Nhỏ Bình thường Lớn

Nhà báo Đức: Việt Nam có đội ngũ chuyên môn vững, chính phủ kiên quyết và một chiến lược chủ động để chống Covid-19

Theo nhà báo Đức Johannes Giesler, thành công trong ứng phó với đại dịch của Việt Nam xuất phát từ việc nước này có một đội ngũ chuyên môn y tế vững, một chính phủ hành động kiên quyết và một chiến lược ngăn ngừa chủ động, trước hết dựa trên các xét nghiệm rộng rãi, truy vết tiếp xúc và cách ly nghiêm ngặt.
Nhà báo Đức: Việt Nam có đội ngũ chuyên môn vững, chính phủ kiên quyết và một chiến lược chủ động để chống Covid-19
Nhà báo Đức Johannes Giesler đánh giá cao công tác phòng chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam.

Trên trang tin Yahoo Nachrichten, nhà báo Đức Johannes Giesler có bài viết đánh giá cao công tác phòng chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam, nhấn mạnh rằng với những biện pháp rõ ràng và kiên quyết trong cách ly các trường hợp lây nhiễm, nghi nhiễm và truy vết tiếp xúc, Việt Nam đã dễ dàng vượt qua làn sóng lây nhiễm thứ ba.

Mở đầu bài viết, tác giả đề cập công tác phòng chống dịch ở Đức. Sau một thời gian dài đàm phán và thương lượng, chính phủ liên bang và chính quyền các bang cuối cùng đã thống nhất kéo dài lệnh phong tỏa đến ngày 18/4 tới. Đã có những quy định nghiêm ngặt trong dịp lễ Phục sinh mà không có ngoại lệ như vào dịp Giáng sinh cuối năm 2020. Trong khi đó, số ca lây nhiễm mới và số ca phải điều trị tích cực đã gia tăng trở lại. Tại hầu hết các bang, số giường chăm sóc tích cực còn trống chỉ còn dưới 15%, thậm chí một số bang chỉ còn dưới 10%.

Tác giả bài báo cho rằng nếu muốn tìm kiếm những thông tin tích cực trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 vào lúc này thì có thể nhìn sang Việt Nam, quốc gia đã vượt qua được làn sóng lây nhiễm thứ ba trong vòng chưa đầy hai tháng. Đến nay Việt Nam ghi nhận khoảng 2.500 ca nhiễm và 35 ca tử vong.

Để có được thành tích này, Việt Nam đã có chiến lược "ZeroCovid", trong đó điều quan trọng không phải là "đại dịch tiếp tục có kiểm soát mà là chấm dứt đại dịch". Do vậy, để không còn trường hợp lây nhiễm, Việt Nam đã áp đặt phong tỏa cục bộ nghiêm ngặt kéo dài cả tuần không có ngoại lệ. Qua đó, cuộc sống đã trở lại bình thường và có thể dễ dàng truy vết tiếp xúc các trường hợp mắc Covid-19. Năm ngoái, Việt Nam cũng đã thành công đẩy lùi làn sóng lay nhiễm thứ hai và do vậy có thể phản ứng một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn với làn sóng lây nhiễm thứ ba vào cuối tháng 1.

Về kinh nghiệm ứng phó với đại dịch, tác giả dẫn nghiên cứu của Đại học Oxford cho biết thành công trong ứng phó với đại dịch của Việt Nam xuất phát từ việc nước này có một đội ngũ chuyên môn y tế vững, một chính phủ hành động kiên quyết và một chiến lược ngăn ngừa chủ động, trước hết dựa trên các xét nghiệm rộng rãi, truy vết tiếp xúc và cách ly nghiêm ngặt. Các trường hợp mắc Covid-19 được theo dõi kỹ và được truy vết tới 3 vòng tiếp xúc. Điều này dẫn tới việc hàng trăm nghìn người, gồm cả du khách nước ngoài, có tiếp xúc với người nhiễm bệnh đã phải cách ly và việc cách ly không chỉ được thực hiện tại gia mà cả ở các cơ sở nhà nước. Bằng cách này có thể tránh lây nhiễm thêm trong gia đình, cũng như có thể kiểm soát việc tuân thủ cách ly. Nếu có những đợt bùng phát lớn, toàn bộ khu vực ngay lập tức được phong tỏa, chẳng hạn như thành phố Đà Nẵng vào tháng 7 và tháng 8/2020 và trong thời gian này, Chính phủ Việt Nam thông báo rất thường xuyên cho người dân về diễn biến của đại dịch.

Ngoài ra, người dân Việt Nam đã trải qua cuộc chiến chống đại dịch SARS năm 2003 cũng như dịch cúm gia cầm năm 2004 và 2010. Chính phủ có thể nhanh chóng thông qua các quyết định chống dịch chỉ trong vài ngày, trong khi những nước khác có thể mất hàng tuần. Những biện pháp đầu tiên, như đeo khẩu trang nơi công cộng, điều chỉnh đời sống xã hội, hạn chế di chuyển thậm chí được thực hiện trước khi trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên được xác nhận ở Việt Nam. Không lâu sau đó, Việt Nam đã đóng cửa các trường học, hạn chế nhập cảnh từ Trung Quốc và khu vực Schengen cũng như hủy bỏ hàng loạt sự kiện lớn. Thời điểm đưa ra những quyết định sớm và quyết liệt như vậy khi Việt Nam mới chỉ ghi nhận 5 ca bệnh, điều khó có thể tưởng tượng được ở những nước khác.

Bên cạnh đó, người dân Việt Nam cũng biết rõ về tầm quan trọng của các biện pháp vệ sinh dịch tễ và có cơ sở hạ tầng sẵn sàng cho việc cách ly số lượng lớn. Tính đến cuối năm ngoái đã có 10,2 triệu người ở Việt Nam thực hiện cách ly, trong đó khoảng 50% là cách ly tại các cơ sở công. Việt Nam đã đặt ra một lộ trình rõ ràng trong việc chống lại đại dịch ngay từ ngày đầu tiên.

Theo tác giả, ở Việt Nam không bao giờ có bất kỳ cuộc tranh luận nào về khả năng miễn dịch cộng đồng, không có cuộc mít-tinh nào mà mọi người không đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu, cũng như không có hoài nghi về hiệu quả của tiêm phòng hoặc các biện pháp vệ sinh dịch tễ. Tác giả kết luận làn sóng lây nhiễm thứ ba bắt đầu tại Việt Nam vào ngày 28/1 và nay đã kết thúc.

TIN LIÊN QUAN
Covid-19 ở Việt Nam chiều 2/4: Thêm 3 ca mắc mới tại Quảng Ninh, Tây Ninh và TP. Hồ Chí Minh; tổng cộng 2.620 bệnh nhân
Tiêm vaccine Covid-19 nhiều vận động viên thi đấu quốc tế
Việt Nam tiếp nhận vaccine Covid-19 từ chương trình COVAX của chính phủ Hoa Kỳ
Du lịch thực tế ảo 'lên ngôi' thời đại dịch
Cập nhật Covid-19 ngày 2/4: Lễ Phục sinh buồn ở châu Âu; nhiều nước 'siết' quy định với người nhập cảnh; Lào nhận vaccine viện trợ từ Trung Quốc

(Theo TTXVN/Yahoo Nachrichten)