làm việc tại Pháp chia sẻ: “Thái độ làm việc của ông Bonne và bà Rufo đã gây ra thiệt hại to lớn cho mối quan hệ của Điện Elysée với ngoại giao đoàn. Thật khó khăn để khiến họ gọi lại, trả lời tin nhắn hoặc lên lịch họp”.

Mặc dù trước đây, cả ông Bonne và bà Rufo đều là những quan chức kỳ cựu phục vụ trong văn phòng ngoại giao của cựu Tổng thống François Hollande, nhưng theo nhiều quan chức, giữa ông Bonne và bà Rufo đã bùng phát những xung đột khi bà Rufo nói với các đồng nghiệp rằng ông Bonne cần được thay thế.

Bị động trước khủng hoảng

Ngoài những vấn đề về nhân sự, một số quan chức ngoại giao Pháp phàn nàn rằng họ không có sự chuẩn bị trước để đối phó với phản ứng dữ dội của cộng đồng quốc tế khi ông Macron từng tuyên bố Tổ chức NATO bị “chết não” vào cuối năm 2019.

Trong thời gian đó, cả ông Bonne và bà Rufo đều không đưa ra bất kỳ hướng dẫn nào cho cấp dưới của họ về cách thức xử lý khủng hoảng. Điều này đã khiến các quan chức và nhà ngoại giao Pháp, những người đang cố gắng bảo vệ ông Macron trước dư luận và các nước đồng minh cảm thấy hoang mang và tức giận.

Kể từ thời Tổng thống Charles de Gaulle, hoạt động đối ngoại chủ yếu là lĩnh vực của nguyên thủ quốc gia, ngoại trưởng chỉ đóng vai trò thứ hai. Dưới các chính quyền khác nhau, điều này thường dẫn đến căng thẳng giữa văn phòng đối ngoại của Điện Elysée với Bộ ngoại giao. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao lâu năm của Pháp nói rằng tình hình hiện tại là điều chưa từng xảy ra.

Để làm dịu tình hình, một quan chức cho hay: "Bộ Ngoại giao là cơ quan có sứ mệnh riêng và có những con người tâm huyết với công việc. Đôi khi kỳ vọng của Tổng thống đối với Bộ không được như ý muốn nhưng điều này không quá quan trọng".

Nhìn về phương diện tích cực, rõ ràng, ngoại giao Pháp thời gian qua cũng đã có những thành tựu tích cực. Một số quan chức đã chỉ ra vai trò lãnh đạo của Pháp trên trường quốc tế dưới thời ông Macron.

Văn phòng ngoại giao thời gian qua đã phải đối mặt với vô vàn những thách thức từ đại dịch Covid-19, một Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng hiếu chiến, mối quan hệ phức tạp với Nga và Trung Quốc,…

Dù trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, song văn phòng ngoại giao dưới sự lãnh đạo của ông Bonne và bà Rufo đã kịp làm nổi bật vai trò của mình thông qua việc thúc đẩy một loạt các sáng kiến ​​nổi bật, như việc môi giới một thỏa thuận giữa Mỹ và Iran, tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2020.

Mặc dù vậy, hiện nay nhiều quan chức ngoại giao Pháp đã thẳng thắn từ chối đảm nhiệm các vị trí vốn từng được săn đón trong văn phòng ngoại giao của Điện Elysée. Hai vị trí vẫn chưa có người đảm nhiệm là vị trí cố vấn châu Âu và cố vấn Các vấn đề chiến lược.

Tổng thống Pháp cam kết chống lại các phần tử tôn giáo cực đoan

Tổng thống Pháp cam kết chống lại các phần tử tôn giáo cực đoan

TGVN. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết đất nước sẽ đứng vững trước những phần tử tôn giáo cực đoan, sau khi xảy ra ...

Căng thẳng Pháp-Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng, đã đến lúc EU thể hiện tình đoàn kết

Căng thẳng Pháp-Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng, đã đến lúc EU thể hiện tình đoàn kết

TGVN. Quan hệ Pháp-Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục căng thẳng xung quanh phát biểu của Tổng thống Pháp liên quan đến Hồi giáo khiến Ankara ...

Lịch trình dày đặc của Tổng thống Pháp trong chuyến thăm 'chớp nhoáng' Iraq

Lịch trình dày đặc của Tổng thống Pháp trong chuyến thăm 'chớp nhoáng' Iraq

TGVN. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có chuyến thăm chính thức Iraq đầu tiên, đồng thời trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên thăm ...

(theo Politico)