📞

Nhân tố Trung Quốc trong quyết định của Ấn Độ về RCEP

07:45 | 12/11/2019
TGVN. Với việc từ chối tham gia RCEP, Ấn Độ dường như phát đi tín hiệu rằng, bất chấp cái giá phải trả, sự trỗi dậy của Trung Quốc đang được giải quyết cả về mặt chính trị và kinh tế.    
Thiếu Ấn Độ, RCEP sẽ mất đi tính hấp dẫn của một thỏa thuận thương mại khổng lồ? (Nguồn: Nikkei)

Sự xuất hiện của Thủ tướng Narendra Modi tại Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm nay sẽ được nhớ đến với việc Ấn Độ cuối cùng đã tuyên bố không tham gia thỏa thuận thương mại Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Ngoài 10 quốc gia thành viên ASEAN, thỏa thuận thương mại này còn bao gồm 6 đối tác thương mại của khối là Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Australia.

Chấp nhận đứng ngoài cuộc

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh RCEP ở Bangkok, ông Modi lập luận rằng mặc dù "Ấn Độ đã chủ động, tích cực và có tính xây dựng khi tham gia đàm phán RCEP ngay từ ban đầu", song dự thảo thỏa thuận RCEP "không phản ánh đầy đủ tinh thần cơ bản và các nguyên tắc chỉ đạo đã được nhất trí của RCEP", và thậm chí cũng "không giải quyết thỏa đáng những lo ngại và các vấn đề còn tồn tại của Ấn Độ".

Tiến trình đàm phán RCEP bắt đầu vào năm 2012, và đến năm 2019, các cuộc đàm phán này nhận được lực đẩy lớn nhằm đi tới hoàn tất thỏa thuận. Sau khi Ấn Độ tuyên bố không tham gia, 15 thành viên còn lại quyết định sẽ tiếp tục tiến lên phía trước và nhấn mạnh ý định ký kết một thỏa thuận thương mại vào năm tới, đồng thời vẫn để ngỏ cánh cửa cho Ấn Độ gia nhập sau này.

Trong bối cảnh quan hệ thương mại Mỹ - Trung leo thang căng thẳng, Trung Quốc đặc biệt muốn chứng kiến Hội nghị RCEP kết thúc thành công và hết sức thúc đẩy để đạt được mục tiêu đó. Tuy nhiên, vấn đề của Ấn Độ cũng nằm ở đó.

Trong đàm phán RCEP, Ấn Độ đưa ra những yêu cầu sau: lùi năm cơ sở để cắt giảm thuế quan từ năm 2014 xuống năm 2019; tránh việc hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc tăng lên đột ngột bằng cách đưa một loạt mặt hàng vào danh sách áp dụng cơ chế kích hoạt thuế quan tự động; kêu gọi các quy định nghiêm ngặt hơn về nguồn gốc nhằm ngăn chặn việc phá giá từ Trung Quốc; và một thỏa thuận tốt hơn trong lĩnh vực dịch vụ.

Do đó, có thể thấy nhân tố Trung Quốc đóng vai trò then chốt trong đánh giá về chi phí và lợi ích của New Delhi.

Điều thực sự cần thiết

Mặc dù Ấn Độ có thâm hụt thương mại với ít nhất 11 trong số 15 quốc gia thành viên của RCEP, song chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm 53 tỷ USD trong số 105 tỷ USD thâm hụt thương mại của Ấn Độ với các quốc gia này. Do Trung Quốc có nhu cầu lớn hơn trong việc tiếp cận thị trường của Ấn Độ để duy trì các ngành công nghiệp sản xuất, nên New Delhi muốn bảo vệ ngành công nghiệp và nông dân Ấn Độ trước sự gia tăng của hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trải nghiệm của Ấn Độ với các thỏa thuận tự do thương mại (FTA) không gây được ấn tượng, với việc cơ quan nghiên cứu chính sách Niti Aayog thuộc Chính phủ Ấn Độ cho rằng tỷ lệ tận dụng FTA của Ấn Độ, vốn chỉ ở mức 5-25%, là vô giá trị. Ở trong nước, RCEP vấp phải sự phản đối lớn với việc những chủ thể lớn có liên quan công khai chống lại thỏa thuận thương mại này, bao gồm giới nông dân, ngành công nghiệp sữa hay giới doanh nghiệp. Đảng Quốc đại đối lập, từng tham gia các cuộc đàm phán CREP 7 năm trước, cũng cho rằng phản đối thỏa thuận này sẽ có lợi về mặt chính trị.

Những khó khăn trong bối cảnh kinh tế hiện nay của Ấn Độ càng làm những vấn đề này trở nên nghiêm trọng. Nếu các cuộc đàm phán toàn cầu là một trò chơi "hai cấp độ", cả hai cấp độ đều đối mặt với rất nhiều thách thức lớn, thì việc từ chối tham gia là điều thực sự cần thiết.

Ấn Độ chưa tận dụng hết lợi thế của các FTA. (Nguồn: Business Standard)

Gây chia rẽ và lo ngại

Bao gồm một nửa dân số thế giới, chiếm tới gần 40% thương mại toàn cầu và 35% GDP của thế giới, sau khi được hoàn tất, RCEP sẽ trở thành khối tự do thương mại lớn nhất thế giới, và Ấn Độ sẽ là nền kinh tế lớn thứ ba trong khối RCEP.

Tuy nhiên, RCEP không có Ấn Độ sẽ không còn là một hiệp định thương mại hấp dẫn như trước đây, khi còn trong quá trình đàm phán. Vì vậy, không ngạc nhiên khi ASEAN xuất hiện sự chia rẽ liên quan tới quyết định tiếp tục hoàn tất RCEP mà không có Ấn Độ.

ASEAN luôn mong muốn đa dạng hóa các đối tác để các nước thành viên có thể phát huy vai trò trung tâm khi đối phó với các cường quốc lớn và duy trì khả năng tự trị chiến lược của mình. Trong khi ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực ngày một tăng lên, các quốc gia thành viên ASEAN đang nỗ lực tìm cách giữ chân Mỹ ở khu vực. Vậy nhưng, trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã phát đi tín hiệu lẫn lộn về cam kết của Washington đối với khu vực, ASEAN đang hướng tới New Dilhi với sự thận trọng.

Việc chính quyền của ông Modi chủ động vươn tới khu vực dưới hình thức chính sách "Hành động hướng Đông" đã được đón nhận tích cực. Lo ngại về sự hiện diện an ninh và kinh tế quá lớn và ngày một tăng lên của Trung Quốc, các quốc gia ASEAN mong muốn Ấn Độ can dự sâu vào khu vực.

Do đó, quyết định không tham gia RCEP của Ấn Độ chắc chắn sẽ gây ra nhiều lo ngại về kế hoạch lớn hơn của New Delhi đối với khu vực. Toàn bộ chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của New Delhi có thể bị nghi ngờ nếu không có các bước đi nhằm khôi phục danh tiếng của Ấn Độ ở khu vực.

Đối với Trung Quốc, đây giống như một chiến thắng khi mà chính quyền Trump đang đẩy châu Á vào một sự lựa chọn có lợi cho Mỹ bằng cách từ chối những khoản "bố thí" của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ và cơ sở hạ tầng.

Cần tư duy chiến lược mới

Cả về mặt địa chính trị và địa kinh tế, Trung Quốc hiện dường như đang thống trị khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đây có thể không phải là tin tức tốt lành đối với khu vực và với Ấn Độ.

Đó là lý do tại sao Nhật Bản đưa ra đề nghị nước này sẽ làm việc để hướng tới một thỏa thuận bao gồm cả Ấn Độ. Cho dù Trung Quốc đã nỗ lực thúc đẩy 15 quốc gia thành viên còn lại sớm hoàn tất RCEP, song Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Hiroshi Kajiyama tuyên bố rõ ràng rằng "Tokyo muốn đóng vai trò đi đầu tiến tới việc đạt được một thỏa thuận ban đầu giữa tất cả 16 thành viên, bao gồm cả Ấn Độ, để ký kết thỏa thuận này vào năm 2020".

Cô lập về kinh tế không phải là một lựa chọn của Ấn Độ, và do đó có tin tức cho hay, New Delhi sẽ tiến tới các thỏa thuận thương mại song phương. Ấn Độ sẽ phải chuẩn bị cho mình để có thể tận dụng triệt để các thỏa thuận như vậy. Những cải cách ở trong nước sẽ là điều rất cần thiết. Đây là thời điểm mà toàn bộ lý do tồn tại của quá trình toàn cầu hóa kinh tế bị thách thức. Ấn Độ cần kết hợp cả khía cạnh kinh tế và chính trị trong tư duy chiến lược của mình.

Với việc từ chối tham gia RCEP, New Delhi dường như đang phát đi tín hiệu rằng, bất chấp cái giá phải trả, sự trỗi dậy của Trung Quốc đang được giải quyết cả về mặt chính trị và kinh tế. Cách mà phần còn lại của Đông Á và Đông Nam Á phản ứng với động thái của Ấn Độ sẽ quyết định sự cân bằng quyền lực trong tương lai ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

(theo The Hindu)