📞

'Ngoại giao trục xuất' kịch tính giữa Nga với phương Tây

Minh Nhật 07:48 | 21/04/2021
Hàng loạt lệnh trục xuất các nhà ngoại giao giữa Nga và nhiều nước châu Âu đã làm leo thang căng thẳng ngoại giao giữa Moscow và phương Tây, vốn đang dậy sóng bởi căng thẳng ở miền Đông Ukraine.
Xe của Đại sứ Nga tại Cộng hòa Czech. (Nguồn: EPA)

Ngày 18/4, Nga đã ra lệnh trục xuất 20 nhà ngoại giao Cộng hòa Czech và yêu cầu họ phải rời khỏi Nga trong vòng 24 giờ đồng hồ nhằm đáp trả việc chính phủ Czech trục xuất 18 nhà ngoại giao Nga mà Prague xác định là gián điệp phục vụ cho một cơ quan tình báo quân sự vốn có liên quan đến vụ nổ kho vũ khí hồi năm 2014.

Đại sứ Czech Vitezslav Pivonka đã bị triệu tập đến Bộ Ngoại giao Nga vào tối cùng ngày và được thông báo rằng 20 nhà ngoại giao phải rời khỏi Moscow vào cuối ngày 19/4.

Trong một thông cáo trước đó, Bộ Ngoại giao Nga đã gọi việc Czech trục xuất các nhà ngoại giao Nga là “một bước đi thù địch nhằm làm hài lòng Mỹ trong bối cảnh các lệnh trừng phạt gần đây của Washington đối với Moscow”.

Những cáo buộc đằng sau

Thủ tướng Czech Andrej Babis hôm 17/4 tuyên bố rằng các vụ trục xuất trên dựa vào “bằng chứng rõ ràng” do các cơ quan an ninh và tình báo của Czech cung cấp, trong đó chỉ ra sự can dự của các gián điệp quân đội Nga trong vụ nổ lớn năm 2014 tại một thị trấn ở phía Đông Czech, khiến 2 người thiệt mạng.

Còn Bộ trưởng Nội vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Czech Jan Hamacek cho biết, 18 nhân viên Đại sứ quán Nga đã được xác định rõ ràng là gián điệp của GRU và SVR - cơ quan tình báo quân sự và cơ quan tình báo nước ngoài của Nga.

Đồng thời, cảnh sát Czech hôm 17/4 đã công bố các bức ảnh của 2 công dân nước ngoài từng xuất hiện tại nước này, bao gồm cả nơi đặt kho đạn, trong khoảng thời gian từ ngày 11-16/10/2014 và yêu cầu người dân cung cấp bất kỳ thông tin nào về họ.

Cảnh sát Czech cho biết, 2 người đàn ông sử dụng tên Alexander Petrov và Ruslan Boshirov đã đến Prague bằng hộ chiếu Nga vài ngày trước vụ nổ kho vũ khí.

Danh tính và hình ảnh trùng khớp với 2 người này đã bị chính quyền Anh buộc tội vắng mặt vào năm 2018 vì cố tìm cách giết hại cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái ông ta bằng chất độc thần kinh Novichok ở Salisbury (Anh).

Thủ tướng Czech Babis cho biết trên truyền hình Czech TV là kho đạn bị nổ năm 2014 chứa số hàng đã được trả tiền và đang được cất giữ cho một nhà kinh doanh vũ khí người Bulgaria. Người này sau đó cũng trở thành mục tiêu bị ám sát.

Theo Reuters, Bulgaria từng khởi tố 3 người đàn ông Nga năm 2020 vì âm mưu giết thương nhân buôn bán vũ khí Emilian Gebrev. Truyền thông Czech xác định Emilian Gebrev và thương nhân người Bulgaria mua đạn dược nói trên là một.

Czech cho biết họ đã thông báo cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) về việc họ nghi ngờ Nga gây ra vụ nổ năm 2014, và các ngoại trưởng EU đã lên kế hoạch thảo luận về vấn đề này tại cuộc họp của họ trong ngày 19/4.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã khen ngợi phản ứng kiên quyết của Prague trước "các hành động lật đổ của Nga trên đất Czech".

Các nhân viên ngoại giao Nga mang vác hành lý, đồ đạc đứng ngoài cổng Đại sứ quán Nga ở London, Anh. (Nguồn: Reuters)

Khoét sâu mâu thuẫn giữa Nga và phương Tây

Đây là vụ việc gây mâu thuẫn lớn nhất giữa Prague với Moscow kể từ khi ảnh hưởng chi phối kéo dài nhiều thập kỷ của Liên Xô tại Đông Âu chấm dứt vào năm 1989.

Vụ việc cũng làm gia tăng căng thẳng giữa Nga và phương Tây nói chung, vốn bị châm ngòi bởi hoạt động củng cố quân đội của Nga tại biên giới phía Tây và ở Crimea, khu vực Moscow sáp nhập hồi năm 2014, sau khi nổ ra cuộc chiến giữa chính phủ và các lực lượng thân Nga ở phía Đông Ukraine.

Phía Nga cho rằng những cáo buộc của Czech là vô lý và gọi các vụ trục xuất là "sự tiếp tục của một loạt hành động chống Nga do Czech thực hiện trong thời gian nhiều năm gần đây".

Moscow cũng cáo buộc Prague "cố gắng làm hài lòng Mỹ" trong bối cảnh các lệnh trừng phạt gần đây của Mỹ đối với Nga.

Trước đó, ngày 15/4, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga với cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm ngoái, tiến hành các vụ tấn công mạng, chèn ép Ukraine và các hành động khác.

Ngày 18/4, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, Washington đã nói với Moscow rằng họ "sẽ gánh chịu hậu quả" nếu Alexei Navalny, nhân vật đối lập hàng đầu, chết trong tù, nơi ông ta đang tuyệt thực.

Ông Navalny được cho là từng thoát chết sau khi bị đầu độc bởi loại độc tố mà các chuyên gia phương Tây nói là Novichok.

Cũng trong ngày 15/4, Ba Lan, nước láng giềng của Czech, cho biết họ đã trục xuất 3 nhà ngoại giao Nga vì "thực hiện các hoạt động gây hại" cho Ba Lan, thể hiện sự đoàn kết với Mỹ.

Italy là một quốc gia khác đã trục xuất các nhà ngoại giao Nga trước đó trong tháng này, sau khi một thuyền trưởng hải quân bị bắt quả tang giao tài liệu mật cho một đặc vụ Nga.

Nga hoàn toàn bác bỏ các cáo buộc gián điệp và coi đó là một phần của "chiến dịch chống Nga" do Mỹ hoặc Anh tổ chức còn các nhà phân tích phương Tây lại nói rằng các hoạt động bí mật của Nga ở châu Âu đã đạt đến "đỉnh cao mới" sau Chiến tranh Lạnh.

(tổng hợp)