|
Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Chấm phá văn học cổ đại Hy Lạp (Kỳ 2) |
|
Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Chấm phá văn học cổ đại Hy Lạp (Kỳ 1) |
Những đối thoại (thế kỷ V-IV TCN) là tổng hợp những trước tác của Platon. Tư tưởng triết học của Platon được trình bày dưới hình thức đối thoại của sư phụ Sokrates với các đồ đệ. Có 28 đối thoại được công nhận đúng là của Platon, xếp thành ba loại theo thứ tự thời gian: thời thanh niên, thời trưởng thành và thời già cả.
Theo Platon, thế giới của Ý niệm (Idea) có trước, sinh ra thế giới những vật thể (mỗi vật thể chẳng qua chỉ là cái bóng của một ý niệm (ví dụ: cái cây, con ngựa,... chỉ là cái bóng của một ý niệm cây, ý niệm ngựa...). Chúng ta có thể dùng giác quan mà biết vật thể, nhưng tri thức bằng cảm giác không chân thật. Muốn có tri thức chân thật phải có sự hồi tưởng của linh hồn để nhớ lại thế giới ý niệm. Linh hồn đã quan sát thế giới ý niệm trước khi trú ngụ ở xác thân. Những đối thoại quan trọng nhất trong tác phẩm là:
- Phaidon kể về Sokrates: trước khi chết, bàn về sự bất tử của linh hồn qua những học thuyết về ý niệm và hồi tưởng.
- Crito thảo luận về sự tôn trọng luật pháp.
- Chế độ cộng hòa (Hệ Politeia) miêu tả chính thể Cộng hòa mẫu mực, xây dựng trên lý tưởng công bằng và trật tự hài hòa, có ba “giai cấp” (thủ công và nông dân, chiến binh, viên chức tư pháp). Chỉ có những “triết gia - vua” biết rõ cái chân và cái thiện mới trị dân được. Như vậy, quý tộc có khả năng cai trị nhất; phải tránh xa cả dân chủ lẫn bạo quyền.
- Symposium (Bữa tiệc) trình bày quan niệm của Platon về tình yêu. Đó là một cái gì giữa người trần và thần minh, giữa dốt nát và hiểu biết, giữa hoài bão bất tử và cái đẹp tự thân.
***
Aristoteles (384-322 TCN): triết gia, “nhà tư tưởng vĩ đại nhất của cổ đại” phương Tây. Tác phẩm tiêu biểu nhất của ông là Thi pháp.
Thi pháp (Peri poetikes-344 TCN) là chuyên luận đầu tiên về phê bình ở châu Âu, đến nay chỉ còn giữ được một phần. Từ cổ Hy Lạp Poiesis có nghĩa rộng hơn thi ca và bao gồm nghệ thuật nói chung. Ở châu Âu, cuốn Thi pháp hầu như ít được biết đến trong thời Trung cổ. Nhưng đến giữa thế kỷ XVI, nó nổi bật lên, có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành nền văn học cổ điển mới (bắt chước văn học cổ đại Hy Lạp - La Mã).
Tác phẩm chia làm hai quyển: quyển đầu (còn giữ được) đi sâu vào tinh túy của thơ - sự bắt chước tự nhiên tạo nên sự vật đẹp hơn. Tác giả nghiên cứu nguồn gốc các thể loại, phân biệt anh hùng ca và bi kịch. Bi kịch được coi là thể loại cao nhất, nó nhằm bắt chước hành động gây cho người xem sự sợ hãi hay thương cảm để gạt bỏ dục vọng, đồng thời, cảm thấy thích thú thẩm mỹ.
Tác giả bàn về 6 yếu tố của bi kịch: cốt truyện, nhân vật, tư tưởng, diễn xuất, âm nhạc và đạo diễn. Nội dung phải dựa vào cái có thể là thực, chứ không phải cái có thực. Mỗi vở bi kịch chỉ được có một hành động xảy ra trong một ngày (về sau, đến thế kỷ XVI, bi kịch cổ điển Tây Âu mới thêm yếu tố không gian: hành động xảy ra ở một nơi, do đó hình thành luật Tam Nhất).
***
Plutarkhos (khoảng năm 46-119): nhà văn, với tác phẩm nổi tiếng: Những cuộc đời xếp song song. Đây là tác phẩm sử học cổ Hy Lạp, gồm 46 tiểu sử (xếp cạnh nhau thành đôi) của những nhân vật Hy Lạp và La Mã để tiện bề so sánh (ví dụ: hai nhà thao lược Alexandre Đại Đế và Caesar...). Tác phẩm đề cao dân tộc, có ý chứng minh là ngay trong nghệ thuật trị dân và chinh phục, người Hy Lạp không kém người La Mã.
Plutarkhos chú trọng miêu tả tính chất nhân vật (tâm lý xã hội, cách sống) hơn là những sự kiện lớn. Ý đồ giáo huấn mạnh hơn nghiên cứu lịch sử khách quan. Tác phẩm của Plutarkhos (còn gọi là: Cuộc đời những nhân vật nổi tiếng) có ảnh hưởng đến những nhà văn châu Âu như Amyot, Montaigne, Shakespeare và nền văn học cổ điển Đức.
***
Hera kleitos (thế kỷ VI-V TCN): nhà triết học duy vật, ông tổ của biện chứng luận hiện đại. Tác phẩm tiêu biểu nhất là Sự tự nhiên.
Sự tự nhiên (khoảng 500 TCN) là tác phẩm triết học, một trong những trước tác đầu tiên bằng văn xuôi cổ đại Hy Lạp (đến nay chỉ còn giữ được một số đoạn). Viết bằng văn phong tiên tri, nhằm khẳng định hơn là giải thích chân lý.
Theo nhà triết học Hera Kleitos, mọi vật biến đổi không ngừng theo những quy luật khách quan. Tất cả đều sinh ra trong đấu tranh và tất yếu phải sinh ra. Tính tất yếu nội tại ấy gọi là Logos. Người ta không thể tắm hai lần trên cùng một con sông, ý này của Hera Kleitos nhấn mạnh là hiện thực luôn luôn chuyển động. Hera Kleitos quả xứng đáng được coi là ông tổ của tư duy biện chứng hiện đại.
|
Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Phác họa văn hóa phương Tây (kỳ cuối)
TGVN. Đạo Kito khác đạo Do Thái ở chỗ nó đề cao tuyệt đối đức tin và nội tâm. Mặc cảm tội lỗi là một ... |
|
Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Phác họa văn hóa phương Tây (kỳ I)
TGVN. Văn hóa phương Tây có ba yếu tố: chủ nghĩa nhân văn cổ Hy Lạp - La Mã, yếu tố Do Thái - Kito ... |
|
Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Malraux nghĩ gì?
TGVN. Sau khi chứng kiến sự ngu xuẩn của chiến tranh, Malraux nhận thấy nền văn minh châu Âu đã đi đến chỗ bế tắc, ... |