📞

Ngôn ngữ - đường ngắn nhất đến nước bạn

14:00 | 30/04/2016
Gắn bó trọn sự nghiệp với ngành Ngoại giao, một trong những tài sản quý mà ông Phan Doãn Nam lưu giữ lại được là vốn ngoại ngữ. Ngôn ngữ không chỉ giúp ông thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà còn là cách để hiểu hơn về nước bạn.

Vào biên chế Bộ Ngoại giao từ đầu năm 1955 khi mới 19 tuổi, chàng thanh niên Phan Doãn Nam có vốn tiếng Anh rất non nớt. Ông chia sẻ: “Một chữ bẻ đôi tôi cũng không biết và nghề phiên dịch thì còn xa lạ hơn nhiều”...

Nghề phiên dịch - người thầy đầu tiên

Vừa “chân ướt chân ráo” vào ngành, ông Nam được phân công học lớp Phiên dịch tiếng Anh do Bộ mở để giúp Ủy ban Quốc tế trong việc thực hiện Hiệp định Geneva. Năm 1956, sau khi học xong, ông được cử sang công tác ở Tổng Lãnh sự quán Việt Nam mới được mở tại New Delhi, Ấn Độ, lúc đó Tổng lãnh sự là đồng chí Nguyễn Cơ Thạch.

Với khoảng 3.000 từ tiếng Anh được trang bị tại lớp Phiên dịch, khi sang Ấn Độ, ông Nam được phân công công tác thường trực. Ông vui vẻ nhận nhiệm vụ vì nghĩ rằng công việc này sẽ giúp ông có thêm nhiều thời gian để trau dồi ngoại ngữ thông qua giao tiếp với khách. Những khi không có khách, ông lại tranh thủ đem sách ra học. Thấy ông chăm chỉ, chịu khó, thủ trưởng Nguyễn Cơ Thạch thường xuyên thăm hỏi và động viên.

Ông Phan Doãn Nam (ngoài cùng, bên trái) làm phiên dịch cho Phó Lãnh sự quán Việt Nam tại Ấn Độ Nguyễn Tấn Cửu trong buổi tiếp kiến Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru vào năm 1960.

Ba tháng sau, ông được phân công làm thư ký riêng cho đồng chí Nguyễn Cơ Thạch. Nhiệm vụ của ông là báo cáo các hoạt động hàng ngày và làm phiên dịch cho Tổng Lãnh sự Nguyễn Cơ Thạch khi đi dự các cuộc chiêu đãi của Ngoại giao Đoàn. Theo ông, chủ ý của Tổng Lãnh sự khi phân công nhiệm vụ là tạo điều kiện giúp ông thực hành tiếng Anh thường xuyên hơn. Ở vị trí này, ông đã đi phiên dịch cho đồng chí Nguyễn Cơ Thạch khoảng 300 cuộc chiêu đãi. Công việc rất khó khăn nhưng ông luôn cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ. Ông Nam kể rằng, có buổi dịch ông không nhớ từ “con gà mái” là gì nên phải nói là “vợ con gà trống”. Cũng may là mọi người đã cười và bỏ qua cho ông, Thủ trưởng Thạch còn khích lệ ông là “dịch tốt lắm!”.

Ông Nam cho biết, ông Nguyễn Cơ Thạch luôn quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ và bồi dưỡng đội ngũ kế cận. Vì vậy, trong thời gian ông Nguyễn Cơ Thạch làm Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ như: cử đi học ở nước ngoài, mở lớp học trong nước, quy định biết ngoại ngữ là điều kiện bắt buộc để tuyển chọn, bồi dưỡng và đề bạt... Đặc biệt, Bộ trưởng đã ban hành Quy chế đi công tác luân chuyển nước ngoài, trong đó quy định trình độ ngoại ngữ mà mỗi loại cán bộ phải đáp ứng (thông qua các đợt kiểm tra do Học viện Ngoại giao tổ chức).

Những địa bàn “nở hoa”

Làm ngoại giao gắn chặt với chữ “địa bàn” và đây cũng là điều kiện giúp ông Phan Doãn Nam có thể giao dịch tốt bằng tiếng Anh, Nga, Pháp, Tây Ban Nha, thậm chí cả tiếng Trung...

Từ năm 1962 - 1967, khi được cử đi học ở Trường Đại học Quan hệ quốc tế Moscow (MGIMO), ông Nam bắt đầu làm quen với một ngôn ngữ hoàn toàn mới - tiếng Nga. Ông cho biết, bí quyết để học tốt tiếng Nga chính là đọc tiểu thuyết của Nga. Đọc xong một chương tiểu thuyết hay một bài thơ của Nga, có câu nói gì hay là ông ghi nhớ. Mỗi lần đi tiếp xúc, gặp tình huống phù hợp, ông Nam thường sử dụng luôn. Hơn nữa, âm nhạc và thơ Nga phong phú cũng giúp cho việc học tiếng của ông trở nên thú vị.

Ông Phan Doãn Nam sinh năm 1938, công tác tại Bộ Ngoại giao từ năm 1955 - 1999. Ông từng là Trợ lý của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp đối ngoại (nay là vụ chính sách đối ngoại), ... Sau thời gian nghỉ hưu vào năm 1996, ông còn làm cố vấn cho Học viện Ngoại giao trong vai trò giảng dạy Lịch sử Quan hệ quốc tế, giúp học viên làm các đề tài khoa học cũng như phát triển tờ báo của Học viện.

Ông Nam nhớ lại kỷ niệm một cuộc thi xếp loại ngay tại lớp học, ông đã làm một bài tiểu luận về nhà thơ nổi tiếng Vladimir Mayakovsky. Tại đây, ông đã quyết định biên dịch một bài thơ về tình yêu của Mayakovsky ra tiếng Việt và đọc cho các bạn học trong lớp nghe. Mọi người đều thấy thích thú với bài thơ tiếng Việt và bầu ông làm kiện tướng của cuộc thi.

Trong thời gian làm tùy viên tại Đại sứ quán Việt Nam ở Bắc Kinh từ năm 1967-1971, ông Nam lại có dịp được tiếp cận với tiếng Trung. Ông luôn cố gắng học hỏi và trải nghiệm bằng thực tế để có thể giao tiếp một cách tốt nhất. Cũng theo cách như vậy, khi làm người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở Mexico (từ năm 1992-1996) sau này, ông lại mang thêm về cho gia tài cá nhân một ngôn ngữ mới là tiếng Tây Ban Nha.

Một trải nghiệm khác nữa cũng giúp ích nhiều cho việc học ngoại ngữ của ông Nam là thời gian công tác tại Vụ I - chuyên theo dõi về Mỹ trong thời gian từ 1972 - 1975. Việc thường xuyên theo dõi tin tức quốc tế kết hợp đi phiên dịch về vấn đề bồi thường chiến tranh trong thực hiện Hiệp định Paris đã củng cố vốn ngoại ngữ cho ông. Ngoài ra, quá trình được phân công làm tin cho các lãnh đạo cũng như tiếp xúc nhiều đoàn khách đã giúp ông học hỏi được nhiều điều bổ ích.

Có lẽ, điều thuận lợi nhất là ông Nam được học ngôn ngữ ở chính địa bàn và luôn cố gắng giao tiếp với người bản xứ. Ông luôn chủ động kết bạn với cán bộ của đại sứ quán khác ở nước sở tại. Đây không chỉ giúp một nhà ngoại giao hiểu sâu về con người và đất nước khác, mà còn là cách giúp ông được tiếp nhận những thông tin trực tiếp và đáng tin cậy nhất.

Ngôn ngữ cũng có vị riêng

Khi được hỏi về điều kiện học ngoại ngữ ngày nay, ông Nam cho rằng, giới trẻ ngày nay nói tiếng nước ngoài rất tốt vì có phương tiện học và môi trường giao tiếp thuận lợi hơn. Ngày trước, các cán bộ học ngoại ngữ chủ yếu phải tự học và tự trau dồi, việc tiếp nhận thông tin qua truyền thông rất hiếm hoi, ví dụ như nghe đài nhiều khi cũng phải nghe lén...

Tuy học trong điều kiện khó khăn như vậy, nhưng theo ông, học nhiều ngôn ngữ cùng lúc lại bổ sung và hỗ trợ nhau rất nhiều. Điều quan trọng là cần phải phân biệt được sự giống và khác nhau giữa các ngôn ngữ cũng như cần tìm ra cái hay của mỗi ngôn ngữ.

Để thông thạo nhiều thứ tiếng, ông Nam phải đọc nhiều sách để so sánh các ngôn ngữ với nhau. Với ông, mỗi ngôn ngữ có sắc thái riêng như tiếng Anh đơn giản, tiếng Pháp khó, tiếng Nga chặt chẽ nhưng thú vị, tiếng Tây Ban Nha phát âm rõ và âm điệu đầy lãng mạn... Ông chia sẻ, cảm nhận được cái hay và cái chất của mỗi ngôn ngữ cũng là con đường ngắn nhất để có thể chạm đến nước bạn.