Nhật Bản đã phê chuẩn vaccine Pfizer vào ngày 14/2, sau đó bắt đầu tiêm chủng cho các nhân viên y tế tuyến đầu sau đó 3 ngày. (Nguồn: AA) |
Kế hoạch nêu rõ Nhật Bản sẽ hợp tác với các quốc gia châu Á khác để tạo ra một mạng lưới xuyên biên giới về nghiên cứu lâm sàng và thử nghiệm lâm sàng nhằm thúc đẩy quả trình chế tạo và sản xuất vaccine Covid-19. Chính phủ Nhật Bản cũng hỗ trợ một phần chi phí cho các công ty dược phẩm trong nước và các tổ chức nghiên cứu phát triển vaccine. Kế hoạch này được Nhật Bản đầu tư 160 tỷ Yên (1,47 tỷ USD).
Thoát khỏi cảnh phụ thuộc
Tháng trước, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga từng chia sẻ: "Tôi nhận ra rằng cần hỗ trợ rộng rãi cho các nhà sản xuất vaccine trong nước. Việc không lường trước được rủi ro có thể gây ra khủng hoảng nghiêm trọng về chiến lược".
Kế hoạch của chính phủ Nhật Bản bao gồm việc cử các chuyên gia đến các nền kinh tế châu Á mới nổi, như các quốc gia Đông Nam Á nhằm thiết lập nền tảng cho những nghiên cứu lâm sàng. Kế hoạch cũng đòi hỏi việc đào tạo các chuyên gia y tế cũng như mua sắm các trang thiết bị chẩn đoán hay thiết bị đông lạnh.
Việc thử nghiệm vaccine trong những thị trường rộng lớn, cũng như cơ sở hạ tầng tốt sẽ đóng vai trò là bàn đạp để đẩy nhanh quá trình phát triển vaccine chống lại không chỉ Covid-19 mà còn các bệnh khác trong tương lai, thậm chí giúp Nhật Bản thiết lập mà mở rộng bán các loại vaccine sau này.
Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc hỗ trợ cho các nhà thầu và các bên vận chuyển vaccine. Điều này sẽ áp dụng cho các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối với hàng chục nghìn người. Đồng thời, luật pháp Nhật Bản cũng cho phép các thử nghiệm lâm sàng được thực hiện ở nước ngoài và sự hỗ trợ sẽ áp dụng tương tự đối với các cơ sở y tế nước ngoài.
Trước đó, Nhật Bản đã ký hợp đồng mua 300 triệu liều vaccine từ Pfizer, Moderna và AstraZeneca. Mục tiêu là bảo đảm tiêm phòng cho cả nước vào nửa đầu năm nay.
Tuy nhiên, vaccine ngừa Covid-19 sản xuất tại Liên minh châu Âu (EU) lại không được phép vận chuyển mà không có sự chấp thuận của thị trường chung. Bằng chứng là, tuần trước, Italy đã chặn các lô hàng vaccine ngừa Covid-19 đến Australia, với lý do tranh chấp hợp đồng.
Giám đốc ngành tiêm chủng của Nhật Bản Taro Kono cho biết: “Chúng tôi đang ở trong tình huống phải xin phê quyệt từng lô hàng trong khi phải bảo đảm mục tiêu tiêm đủ vaccine Covid-19 cho toàn bộ người dân Nhật Bản".
Việc thúc đẩy sản xuất vaccine Covid-19 sẽ giúp Nhật Bản chủ động trong nguồn cung vaccine. (Nguồn: Reuters) |
Chậm còn hơn không
Nhật Bản đã phê chuẩn vaccine Pfizer vào ngày 14/2, sau đó bắt đầu tiêm chủng cho các nhân viên y tế tuyến đầu sau đó 3 ngày. Việc tiêm chủng cho người cao tuổi dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng Tư.
Hiện tại, chỉ có hai công ty Nhật Bản bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 là Shionogi & Co. và công ty khởi nghiệp AnGes ở Tokyo. Daiichi Sankyo và KM Biologics sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trên những tình nguyện viên vào cuối tháng này.
"So với lợi thế cạnh tranh áp đảo của các đối tác phương Tây, tôi nghĩ ngành công nghiệp vaccine của Nhật Bản sở hữu quy mô kinh tế nhỏ hơn một chút", ông Shigeru Omi, Chủ tịch hội đồng chuyên gia của chính phủ về ứng phó với dịch Covid-19, nhận định.
Mặc dù thị trường vaccine được kỳ vọng sẽ phát triển, nhưng vẫn còn rất nhiều rào cản trong bối cảnh Pfizer, Merck và hai công ty lớn khác kiểm soát 80% thị trường vaccine Covid-19 toàn cầu. Hiện Nhật Bản vẫn phải nhập khẩu hầu hết các loại vaccine cúm mùa.
Nhật Bản đã từng được coi là một quốc gia tiên tiến khi nói đến vaccine. Tuy nhiên, việc đầu tư và phát triển vaccine đã giảm dần do suy giảm dân số cũng như mất nhiều thời gian để chuyển từ nghiên cứu và phát triển đến ứng dụng thương mại. Các vụ kiện liên quan đến vaccine quai bị, sởi và rubella, cũng như vaccine ung thư cổ tử cung, cũng góp phần vào sự sụt giảm này.
Giáo sư Koji Wada tại Đại học Y tế và Phúc lợi Quốc tế Nhật Bản cho biết: “Nhật Bản đã không thể phát triển vaccine một cách chiến lược. Khó khăn trong việc thu hồi các khoản đầu tư cũng có thể là nguyên nhân".
Các thành viên của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền cho rằng chính phủ nên đặt trọng tâm vào việc phát triển vaccine trong nước.
Hồi tuần trước, Đảng Dân chủ Tự do đã thành lập một nhóm dự án liên quan đến việc nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển y tế. Sự chậm trễ trong việc phát triển vaccine trong nước được coi là một vấn đề an ninh quốc gia.
Các quốc gia trên thế giới hiện coi vaccine như phần quan trọng cho chính sách đối ngoại.
Cùng với các quốc gia phương Tây, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ đã tập trung nguồn lực vào việc phát triển các loại vaccine của riêng họ.
Đặc biệt, Trung Quốc, đối thủ cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực của Nhật Bản, đã cung cấp vaccine của mình cho nhiều nước ở Đông Nam Á và châu Phi.