|
Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Văn học Hy Lạp hiện đại (Kỳ 2) |
|
Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Chấm phá văn học cổ La Mã (Kỳ 3) |
Filippo là bi kịch viết về vua Filippo II Tây Ban Nha, điển hình cho tham vọng quyền lực không bờ bến, cuồng bạo. Filippo bóp nghẹt vợ và hai con trai bởi tham vọng của mình. Chuyện kể về cuộc hôn nhân của Filippo với người yêu của chính con mình, do đó gây ra cái chết của cặp tình nhân trẻ. Alfieri viết 19 vở bi kịch theo đúng nguyên tắc kịch cổ điển, đó là miêu tả những bạo chúa và cả những nạn nhân của sự áp bức chính trị hoặc đạo lý. Ông là ông tổ của bi kịch cổ điển và ái quốc Italy.
***
Alvaro Corrado (1895-1956): là nhà viết truyện và tiểu thuyết (mâu thuẫn thành thị và nông thôn, hiện thực pha huyền ảo). Tác phẩm chính: Những người ở Aspromonte (1930), tập truyện; Thời thơ ấu ngắn ngủi (1946).
Những người ở Aspromonte là tập truyện hiện thực, miêu tả đời sống khổ cực của nông dân vùng quê hương Alvaro ở Calabria, miền Nam nước Italy. Sách được giải thưởng văn học lớn “La Stampa”, dù bị chính phủ phát xít chỉ trích. Trong không khí phát xít ngột ngạt, tác phẩm giàu tính trữ tình mà lại hiện thực, phản ánh một sự lầm than biết tự trọng dẫn đến nổi dậy, gây lòng trắc ẩn, thương cảm.
Cuốn sách lấy tên truyện dài nhất: Những người ở Aspromonte. Bác chăn cừu Argiro bị tên lãnh chúa ở làng là Mezzatesta đuổi, phải làm đủ việc để sinh sống (vợ bác phải đi ở). Bác dành tiền mua được một con la đi chở hàng thuê. Bác cho con trai thứ Benedetto đi học trường dòng để sau vươn lên làm linh mục, một nghề rất được tôn trọng ở miền núi.
Người anh trai của Benedetto là Antonello cũng phải đi làm xa lấy tiền đóng góp cho em ăn học. Nhưng bác Argiro bị mọi người ghét vì hay khoe con đi học. Bọn con cháu lãnh chúa đốt chuồng la, con vật bị thui. Bác Argiro mất công cụ làm ăn. Antonello một mình phải kiếm tiền cho em, bị suy nhược, phải bỏ việc về làng. Ức quá, anh đốt trang trại lãnh chúa, rồi bỏ vào rừng sống đời hảo hán, bênh vực người nghèo. Cuối cùng, anh bị bắt.
Thời thơ ấu ngắn ngủi là tiểu thuyết kể về những tháng năm học hành của cậu bé Rinaldo. Đây là một tác phẩm độc đáo, phản ánh những vấn đề đạo lý và văn hóa của miền Nam nước Italy khoảng đầu thế kỉ XX. Nó đặc biệt lên án tính dối trá, giả đạo đức của xã hội.
Một người cha huênh hoang gửi con (Rinaldo) lên tỉnh học một trường trung học khá đắt tiền do các linh mục quản lý. Ở trường, Rinaldo và các học trò khác luôn luôn bị canh gác đề phòng tình dục làm hư, phụ nữ bị coi là nhơ bẩn đến mức Rinaldo không dám ôm hôn cả mẹ của mình. Không khí ngột ngạt: Rinaldo vừa chịu đựng vừa ấm ức, muốn nổi dậy.
Cuối cùng cậu bị đuổi vì trao đổi thư từ sôi nổi với một thiếu nữ đôi khi xuất hiện ở cửa sổ. Khi về làng, Rinaldo không còn có tâm hồn thanh khiết hồn nhiên để đắm mình vào thiên nhiên như trước nữa. Anh gặp toàn những người gàn dở, cả một vị linh mục trác táng. Rinaldo khám phá ra dục tình. Anh bỏ làng ra đi cùng một người chăn chiên và vợ anh ta là con hoang của bố Rinaldo.
***
Aretino Pietro (1492-1556) là nhà văn chuyên viết văn đả kích, phóng đãng. Tác phẩm chính: Gái giang hồ (1534) và Ragionamenti (1534-1538).
Gái giang hồ là hài kịch miêu tả La Mã trác táng, phê phán triều đình Giáo hoàng. Bố cục lỏng lẻo, Aretino đã đưa lên sân khấu để nhạo báng cả người ma quái lẫn người ngây thơ, quý tộc và thường dân, chủ và tớ, nhà tu hành Thiên Chúa giáo và người Do Thái. Maco, dân tỉnh lẻ, biết ít chữ, đến La Mã với hy vọng trở thành bầy tôi triều đình, rồi leo lên chức giám mục. Anh ta ngu đần lại huênh hoang nên bị lừa lọc, chế giễu (có kẻ lừa cho tắm hơi xoa bóp để có dáng thanh lịch...).
Parabolano, một nhà quý tộc khoe khoang, mê một vị phu nhân đẹp, tên hầu của Parabolano lập mưu cũng một mụ làm mối cho chủ ngủ với vợ một người làm bánh mì. Parabolano nhận ra là không phải vị phu nhân thì cười khì và mời cả mọi người (người làm bánh mì, Maco...) cùng cười cho hài kịch khỏi biến thành bi kịch.