📞
Tinh thần hòa mục, hữu nghị, nhân văn, nhân nghĩa trong bản sắc ngoại giao Việt Nam:

Ngoại giao hòa hiếu, hữu nghị trong phát triển đất nước (kỳ cuối)

Nhóm tác giả* 16:09 | 29/08/2022
Trong hơn 30 năm Đổi mới, tinh thần hòa hiếu, hữu nghị tiếp tục là tư tưởng nổi bật của ngoại giao Việt Nam, đóng góp quan trọng vào công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước.
Đối ngoại Việt Nam đã có cách tiếp cận đúng đắn khi kế thừa tinh thần hòa hiếu, hữu nghị và triển khai linh hoạt đường lối ngoại giao theo chỉ thị Đại hội XIII để đưa đất nước trở thành một điểm sáng giữa tình hình biến động của khu vực và thế giới - Ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc ngày 14/12/2021. (Ảnh: Tuấn Anh)

Từ Đổi mới tới Đại hội XIII

Trong công cuộc Đổi mới, hòa hiếu, hữu nghị tiếp tục là một trong những tư tưởng nổi bật của ngoại giao Việt Nam, thể hiện rõ trong giai đoạn từ năm 1986 qua ba xu hướng đối ngoại chính.

Thứ nhất là đổi mới, cải thiện và tăng cường quan hệ với các nước láng giềng và bạn bè truyền thống, chẳng hạn như các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Nga.

Thứ hai là nỗ lực bình thường hóa và phát triển quan hệ hữu nghị với Mỹ và Trung Quốc.

Thứ ba là chú trọng mở rộng, phát triển quan hệ với nhiều quốc gia ở mọi châu lục và đẩy mạnh hoạt động ngoại giao đa phương.

Cách Đảng, Nhà nước xử lý rạn nứt trong quan hệ với các nước khu vực về vấn đề Campuchia là ví dụ điển hình cho bản sắc ngoại giao hòa hiếu. Việc Đại hội Đảng VI (1986) chú trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước Đông Nam Á và Việt Nam chủ động bày tỏ mong muốn sẵn sàng cùng tham gia thương lượng, giải quyết các khúc mắc còn tồn tại nhằm thiết lập quan hệ hòa bình, ổn định cũng thể hiện rõ nét điều này. Đây là tiền đề cho những đột phá trong quan hệ giữa Việt Nam với các láng giềng thời kỳ “hậu Campuchia” và gia nhập ASEAN năm 1995.

Đồng thời, ở giai đoạn này, tư duy đối ngoại hòa hiếu cũng được vận dụng theo những cách thức mới trong quan hệ với các nước lớn, đơn cử như với Mỹ. Từ giữa năm 1986, sau khi đạt được một giải pháp hòa bình trong vấn đề Campuchia, quan hệ hai nước đã chuyển từ đối đầu sang đối thoại.

Trước Đại hội Đảng VIII (1996), Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ vào năm 1995, qua đó đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam có quan hệ với tất cả các nước lớn trên thế giới. Có thể nói, tinh thần hòa hiếu, “thêm bạn bớt thù” đã góp phần phá thế bao vây cấm vận, tạo dựng môi trường để phát triển đất nước.

Thời kì này cũng đánh dấu việc Việt Nam mở rộng quan hệ với nhiều nước và khởi động tiến trình triển khai ngoại giao đa phương theo tinh thần Đại hội VII (1991). Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao hữu nghị với nhiều nước, từng bước đưa các quan hệ vào chiều sâu, hội nhập vào hệ thống quốc tế: Từ vai trò tham dự ban đầu tới tham gia tích cực, giờ đây, với thế và lực mới, Việt Nam đã chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung. Nhiều nước đã công nhận và đánh giá cao Việt Nam như một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao hữu nghị với nhiều nước, từng bước đưa các quan hệ vào chiều sâu, hội nhập vào hệ thống quốc tế: Từ vai trò tham dự ban đầu tới tham gia tích cực, giờ đây, với thế và lực mới, Việt Nam đã chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung. Nhiều nước đã công nhận và đánh giá cao Việt Nam như một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Trong phương hướng đối ngoại hiện nay

Kế thừa tinh hoa truyền thống ngoại giao Việt Nam, Đảng luôn chủ trương giữ vững và phát huy nền ngoại giao hoà hiếu. Văn kiện Đại hội XIII (2021) nêu rõ:“Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển…Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.

Đến nay, Việt Nam đã thiết lập mạng lưới quan hệ ngoại giao với 190 quốc gia, vùng lãnh thổ trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. trong đó có 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, bao gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Quan hệ với các đối tác dần đi vào chiều sâu và ổn định, góp phần bảo đảm môi trường hoà bình ở bên ngoài để tập trung phát triển.

Đồng thời, Việt Nam kiên trì đẩy mạnh chủ trương ngoại giao hoà hiếu, kết hợp giữa kiến tạo điểm đồng và giảm thiểu bất đồng để xử lý mâu thuẫn, đặc biệt là trong quan hệ với các nước lớn.

Đơn cử như trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam vừa kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vừa kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hoà bình, tránh gây tổn hại tới quan hệ với Trung Quốc và các nước, vùng lãnh thổ có tranh chấp.

Với phía Mỹ, Việt Nam tiếp tục mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, khắc phục hậu quả chiến tranh, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau. Đồng thời, Việt Nam kiên trì, mềm dẻo vận động thuyết phục, tháo gỡ các bất đồng còn tồn tại với Mỹ ở một số khía cạnh như dân chủ, nhân quyền… Đồng thời chúng ta cũng thể hiện sự nhất quán, “chọn chính nghĩa, không chọn bên”.

Có thể thấy, với góc nhìn biện chứng về đối tác, đối tượng, Việt Nam đã xử lý một cách khôn khéo trong quan hệ với các nước khi chủ trương vừa tăng cường hợp tác cùng có lợi với đối tác thông qua kênh song phương lẫn đa phương, vừa tích cực tháo gỡ các mâu thuẫn, bất đồng thông qua đối thoại, đàm phán. Nhờ đó, Việt Nam đã giữ được chủ quyền, an ninh, đồng thời duy trì quan hệ hợp tác cùng có lợi với tất cả các nước trên các lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược.

Với thế, lực mới cùng tinh thần hòa hiếu, hữu nghị, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch ASEAN 2020. - Ảnh: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Tổng kết năm Việt Nam Chủ tịch ASEAN 2020 ngày 11/12/2020. (Ảnh: Phạm Anh Tuấn)

Việt Nam cũng hết sức đề cao tinh thần chủ động kiến tạo môi trường hoà bình, ổn định, chủ trương thi hành chính sách quốc phòng “4 không” để thể hiện tính chất tự vệ, làm nổi bật phẩm chất yêu chuộng hoà bình, giúp gây dựng lòng tin với các nước. Trên cơ sở này, Việt Nam thường xuyên kêu gọi các nước tuân thủ luật pháp quốc tế và lên án các hành vi đơn phương, cường quyền.

Vị thế, uy tín ngày càng tăng giúp Việt Nam đóng vai trò “trung gian, hoà giải” trong quan hệ quốc tế, tiêu biểu là khi Hà Nội được chọn làm địa điểm tổ chức Thượng đỉnh Mỹ-Triều năm 2019. Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đối ngoại đa phương cũng xác định “nỗ lực vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải…”.

Điều này được thấy qua thông điệp “Đối tác vì hòa bình bền vững” của Việt Nam tại nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tại đây, cách tiếp cận toàn diện, nhân văn của Việt Nam trong đề cao luật pháp quốc tế, quan tâm đến lợi ích chính đáng và tiếng nói của các bên đã được đánh giá cao.

Kết luận

Như vậy, có thể thấy rằng tinh thần hòa hiếu, yêu chuộng hoà bình, nhân văn là một nét đặc sắc xuyên suốt của nền ngoại giao Việt Nam kể từ thời dựng nước. Tùy theo từng giai đoạn lịch sử, Việt Nam có các cách triển khai linh hoạt, uyển chuyển khác nhau. Song, cốt lõi vẫn là đảm bảo được nền độc lập, hoà bình của dân tộc và duy trì mối quan hệ hữu hảo với các nước.

Tình hình khu vực và thế giới hiện nay đang có nhiều biến chuyển nhanh, phức tạp và khó lường. Cạnh tranh nước lớn tiếp tục gay gắt và toàn diện hơn, cùng sự nổi lên của chính trị cường quyền đặt thế giới trước nguy cơ, thách thức lớn.

Thế giới cũng xuất hiện nhiều điểm nóng, xung đột cục bộ nghiêm trọng đe dọa an ninh và sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, hoà bình, tiến bộ vẫn là khát vọng chung của đông đảo cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam.

Với khát vọng đó, đối ngoại Việt Nam đã có cách tiếp cận đúng đắn, đưa đất nước trở thành một điểm sáng khi kế thừa truyền thống cha ông, triển khai linh hoạt đường lối ngoại giao theo chỉ thị Đại hội XIII thông qua giữ vững chủ trương ngoại giao hoà hiếu, yêu hòa bình, giương cao ngọn cờ chính nghĩa, vừa vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vừa vì lợi ích chung của nhân loại.


(*) Hoàng Gia Mỹ, Đỗ Thị Ngọc Thúy, Đỗ Thúy Hòa, Nguyễn Thanh Vân, Phạm Trang Nhã, Trần Đăng Thành.