Hội nghị trực tuyến thượng đỉnh G20 về ứng phó dịch Covid-19 ngày 26/3. (Nguồn: CNN) |
Đại dịch tồi tệ nhất
Giáo sư Jorge Heine nhận định, dịch Covid-19 hiện nay là đại dịch toàn cầu tồi tệ nhất đối với thế giới trong vòng một thế kỷ qua, chỉ đứng sau dịch cúm năm 1918 từng khiến 50 triệu người tử vong. Đến nay, virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) đã xuất hiện ở gần như khắp thế giới, khiến hàng trăm nghìn người nhiễm bệnh và hàng chục nghìn người tử vong.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo, dịch bệnh này vẫn đang tăng tốc, và sẽ không sớm “hạ nhiệt”. Mặc dù một số chuyên gia nói về khoảng thời gian 3-4 tháng, song những người khác dự đoán làn sóng các ca mắc bệnh có thể kéo dài tới 2 năm và phải mất từ 12-18 tháng để chế tạo vaccine để đưa ra thị trường.
Cho dù những nơi khá xa xôi và tách biệt như Puerto Williams ở Chile, vùng cực Nam có người sinh sống của Trái Đất, và đảo Nantucket ngoài khơi bờ biển Massachusetts, cũng thông báo có trường hợp mắc Covid-19.
"Ưu tiên số một hiện nay là kiềm chế và giảm nhẹ dịch bệnh này. Italy, và hiện nay là Tây Ban Nha, là những ví dụ cho thấy hậu quả khủng khiếp của thái độ xem thường dịch bệnh của các Chính phủ, và cho thấy loại virus này lây lan nhanh như thế nào. Quan niệm sai lầm rằng dịch bệnh này không ảnh hưởng tới những người trẻ là vô cùng nguy hiểm", ông Jorge Heine cho hay.
Theo Giáo sư Jorge Heine, điều tai hại không kém bức tranh y tế hiện nay là thiệt hại đối với nền kinh tế có thể sẽ còn nghiêm trọng hơn nữa. Chỉ tính riêng tại Mỹ, ước tính 37 triệu người lao động có nguy cơ mất việc làm, khoảng 1/3 trong số đó làm trong lĩnh vực nhà hàng. Ngành công nghiệp hàng không trên khắp thế giới đang đứng trước nguy cơ phá sản.
“Corona-cession” 2020 (ý nói tới cuộc suy thoái kinh tế vì đại dịch Covid-19) sẽ còn tồi tệ hơn cuộc suy thoái kinh tế do khủng hoảng tài chính 2008-2009 gây ra, và do đó cần tới hành động tập thể của quốc tế để chống lại cuộc khủng hoảng này.
Vai trò của G20
Đánh giá về vai trò của nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20), Giáo sư Jorge Heine, khẳng định, G20 là đại diện cho những thực tế mới của thế kỷ 21, bởi nhóm này bao gồm các nền kinh tế đang nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với nhiều quốc gia khác. G20 đã từng đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm thiểu những tác động tiêu cực nhất của cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.
“Trong bối cảnh và thời đại hiện nay, quan điểm cho rằng một nhóm nhỏ các nước ở Bắc Đại Tây Dương vẫn có thể chi phối nền kinh tế toàn cầu đã lỗi thời, đặc biệt trong thời điểm trục kinh tế đang chuyển dần sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, ông Jorge Heine bình luận.
Giáo sư Jorge Heine cho rằng, Hội nghị trực tuyến thượng đỉnh G20 về ứng phó dịch Covid-19 do Saudi Arabia - nước giữ vị trí chủ tịch hiện nay tổ chức ngày 26/3 đã mở ra một cánh cửa cơ hội mới để tiến về phía trước. “Nghịch lý của đại dịch hiện nay là, mặc dù đây là một thách thức toàn cầu, song các nước đang chiến đấu với đại dịch này với mức độ hợp tác quốc tế rất nhỏ, thậm chí ngay cả trong Liên minh châu Âu (EU) cũng vậy”, ông Jorge Heine cho hay.
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, cuộc tranh cãi hiện nay đã biến thành cuộc thỏa hiệp giữa một bên là tiếp tục ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh với một bên là những thiệt hại do việc giữ khoảng cách xã hội dẫn tới đóng cửa nền kinh tế.
G20 là đại diện cho những thực tế mới của thế kỷ 21. (Nguồn: pymnst.com) |
Các chuyên gia y tế đã đúng khi cảnh báo rằng việc trở lại nhịp sống bình thường quá sớm sẽ khiến có thêm nhiều người có nguy cơ mắc bệnh. Cho tới nay, các biện pháp can thiệp sớm, mạnh tay và liên tục để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh đã cho thấy là biện pháp hiệu quả nhất.
“Mỹ và Trung Quốc cần đi đầu trong việc cùng nhau hợp tác để vượt qua mối đe dọa to lớn đối với toàn nhân loại này. Tuy nhiên, không gì có thể thay thế được cho hành động đa phương có sự phối hợp giữa các quốc gia. Để làm được điều đó, chúng ta phải có một công cụ phù hợp để đối phó với tình trạng cực kỳ cấp bách hiện nay. G20 cần một lần nữa phát huy vai trò lãnh đạo của mình và làm những điều cần thiết”, Giáo sư Jorge Heine nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, vấn đề chính khi đối phó với các thách thức toàn cầu, theo Giáo sư Jorge Heine là phát triển các giải pháp toàn cầu. Việc phát triển những cơ chế phát hiện sớm các đại dịch tiềm tàng là một nhiệm vụ then chốt, và đây là nhiệm vụ mà WHO có thể đóng vai trò quan trọng hơn so với những gì tổ chức này đã làm cho tới nay. Các đại dịch, cũng giống như những thảm hỏa thiên nhiên khác, có thể được dự đoán trước.
“Tuy nhiên, chúng ta không biết khi nào chúng sẽ xảy ra và sẽ gây ra những hậu quả gì. Những hoạt động mô phỏng có thể dự báo chính xác một cách phi thường diễn biến của chúng và tác động của những lựa chọn chính sách, những xung đột và những nút thắt. Hoàn toàn có thể phát triển những nghi thức, cơ chế và biện pháp theo trình tự thời gian để áp dụng, từ đó tránh được điều tồi tệ nhất mà chúng ta đã chứng kiến trong những tuần thảm kịch vừa qua. Điều này sẽ góp phần cải thiện hơn nữa ‘10 nguyên tắc cốt lõi’ để đối phó với đại dịch được các nhà lãnh đạo của Mỹ và Trung Quốc đưa ra năm 2005, và sau đó được 88 quốc gia khác tán thành”, ông Jorge Heine khuyến nghị.