Machado Y Ruiz Antonio (1875-1939) là một nhà thơ lãnh đạo “Thế hệ 98” đứng về phía Cộng hòa chống phát-xít. Tác phẩm: Hiu quạnh (1903), Đồng quê xứ Castilla (1912).
Đồng quê Castilla là một tập thơ tiêu biểu nhất của Machado. Thơ ông có một vị trí đặc biệt trong nền thơ Tây Ban Nha hiện đại (nguồn cảm hứng đa dạng, ngôn ngữ giản dị, miêu tả những miền đất điển hình của dân tộc).
Tác phẩm xuất bản năm vợ Machado chết; nhưng các bài thơ đều viết trước đó, nhìn tổng quan lại những năm ông sống ở tỉnh Soria, là nơi ông dạy học và lấy vợ. Tác phẩm này điển hình cho “Thế hệ 98”: cảm nhận thấy sự suy thoái của Tổ quốc, đi đâu tìm lại tâm hồn dân tộc qua những nét thần bí của cảnh quan vừa khô cằn, lại vừa phì nhiêu của xứ Castilla.
***
Ortega Y Gasset José (1883-1935) là nhà văn, nhà tư tưởng, nhà văn hóa. Ông có quan điểm triết lý sử học phi lý tính, bi quan: đề cao thượng lưu, chủ nghĩa thế giới, chống cả cộng sản lẫn phát-xít. Tác phẩm chính: Suy nghĩ về Don Quijote (1914), Nước Tây Ban Nha không xương sống (1922), Chủ đề của thời đại chúng ta (1923), Sự nổi dậy của quần chúng (1931), Sự phi nhân tính hóa nghệ thuật (1925).
Nước Tây Ban Nha không xương sống là một luận văn triết học của Ortega. Ông tiếp thu thông điệp của “Thế hệ 98”, băn khoăn tìm nguyên nhân về sự suy sụp của Tây Ban Nha xưa kia, đã từng có một thời oanh liệt với một đế chế bao la.
Theo Ortega, nguyên nhân chính là do đất nước thiếu những người “thượng lưu” tài giỏi - “Một dân tộc là một khối người được tổ chức, được cấu tạo bởi một thiểu số cá nhân có lựa chọn”. Ortega cho là, so với một số dân tộc khác ở châu Âu, Tây Ban Nha không có một tầng lớp quý tộc xuất sắc, do thiếu những hoàn cảnh lịch sử nhất định.
Như vậy, toàn bộ lịch sử Tây Ban Nha là một quá trình suy đồi. Cần tạo ra một tầng lớp thượng lưu vượt lên đại chúng để hướng dẫn dân tộc. Ortega bi quan, không tin vào khả năng ấy và dĩ vãng vẫn đè nặng lên hiện tại. Luận điểm chủ yếu của Ortega sẽ được phát triển trong Sự nổi dậy của quần chúng.
Sự nổi dậy của quần chúng là một luận văn triết học của Ortega. Trong Nước Tây Ban Nha không xương sống, Ortega đã giải thích sự suy đồi của đất nước mình: không có một giai cấp thượng lưu (quý phái) đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ do lịch sử giao cho (hướng dẫn dân tộc tiến lên).
Trong Sự nổi dậy của quần chúng, Ortega áp dụng luận điểm ấy vào cả nền văn minh châu Âu. Nền văn minh này suy đồi vì thời đại mới đã sinh ra mẫu “người quần chúng”; mẫu người này thừa hưởng tất cả các tiện nghi của cả một nền văn hóa không bỏ công sức tạo ra; họ chỉ hưởng thụ một cách bị động, không có cố gắng kiên trì.
Xã hội nào cũng có một hạt nhân “thượng lưu” đi tiên phong theo một sứ mạng thiêng liêng để tác động đến đại chúng. Riêng chỉ một dân tộc ở châu Âu có làm được sự nghiệp này không? Ortega cho là, phải có sự tham gia của các dân tộc châu Âu thì mới xây dựng được một nền văn hóa châu Âu chung. Tư tưởng của Ortega mang màu sắc phi lý tính.
***
Palacio Valdés Armando (1853-1938) là nhà viết tiểu thuyết hiện thực về tầng lớp dưới ở các địa phương. Tác phẩm: Bà San Sulpicio (1889) và Sự bi quan (1906).
Sự bi quan là tiểu thuyết được nhà văn Tây Ban Nha Palacio Valdés thích nhất trong số những tác phẩm của mình. Trong tác phẩm biểu tượng này (Tristan tượng trưng cho nỗi cơ cực của con người), Palacio rời bỏ phong cách tự nhiên chủ nghĩa, để thể hiện một nhân sinh quan lý tưởng và yếm thế.
Nhân vật chính Tristan điển hình cho chứng hoang tưởng: chán ngán mọi thứ, anh không thể kiềm chế nổi những khuấy động nội tâm, anh vừa đa nghi, vừa kiêu hãnh. Anh lấy Clara, một cô gái hồ hởi, trẻ trung. Ngay trong đêm tân hôn, anh đã đánh ghen, vì cho là vợ có tình ý với một chàng quý tộc.
Anh vợ của Tristan là German bị vợ là Elena cắm sừng. Tristan xui German trả thù, nhưng German bỏ đi ở một làng xa. Tristan tìm cách giải buồn trong nghệ thuật, nhưng phát ớn vì giới nghệ thuật cũng thối nát giả đạo đức, đố kỵ.
Khi Tristan có con, anh trở nên rất khắt khe về vệ sinh và làm khổ cả nhà. Anh bỗng nổi cơn ghen, thách chàng quý tộc tán vợ mình đấu gươm và giết chết tình địch. Vợ Tristan không chịu được, bỏ đi cùng chị dâu Elena (đã hối hận) đến ở với anh German.
|
Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Một thoáng văn học Italy (Kỳ 16)
Ungaretti Giuseppe (1888-1970) là nhà thơ, tác phẩm chính: Vui sướng, Bến cảng bị vùi, Cảm xúc thời gian; Verga Giovanni (1840 - 1922) là ... |
|
Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Chấm phá văn học cổ La Mã (Kỳ cuối)
TGVN. Văn học cổ đại Hy Lạp-La Mã là nền văn học cổ nhất châu Âu, nó tạo ra nhiều hình thức và thể loại ... |