TIN LIÊN QUAN | |
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ: Sự tin cậy giữa hai nước rất cao | |
Khả năng thông qua TPP tại Mỹ vẫn còn bỏ ngỏ |
Đại hội XII của Đảng đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ “tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, tham mưu về đối ngoại” nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác đối ngoại trong tình hình mới. Nghiên cứu chiến lược là bộ phận quan trọng trong tổng thể quy trình hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại của các nước, là căn cứ để xử lý các tình huống, động thái trong hoạt động đối ngoại. Việc nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu chiến lược là một trong những nhiệm vụ chủ chốt của đối ngoại Việt Nam thời gian tới, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.
Nghiên cứu chiến lược trong ngành ngoại giao
“Chiến lược” là thuật ngữ có nguồn gốc trong khoa học quân sự, nhưng đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Nói một cách khái quát, chiến lược là tổng hợp các mục tiêu và các công cụ, phương châm để đạt được các mục tiêu đó (tiếng Anh là “ends, means and ways”). Sự khác biệt cơ bản giữa chiến lược và chính sách là ở chỗ chiến lược có tầm vĩ mô hơn chính sách, và chính sách phải phục tùng chiến lược.
Trong ngành Ngoại giao, công tác nghiên cứu chiến lược ngoại giao (rộng hơn là nghiên cứu chiến lược đối ngoại) đã có truyền thống lâu đời, gắn bó chặt chẽ với những thăng trầm của ngành Ngoại giao trong suốt chiều dài lịch sử từ khi thành lập ngành đến nay. Năm 2008, Viện nghiên cứu Chiến lược ngoại giao được thành lập trên cơ sở khối nghiên cứu cũ của Học viện Ngoại giao, là cơ quan chuyên trách công tác nghiên cứu chiến lược của ngành. Mặt khác, đa số các đơn vị trong Bộ Ngoại giao cũng được giao nhiệm vụ nghiên cứu động thái trong lĩnh vực mà đơn vị đó có chức năng quản lý hành chính nhà nước.
Các cuộc tọa đàm tại Học viện Ngoại giao thu hút rất đông học giả, nhà nghiên cứu tham gia. |
Nội dung của công tác nghiên cứu chiến lược trong ngành Ngoại giao tập trung vào phân tích, điều tra, đánh giá một cách có hệ thống, đưa ra các nhận định về cục diện thế giới và khu vực, chiến lược/chính sách đối ngoại của các đối tác chủ chốt, nhằm cung cấp luận cứ khoa học về môi trường đối ngoại cho việc hoạch định chiến lược/chính sách đối ngoại của Việt Nam (bao gồm mục tiêu, công cụ và phương châm như trên đã nói), cũng như ứng dụng để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, xử lý tình huống, động thái trong hoạt động đối ngoại. Nếu nghiên cứu chiến lược ở thời tương lai thì có loại hình nghiên cứu dự báo chiến lược, một loại hình nghiên cứu mới phổ biến ở Việt Nam (một số trung tâm phân tích và dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam… đã được thành lập).
Trong những năm qua, công tác nghiên cứu chiến lược của ngành Ngoại giao nói chung đã có những đóng góp đắc lực cho việc chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, cả về hoạch định chiến lược cũng như tác chiến. Công tác nghiên cứu chiến lược cũng cung cấp cơ sở khoa học để Bộ Ngoại giao xây dựng các Chiến lược quốc gia trình Chính phủ, các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng liên quan đến đối ngoại, đồng thời cũng góp phần tạo động lực đổi mới tư duy đối ngoại trong đội ngũ cán bộ, Đảng viên, và tạo đồng thuận trong nhận thức chung của xã hội về các vấn đề quốc tế, đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam. Nói tóm lại, công tác nghiên cứu đã góp phần không nhỏ vào các thành tựu đối ngoại to lớn của ngành Ngoại giao những năm qua.
“Học viện phải nỗ lực không ngừng để cải thiện vị trí xếp hạng của mình trong bảng xếp hạng các think-tanks hàng đầu của khu vực Đông Nam Á/châu Á-Thái Bình Dương”. |
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác nghiên cứu chiến lược trong ngành Ngoại giao cũng còn nhiều hạn chế. Tầm quan trọng của công tác nghiên cứu vẫn chưa được nhận thức một cách đầy đủ, đúng mức ở một số đơn vị chức năng. Sự kết hợp giữa nghiên cứu với tác chiến còn lỏng lẻo; sự phối hợp giữa kênh 1 (ngoại giao chính thức) với kênh 2 (ngoại giao học giả) chưa chặt chẽ. Trên hết, trình độ nghiên cứu khoa học của đa số cán bộ còn khiêm tốn; công tác xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ nghiên cứu còn nhiều điểm chưa phù hợp. Chính vì vậy, công tác tham mưu, cố vấn chính sách của ta có lúc chưa theo kịp diễn biến của tình hình, đối sách chưa kịp thời, kịp lúc, đôi khi lâm vào thế bị động, bất ngờ.
Nâng cao chất lượng nghiên cứu chiến lược
Đại hội XII của Đảng đã nhận định tình hình thế giới trong những năm tới “thay đổi nhanh chóng, diễn biến rất phức tạp, khó lường”; khu vực châu Á-Thái Bình Dương là “khu vực cạnh tranh chiến lược giữa một số nước lớn, có nhiều nhân tố bất ổn”. Đại hội XII cũng đề ra phương hướng, nhiệm vụ “triển khai mạnh mẽ định hướng chiến lược chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”. Tình hình này đặt ra thách thức to lớn cho công tác nghiên cứu chiến lược của ngành Ngoại giao trong thời kỳ mới, đặc biệt là công tác dự báo chiến lược.
Trước bối cảnh đó, để có thể đáp ứng được yêu cầu của công tác đối ngoại ngày càng nhiều khó khăn thử thách, nhiệm vụ đặt ra trước mắt cho công tác nghiên cứu chiến lược trong ngành Ngoại giao là kiện toàn thiết chế, bộ máy chỉ đạo điều hành công tác nghiên cứu từ trên xuống dưới, có sự phân công phân nhiệm và phối hợp chặt chẽ trong nghiên cứu chiến lược/nghiên cứu tác chiến giữa các đơn vị chức năng của Bộ (trong và ngoài nước).
Để nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu phục vụ trực tiếp các hoạt động đối ngoại của Bộ, bộ máy nghiên cứu của Bộ rất cần được Lãnh đạo Bộ tiếp tục chỉ đạo, Hội đồng khoa học Bộ tư vấn cũng như Học viện Ngoại giao điều phối để vận hành hiệu quả hơn. Kế hoạch nghiên cứu khoa học dài hạn của Bộ cần được xây dựng cũng như được thực hiện kế hoạch này với mức độ linh hoạt, năng động cần thiết để có thể thích ứng được với tình hình thế giới biến động hàng ngày, hàng giờ.
Với đặc thù của công tác nghiên cứu khoa học, các chế độ chính sách liên quan đến con người có ý nghĩa quyết định đối với chất lượng sản phẩm nghiên cứu đầu ra. Việc quy hoạch, phát triển và bồi dưỡng nguồn nhân lực nghiên cứu chất lượng cao là hết sức cần thiết về lâu về dài. Trong các chế độ chính sách liên quan đến con người thì công tác chuyên gia cần được ưu tiên chú trọng, vì các chuyên gia chính là những hạt nhân tinh hoa cấu thành bộ máy nghiên cứu chiến lược của Bộ.
Là cơ quan đảm nhận chức năng chuyên trách nghiên cứu khoa học của ngành Ngoại giao, đồng thời quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học của cả Bộ Ngoại giao, Học viện Ngoại giao đang đứng trước sức ép ngày càng lớn của yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với công tác nghiên cứu và bồi dưỡng cán bộ. Học viện cũng nhận thấy áp lực cạnh tranh cũng như cơ hội hợp tác ngày càng lớn từ các cơ quan nghiên cứu chiến lược trong nước có nghiên cứu về các vấn đề quốc tế như Viện Chiến lược Quốc phòng (Bộ Quốc phòng), Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh...
Ngoài ra, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, Học viện phải nỗ lực không ngừng để cải thiện vị trí xếp hạng của mình trong bảng xếp hạng các think-tanks hàng đầu của khu vực Đông Nam Á/châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời tham gia sâu vào các hoạt động hợp tác quốc tế về nghiên cứu chiến lược, các hoạt động ngoại giao kênh 2 ở khu vực. Trước những thử thách đó, cán bộ Học viện cần tiếp tục đổi mới cách làm việc, nâng cao trình độ chuyên môn để thực hiện tốt chức năng nòng cốt của mình trong công tác nghiên cứu của Bộ Ngoại giao.
Giai đoạn mới trong công tác về người Việt Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 36 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Chỉ thị 45 đã trở thành ... |
Ngoại giao học thuật để bảo vệ chủ quyền biển đảo Gần một thập kỷ qua, khi tranh chấp Biển Đông căng thẳng trở lại, cũng là giai đoạn Ngoại giao kênh II - còn gọi ... |
Một số hình ảnh bên lề HNNG 29 “Nâng cao hiệu quả ngoại giao phục vụ phát triển” (tiếp) Báo TG&VN xin giới thiệu tiếp một số hình ảnh bên lề tại phiên thảo luận thứ 2 của Hội nghị Ngoại giao 29 “Nâng ... |