Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide (phải) ăn sáng với người đồng cấp Australia Scott Morrison tại Cornwall, Anh ngày 13/6. (Nguồn: The Australian) |
Ngày 13/6, khi ăn sáng với người đồng cấp Australia Scott Morrison, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide trông thật vui vẻ với phong thái thoải mái.
Trên thực tế, quan hệ Nhật Bản-Australia có nhiều tiến triển thời gian qua. Ông Morrison là nhà lãnh đạo đầu tiên mà ông Suga gặp mặt với tư cách cá nhân từ khi nhậm chức Thủ tướng tháng 11/2020.
Bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Cornwall, Anh, Thủ tướng Suga Yoshihide và người đồng cấp Australia Scott Morrison đã dành một giờ để trao đổi về nhiều lĩnh vực liên quan đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có cuộc gặp riêng 20 phút chỉ có phiên dịch.
Mối quan hệ đầy hứa hẹn
Đối với ông Morrison, cuộc gặp thân tình ngày 13/6 tương phản với cuộc gặp 3 bên của ông với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson.
Phía Mỹ được cho là đã từ chối lời đề nghị gặp song phương giữa ông Biden và ông Morrison, buộc phía Australia phải dàn xếp cuộc gặp ba bên thông qua nước chủ nhà Anh.
Người phát ngôn về đối ngoại của phe đối lập Australia Penny Wong gọi đây là điều “đáng thất vọng”. Bà cho rằng, việc ông Morrison không cam kết giảm phát thải carbon về mức không đến năm 2050 góp phần vào quyết định trên của Mỹ.
Hai cuộc gặp được giới quan sát đánh giá là biểu hiện cho sự cân bằng mà các đồng minh tầm trung của Mỹ cần phải nhớ, trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn đang bao trùm khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Cả Australia và Nhật Bản dần “rời xa” Trung Quốc và liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ. Tuy vậy, hai quốc gia này vẫn lo ngại về việc bị Washington không còn mặn mà, cũng như các đời Tổng thống sau này của Mỹ có thể không cam kết với các đồng minh trong khu vực như ông Biden.
Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã chứng kiến nhiều tập hợp lực lượng của các quốc gia tầm trung, bao gồm sáng kiến hợp tác về chuỗi cung ứng giữa Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, cũng như diễn đàn ba bên giữa Australia-Ấn Độ-Indonesia.
Tuy vậy, xu thế này được thể hiện rõ nhất trong mối quan hệ “gần như liên minh” giữa Australia và Nhật Bản.
Trong hai cuộc thảo luận trực tuyến dưới hình thức “2+2” giữa Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao hai nước, Nhật Bản đã cam kết cung ứng trang bị bảo vệ cho vũ khí của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cho quân đội Australia.
Xứ sở kangaroo là quốc gia thứ hai nhận được những trang bị này sau Mỹ, đồng minh hiệp ước duy nhất của Nhật Bản.
Tokyo và Canberra cũng cam kết ký một hiệp ước tiếp cận lẫn nhau sớm nhất có thể. Hiệp ước này sẽ giúp binh sĩ hai bên đi trong lãnh thổ của nhau thuận tiện hơn, qua đó có thể gia tăng tập trận chung và khả năng tổ chức các hoạt động chung.
Động lực mới vun đắp quan hệ
Ông Jeffrey Hornung, chuyên gia về Nhật Bản tại Rand Corp, nhận định, “quan hệ Nhật Bản-Australia đang tiến tới một tầng nấc riêng, chỉ xếp sau quan hệ của từng bên với Mỹ”.
Trước đây, Nhật Bản thường đối xử công bằng với Australia và Ấn Độ. Tuy vậy, theo ông Hornung, Australia đang vượt lên trước Ấn Độ trong khía cạnh hợp tác an ninh với Nhật Bản. Hiệp ước tiếp cận lẫn nhau giữa Australia và Nhật Bản sẽ là hình mẫu cho các nước như Anh hay Pháp ký các hiệp ước như vậy với xứ sở hoa anh đào.
“Các bên đã nhận thấy rằng, quyền lực của Mỹ không giống với trước đây. Mỹ không thể hành động một mình, nhất là trong việc đối phó với Trung Quốc”, ông Hornung nói.
“Tôi cho rằng, tăng cường quan hệ với đồng minh của đồng minh sẽ giúp đỡ cho bạn và chính đồng minh của bạn”.
Theo ông Tobias Harris, chuyên gia tại Trung tâm vì Sự tiến bộ của nước Mỹ, Nhật Bản đang định vị giống như trung tâm của mạng lưới quan hệ chưa từng có trong khu vực.
“Nhật Bản là động lực chính của nhóm Bộ tứ. Quan hệ của Nhật Bản với EU và Anh đang chặt chẽ hơn, đưa hai chủ thể này tới gần hơn khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Quan hệ với Ấn Độ cũng được đưa lên tầm cao mới dưới thời Thủ tướng Abe”.
Ông Harris cũng cho rằng, Nhật Bản muốn thể hiện vai trò lãnh đạo và dẫn dắt Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Mỹ rút khỏi, thay vì chỉ xuất hiện bên cạnh Mỹ.
Trước đây, Nhật Bản thực hiện chiến lược phòng vệ nước đôi trước nguy cơ Mỹ bỏ qua việc thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc. Tuy vậy, Tokyo đã tìm ra một cách tiếp cận chiến lược khác: giữ mối quan hệ bền chặt với các quốc gia tầm trung khác.
Ông Haris khẳng định các động thái mới đây của Nhật Bản với Australia, dù là mối quan hệ “gần như liên minh” hay liên minh thực thụ, "đều rất đáng chú ý”.