📞

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao giai đoạn 1997-2003 Phan Thúy Thanh: Trân quý phóng viên như đồng nghiệp

Phan Thúy Thanh 10:00 | 20/11/2020
Tôi thường bắt đầu buổi họp báo bằng một nụ cười và nhìn vào tất cả các nhà báo và đại diện sứ quán...
Bà Phan Thúy Thanh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam giai đoạn 1997-2003.

Cho đến ngày hôm nay, khi đã rời cương vị Người phát ngônđược 17 năm, nhưng mỗi khi nhớ lại trong tôi vẫn hình dung rất rõ không khí của những cuộc họp báo thời ấy, tại căn phòng rất giản dị ở tầng 1, số 7 Chu Văn An.

Cũng có lẽ bởi căn phòng ấy có diện tích vừa phải nên khi bước chân vào phòng họp báo là một cảm giác thân quen mặc dù chỉ độ mươi phút trước là cảm giác cực kỳ hồi hộp.

Tôi thường cố gắng bắt đầu buổi họp báo bằng một nụ cười và nhìn vào tất cả các nhà báo và đại diện sứ quán đến tham dự, giao tiếp bằng mắt với họ...

Cuộc sống của tôi thời đó với tư cách Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao là cuộc sống trong tin tức, các sự kiện và các chuyến đi công tác trong nước và nước ngoài.

Thời đó, từ năm 1997-2003, mạng xã hội chưa phát triển như hiện nay, cơ sở vật chất và điều kiện thông tin cũng như việc truyền tải thông tin đến Việt Nam và ra ngoài của Việt Nam còn rất hạn chế.

Do vậy, việc tranh thủ và sử dụng phóng viên nước ngoài như một kênh đặc biệt để truyền tải, thông tin về Việt Nam vô cùng được coi trọng.

Lực lượng phóng viên nước ngoài ở Việt Nam khi đó tương đối đông, có thể đông nhất kể từ khi mở cửa. 27 Văn phòng thường trú tại Việt Nam của Mỹ, Tây Âu, châu Âu, Nhật Bản, Đông Nam Á đại diện cho tất cả các hãng thông tấn lớn như AP, AFP, Reuters, Kyodo, DPA, BBC tiếng Anh; Los Angeles Times, Tạp chí Kinh tế Viễn Đông (FEER), Ashahi (Nhật Bản), Tân Hoa Xã, Bloomberg, Dow Jones, Newswire…

Ngoài ra, hồi đó hằng năm còn có khoảng gần 2.000 phóng viên vào Việt Nam hoạt động ngắn hạn hoặc theo các sự kiện lớn.

Chúng tôi có tổng kết và thấy rằng, thông thường mỗi hãng tin lớn thường đưa 2-5 tin/ngày về Việt Nam. Như vậy, trung bình một năm có khoảng 1.000 đến 1.200 tin về Việt Nam.

Họ đã góp phần không hề nhỏ vào việc truyền tải hình ảnh một nước Việt Nam đang vươn lên và đặc biệt đang hội nhập vào nền kinh tế thế giới, thu hút đầu tư nước ngoài.

Sau mỗi cuộc họp báo, đa số phóng viên phương Tây đều muốn nán lại vài phút để hỏi thêm và riêng một vài câu hỏi để có được câu trả lời “độc quyền” cho bài viết hoặc quay hình.

Đây cũng là thời điểm họ sẵn sàng đưa ra mọi loại câu hỏi mà không ngại bị “quá nhiều” đồng nghiệp soi mói hoặc tường thuật lại.

Biết như vậy, bao giờ tôi cũng nán lại hoặc để trao đổi thêm hoặc để trả lời riêng cho một phóng viên nào đó, dần dà hình thành một nếp làm việc không chính thức song rất hiệu quả như vậy.

Phóng viên Việt Nam và phóng viên nước ngoài, đặc biệt là những phóng viên thường trú ở Việt Nam là một phần quan trọng của cuộc sống và công việc của tôi trên cương vị Người phát ngôn.

Tôi rất trân trọng và quý mến họ, và đều cố gắng ở mức cao nhất để có thể giúp đỡ cũng như giải tỏa thắc mắc cho họ trong khả năng của mình.

Nói về họp báo, có thể nói khâu chuẩn bị là khâu quyết định một nửa thành công của cuộc họp báo. Việc chuẩn bị các vấn đề sẽ giúp Người phát ngôn chủ động thông tin, tính toán thông điệp chính.

Đối với tất cả các sự kiện, sự việc mà Người phát ngôn cảm thấy quan trọng, cần cố gắng thu thập nhiều dữ liệu nhất có thể, cố gắng tìm ra câu trả lời thích hợp, đáp ứng nhu cầu thông tin, giải tỏa vướng mắc hoặc vu cáo của đối phương.

Tiếp sau mỗi buổi họp báo chính thức là lúc cá nhân cảm thấy nhẹ nhõm được một chút nhưng liền sau đó phải theo dõi xem phản ứng của dư luận đối với những thông tin và trả lời của mình trong buổi họp báo đó thế nào.

Các buổi tối thứ Năm của tôi là như vậy!

Giờ đây, tôi vẫn luôn yêu và trân quý tất cả những ký ức một thời khi làm Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, đó là may mắn, là cơ duyên và là một trong những quãng đời sự nghiệp tôi không thể quên!