📞

Ngoại vụ địa phương ngày càng phát triển toàn diện

07:00 | 21/08/2016
Kể từ Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 17 (tháng 12/2013) đến nay, công tác đối ngoại địa phương đã phát triển toàn diện cả về bề rộng và chiều sâu, đóng góp quan trọng vào thành công chung của công tác đối ngoại đất nước.

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều chuyển biến phức tạp, khó lường, theo tinh thần Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương đẩy mạnh triển khai các hoạt động đối ngoại trên tất cả các lĩnh vực, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chung. 

Ngày càng chuyên nghiệp hóa

Trong trả lời báo chí về công tác ngoại vụ thời gian qua, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung khẳng định, công tác ngoại vụ địa phương thực sự đã có bước phát triển nhanh chóng, thay đổi về chất và ngày càng chuyên nghiệp hóa, tham mưu đắc lực cho lãnh đạo địa phương trong việc triển khai công tác đối ngoại trên địa bàn.

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung phát biểu khai mạc sự kiện “Gặp gỡ Israel” ngày 5/11/2015 tại Hà Nội. (Ảnh: Quang Hòa/TGVN)

Với 48 Sở Ngoại vụ và 15 Phòng Ngoại vụ, các địa phương đã triển khai tốt các cơ chế hợp tác song phương, cũng như cơ chế liên vùng/liên tỉnh với các đối tác nước ngoài. Cùng với việc ký mới 119 Thỏa thuận quan hệ hợp tác cấp địa phương với các đối tác nước ngoài, các tỉnh, thành phố đã ký kết 230 Bản ghi nhớ hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài nhằm tranh thủ nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Trong công tác ngoại giao kinh tế, dù kinh tế thế giới còn khó khăn nhưng thu hút đầu tư nước ngoài tại các địa phương vẫn đạt kết quả khả quan. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại các địa phương giai đoạn 2014-2015 và 6 tháng đầu năm 2016 đạt 51,53 tỷ USD. Mỗi năm giải ngân ước đạt khoảng 300 triệu USD từ nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Việc giao lưu hợp tác cấp địa phương với các nước cũng đã góp phần mở ra nhiều lĩnh vực và phương hướng hợp tác mới cho các địa phương như nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng tái tạo, ứng phó biến đổi khí hậu,…

Các địa phương đã chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Ngoại giao triển khai hiệu quả công tác văn hóa đối ngoại, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Trong hơn hai năm qua, Việt Nam đã vận động thành công UNESCO công nhận và tái công nhận 10 di sản văn hóa của địa phương; cấp phép cho hơn 1.100 đoàn phóng viên nước ngoài đến đưa tin quảng bá, giới thiệu các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thu hút lượng kiều hối đầu tư về nước đạt khoảng trên 26 tỷ USD.

Ngoài ra, để nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại, các tỉnh/thành đã cử 6.470 lượt cán bộ chủ chốt, cán bộ liên quan tham dự các Hội nghị, báo cáo chuyên đề, lớp cập nhật kiến thức đối ngoại, tập huấn kỹ năng biên phiên dịch do Bộ Ngoại giao tổ chức.

Các đại biểu tham dự sự kiện “Gặp gỡ Israel”. (Ảnh: Quang Hòa/TGVN)

Liên quan đến công tác biên giới lãnh thổ, các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra. Với Trung Quốc, Việt Nam đã ký Hiệp định tàu thuyền đi lại tự do tại khu vực tự do đi lại ở cửa sông Bắc Luân (Quảng Ninh), Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Cao Bằng) vào tháng 11/2015 và phối hợp tổ chức thành công Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện 3 văn kiện biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc (tháng 5/2016). Việt Nam cũng đã hoàn thành toàn bộ công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới trên thực địa với Lào và hiện đang tích cực triển khai công tác phân giới cắm mốc với Campuchia.

Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục duy trì tốt các mối quan hệ với chính quyền và các lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn, tạo điều kiện cho nhân dân biên giới qua lại thăm thân và giao thương hàng hóa; tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý thức chấp hành pháp luật của cư dân biên giới.

Đổi mới công tác hỗ trợ địa phương

Có được những thành công trên là nhờ đóng góp quan trọng của các đơn vị chức năng của Bộ Ngoại giao, trong đó đầu mối là Cục Ngoại vụ. Với phương châm, cơ quan ngoại vụ là “bộ phận không thể tách rời”, “cánh tay nối dài” của Bộ Ngoại giao tại các địa phương, trong hơn hai năm qua, song song với việc kiện toàn tổ chức bộ máy và định hình các nhiệm vụ công tác mới, “Cục Ngoại vụ đã triển khai nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, thực chất và hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho các địa phương trong công tác đối ngoại”, ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Ngoại vụ chia sẻ.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Ngoại vụ phát biểu tại Lễ bế giảng khóa bồi dưỡng kỹ năng biên phiên dịch, ngày 29/7/2015.

Cục Ngoại vụ và các đơn vị trong Bộ Ngoại giao triển khai, hỗ trợ địa phương trong tất cả các mặt: thông tin báo chí, văn hóa đối ngoại, lễ tân, lãnh sự, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài… Lãnh đạo Bộ, các vị Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài mới được bổ nhiệm thường xuyên đi thăm và làm việc tại địa phương để tìm hiểu tình hình, khả năng hỗ trợ địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Cục cũng đã xây dựng hành lang pháp lý; kiện toàn bộ máy làm công tác ngoại vụ và tích cực hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác đối ngoại chuyên nghiệp.

Từ 2014-2016, Cục Ngoại vụ đã tổ chức 5 hoạt động “Gặp gỡ Đại sứ” với Italy, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Israel và Hoa Kỳ; ký kết 9 Thỏa thuận hợp tác với các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài nhằm thúc đẩy hợp tác với các địa phương; 13 Tọa đàm/Gặp gỡ song phương giữa địa phương và Đại sứ quán, Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, đối tác nước ngoài; 2 Tọa đàm tư vấn địa phương với Nhật Ban, Hàn Quốc; 21 hội nghị, tọa đàm nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực hội nhập kinh tế của các địa phương, doanh nghiệp thu hút sự tham dự của khoảng 3.500 đại biểu…

Cục cũng là đơn vị đầu mối tập hợp, chủ trì,… báo cáo Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Chính trị về kế hoạch đoàn ra của lãnh đạo các địa phương cho năm sau; tham gia các Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch lớn mà một số địa phương đặt hàng với Bộ; tổ chức đoàn các thành phố, địa phương của Việt Nam tham dự Hội nghị lãnh đạo các địa phương trên thế giới; kiến nghị để địa phương tháp tùng và xây dựng chương trình cho địa phương tham gia một số đoàn Lãnh đạo cấp cao đi thăm nước bạn…

Một trong những điểm nhấn quan trọng thể hiện rõ sự đổi mới, thực chất trong hỗ trợ các địa phương hội nhập quốc tế được Cục Ngoại vụ triển khai là hỗ trợ kết nối với đối tác nước ngoài.

Để gắn kết giữa địa phương với các đối tác, Cục tổ chức nhiều hoạt động như: gặp gỡ Đại sứ, Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài... Các sự kiện này thu hút sự tham gia đông đảo, tích cực của các địa phương, giúp các địa phương hiểu, gắn kết, kết nối với đối tác để sau đó chủ động đi vào xây dựng các kế hoạch hợp tác cụ thể.

Việc kết nối địa phương với các đối tác có những đặc thù khác nhau, nhu cầu khác nhau nên khi thực hiện Cục dựa trên cơ sở chủ đề. Như cuộc kết nối với Israel, Cục chọn chủ đề “Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao”; với Nhật “Đâu là những điều kiện thuận lợi để thu đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam”… Với mỗi chủ đề và đối tác như vậy, Cục mời các địa phương tương ứng theo nhu cầu của địa phương. “Để làm được điều này, các cán bộ của Cục phải thực hiện nhiều công việc, đòi hỏi công sức đầu tư nghiên cứu, gặp gỡ, trao đổi”, ông Long nói.

Ông Nguyễn Hoàng Long khẳng định, trong thời gian tới, Cục Ngoại vụ sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ chế phối hợp nhanh hơn, tốt hơn và hiệu quả hơn, hình thành cơ chế phối hợp thường xuyên, thông tin hai chiều thông suốt giữa Bộ Ngoại giao, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan ngoại vụ địa phương. Cục cũng sẽ tiếp tục đồng hành với các địa phương trong xây dựng và định hướng công tác đối ngoại hàng năm trên tất cả các lĩnh vực, hỗ trợ địa phương trong công tác đào tạo cũng như về nghiệp vụ đối ngoại cụ thể… từ đó nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại địa phương, phục vụ phát triển và hội nhập, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.