📞

Nguyên nhân tử vong do Covid-19 cao bất thường ở Iran

Minh Châu 20:53 | 26/02/2020
TGVN. Tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở Iran khoảng 16%, cao bất thường so với các quốc gia và vùng lãnh thổ đã xuất hiện chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2).    
Thứ trưởng Y tế Iran Iraj Harirchi xuất hiện tại họp báo với chiếc khăn giấy lau mồ hôi trên trán. (Nguồn: Theaustralian)

Iran đã trở thành quốc gia bên ngoài Trung Quốc có số ca tử vong cao nhất do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Tỷ lệ tử vong ở Iran cao bất thường so với 39 quốc gia và vùng lãnh thổ đã phát hiện bệnh, kể cả ở vùng tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc.

16% và 2%

Con số 16% so với chỉ hơn 2% ở Trung Quốc, khiến nhiều người đặt câu hỏi về cách Chính phủ Iran xử lý khủng hoảng y tế công cộng và sự minh bạch về mức độ bùng phát dịch bệnh tại quốc gia này.

Người phát ngôn của Bộ Y tế Iran Kianoosh Jahanpour ngày 26/2 cho biết, 15 người Iran đã chết trong tổng số 95 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Chỉ ít giờ sau, kênh Truyền hình Nhà nước cập nhật thông tin cũng từ Bộ Y tế nước này, theo đó, tổng số người chết do Covid-19 ở Iran đã lên 19 và ghi nhận 139 trường hợp nhiễm bệnh.

Tính đến chiều 26/2, tại Trung Quốc - nơi phát hiện các ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên vào tháng 12, đã có 2.763 trường hợp tử vong, trong tổng số 80.996 người được xác nhận đã nhiễm bệnh. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, tại tâm dịch ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, tỷ lệ tử vong được báo cáo ước tính khoảng 2%. Tại Hàn Quốc, 12 bệnh nhân đã chết trong số gần 1.300 trường hợp nhiễm bệnh, tỷ lệ tử vong vào khoảng 1%. Còn tỷ lệ tử vong được công khai ở Iran là khoảng 16% - vượt xa các quốc gia và vùng lãnh thổ khác một cách đáng kể.

Tại sao tỷ lệ tử vong vì Covid-19 tại Iran lại cao đột biến như vậy? Có gì bất thường không?

Trong bối cảnh khẩu trang và chất khử trùng tay không phải là mặt hàng luôn sẵn có trong các cửa hàng, các chuyên gia y tế công cộng cho rằng, Iran có thể trở thành trung tâm bùng phát đại dịch trên khắp Trung Đông, đặc biệt là các vùng biên giới với các quốc gia vẫn đang chìm trong bất ổn, chiến tranh hoặc trong tình trạng hỗn loạn.

Các nhà chức trách Iran đã xác nhận trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên tại Thành phố Qom vào tuần trước và chủng virus corona nguy hiểm này đã nhanh chóng lan sang ít nhất 7 tỉnh khác. Các quốc gia khác trong khu vực, như Iraq, Kuwait, Oman và Afghanistan, đã báo cáo các trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên và từ thông tin được cung cấp đều cho thấy, các bệnh nhân này gần đây đều đã ghé qua Iran.

Trong khi các tin tức về dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc vẫn còn gây ít nhiều tranh cãi, nhiều người cũng đã đặt câu hỏi về bức tranh đầy đủ, chính xác về dịch Covid-19 tại Iran. Các số liệu chưa rõ ràng và dữ liệu về những người được kiểm dịch bị đặt nghi vấn. Theo thông tin từ người đứng đầu Đại học Y khoa Thành phố Qom Mohammad Reza Ghadir, hiện các xét nghiệm, chẩn đoán liên quan đến SARS-CoV-2 đều đang được thực hiện ở Tehran.

Một số chuyên gia y tế quốc tế cho rằng, báo cáo về tổng số trường hợp nhiễm bệnh ở Iran có thể đã không phản ánh đúng tình hình, đã vô tình tạo ra sự chênh lệch quá lớn về tỷ lệ tử vong so với các quốc gia khác. Điều đó có thể là do Tehran đang bỏ lỡ các trường hợp ít nghiêm trọng hơn trên khắp đất nước chỉ vì phương pháp xác định, kiểm tra và chẩn đoán bệnh nhân, hoặc vì cách chia sẻ thông tin hay thiếu thiết bị, vật tư y tế.

"Đây có thể là một thiếu sót trong báo cáo", Yanzhong Huang - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe Toàn cầu tại Đại học Seton Hall, đồng thời là thành viên cao cấp về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nhận định. Ông cho rằng, số liệu về các trường hợp nhiễm bệnh có thể đã bị tụt quá xa so với báo cáo về những cái chết."

Che dấu hay chủ quan?

Giáo sư, Tiến sĩ William Schaffner, chuyên gia về Y học dự phòng và các bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm y tế Đại học Vanderbilt cho biết, việc làm thể nào để tìm ra số người đã nhiễm bệnh ở Iran còn khá mơ hồ. Để tìm được chính xác nhất số bệnh nhân Covid-19 đòi hỏi phải mạo hiểm, đến tấn các thị trấn và làng mạc để tiến hành xét nghiệm, chứ không chỉ đơn giản là dựa vào số người đến các bệnh viện lớn khi có các triệu chứng nghiêm trọng.

Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Iran được đánh giá khá tốt và tương đối tiên tiến. (Nguồn: Nbcnews)

"Điều đó có nghĩa là, công tác rà soát phải chặt chẽ, phải gõ cửa từng nhà, từng khu phố và thực sự quyết liệt tìm kiếm các trường hợp nghi nhiễm bệnh", TS. Schaffner đưa ra quan điểm trong một cuộc phỏng vấn. "Tôi không biết họ có khả năng đó hay không. Nhiều quốc gia không làm như vậy vì họ không có truyền thống đó trong hệ thống y tế công cộng. Việc rà soát bệnh nhân khắt khe như vậy là một điều rất mới đối với họ", William Schaffner cho biết.

Schaffner cũng đưa ra một khả năng khác khiến tỉ lệ tử vong ở Iran cao là SARS-CoV-2 đã tấn công vào một cộng đồng nhiều người cao tuổi. Họ thường có các bệnh mãn tính, đó là những người dễ gặp nguy hiểm nhất nếu bị Covid-19 tấn công.

Một trường hợp ít có khả năng xảy ra là các bệnh viện Iran đã thất bại và bệnh nhân không được chăm sóc y tế cần thiết, TS. Schaffner phân tích. Nhưng ông nghi ngờ điều đó, bởi hệ thống chăm sóc sức khỏe của Iran được đánh giá khá tốt và tương đối tiên tiến.

Tiến sĩ John Torres, chuyên trách mảng y tế của NBCNews cho rằng, hiện chưa có bằng chứng về sự đột biến của SARS-CoV-2, vì vậy, lời giải thích cho tỷ lệ tử vong cao hơn hẳn chỉ có thể liên quan đến cách người Iran theo dõi tình hình dịch bệnh ở nước mình.

Truyền thông Nhà nước Iran ngày 25/2 cho biết, một Nghị sỹ và một Thứ trưởng Bộ Y tế nước này đã được xác định dương tính với SARS-CoV-2. Điều đáng nói là Thứ trưởng Y tế Iraj Harirchi, chính là một trong những người thuộc tuyến đầu chống Covid-19 ở đất nước này. Ông được phát hiện nhiễm bệnh sau một cuộc họp báo với dáng vẻ sốt sắng và chiếc khăn giấy để lau mồ hôi lấm tấm trên trán. Ông không đeo khẩu trang, trong khi phát ngôn viên của Bộ này đứng cạnh và bày tỏ tin tưởng về phản ứng của chính phủ đối với việc xử lý dịch bệnh. Trước đó, ông Harirchi cũng đã ho khan rất nhiều trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình.

"Đây là một loại virus dân chủ. Nó không phân biệt giàu nghèo, mạnh, yếu. Nó có thể lây nhiễm cho tất cả mọi người. Tôi nói điều này từ tận đáy lòng. Hãy tự chăm sóc bản thân", Thứ trưởng Harirchi đã nói như vậy sau khi chẩn đoán nhiễm bệnh của ông được công khai.

Còn trước đó, Thứ trưởng Y tế Iran Harirchi đã phản ứng gay gắt khi một chính trị gia Iran cáo buộc số người chết ở Thành phố Qom cao hơn nhiều so với con số chính phủ đưa ra.

Diễn biến ở Iran đã khiến không ít người đặt câu hỏi về cách quốc gia Trung Đông này quản lý khủng hoảng. Và những số liệu hiện tại càng khiến cho người ta nghi vấn về các thông tin được công bố với công chúng và phần còn lại của thế giới.

(theo NBCNews, Aljazeera)