Nhỏ Bình thường Lớn
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Cơ Thạch

Những dự báo 'không thể ngờ tới' của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch

Trong ký ức của Đại sứ Trương Triều Dương về Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (1921-1998), ông là người ứng biến sắc sảo và khả năng dự báo kỳ tài!
Những dự báo “không thể ngờ tới” của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch
Phái đoàn Việt Nam dự kỳ họp thứ 32 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York, Mỹ ngày 20/9/1977. (Nguồn: TTXVN)

Được phục vụ Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch khi còn công tác ở Vụ các Vấn đề chính trị chung (Bộ Ngoại giao), hay khi công tác nhiệm kỳ ở Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Đại sứ Trương Triều Dương luôn thấy ở thủ trưởng của mình tầm nhìn xa trông rộng bên cạnh phong cách dung dị hiếm thấy ở một nhà lãnh đạo cấp cao.

"Hưởng lợi" từ chính sách đột phá

Bản thân Đại sứ Trương Triều Dương thấy mình may mắn khi được “hưởng lợi” từ những chính sách đào tạo con người, đặc biệt là cán bộ trẻ của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch.

Sau khi tốt nghiệp khóa 10 trường Đại học Ngoại giao (hiện nay là Học viện Ngoại giao), nhờ có chủ trương tuyển dụng những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc nhất về công tác ở Bộ, ông Dương là một trong 10 sinh viên tốt nghiệp top đầu được nhận về các đơn vị quan trọng trong Bộ. Lúc đó, ông được điều về công tác tại Vụ các Vấn đề chính trị chung (nay là Vụ các Tổ chức quốc tế).

Đại sứ Trương Triều Dương kể: “Tôi thuộc lứa sinh viên đầu tiên của Đại học Ngoại giao sau khi kết thúc chiến tranh. Tôi nhập học vào năm 1975. Thời điểm đó, trường đã được trang bị phòng luyện âm, luyện nghe và có thầy giáo giỏi hướng dẫn. Lúc đó chưa có trường nào ở miền Bắc, kể cả Đại học Ngoại ngữ có phòng học tiếng nước ngoài hiện đại như vậy”.

Theo nhà ngoại giao kỳ cựu, sự đầu tư cho cơ sở vật chất và giảng viên của trường Đại học Ngoại giao nằm trong tư tưởng xuyên suốt của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Vào thời điểm đó, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, với tư cách Thứ trưởng phụ trách công tác tổng hợp, đã chỉ ra những điểm yếu trong công tác xây dựng ngành của Bộ Ngoại giao và đề ra phương hướng khắc phục với 5 chủ trương lớn, trong đó bao gồm việc gấp rút bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ về quan hệ quốc tế, kinh tế quốc tế, luật pháp quốc tế cũng như chính sách đối ngoại và lý luận chính trị, nghiệp vụ, đặc biệt là ngoại ngữ.

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch cho rằng, đã là cán bộ ngoại giao thì phải giỏi ngoại ngữ - sau này trở thành một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực và tuyển dụng cán bộ vào Bộ.

Khi vừa về Bộ Ngoại giao, cũng nhờ chính sách đào tạo cán bộ của Bộ trưởng Thạch, ông Trương Triều Dương được cử theo học khóa sau đại học tại trường Đại học Ngoại giao để bổ túc một số nghiệp vụ chuyên ngành khác.

Tin liên quan
Nguyễn Cơ Thạch – Một nhà cải cách lớn! Nguyễn Cơ Thạch – Một nhà cải cách lớn!

Theo chủ trương của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, các cán bộ ngoại giao phải là chuyên gia trong một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực công tác. Ông Dương chọn nghiên cứu về vấn đề về giải trừ quân bị. Những kiến thức chuyên sâu được học trong thời gian này đã giúp ích rất nhiều cho ông trong các chặng đường công tác sau này, đặc biệt trong lĩnh vực ngoại giao đa phương.

Đại sứ Trương Triều Dương cho biết, không những đào tạo trong nước, các sinh viên xuất sắc của các khóa sau còn được gửi đi đào tạo ở các nước hoặc được cọ xát ngay với các công việc thực tiễn ở các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài. Chính sách đào tạo cán bộ trẻ và các chính sách xây dựng ngành có tính đột phá của Bộ trưởng Thạch đã tạo đà cho nhiều cán bộ trẻ như ông Dương tiến xa hơn trong sự nghiệp ngoại giao của mình.

Bất ngờ ở Liên hợp quốc

Năm 1983, khi đang công tác tại Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, ông cùng các đồng nghiệp ra sân bay đón Bộ trưởng và đoàn tùy tùng sang dự khóa 38 Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Trong khi đoàn các nước khác rất đông, tiền hô hậu ủng thì đoàn của Việt Nam đến sân bay chỉ có hai người là Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch và phu nhân. Ông bà bay tới New York từ La Habana, sau một chuyến công du tới Cuba.

Trong những chuyến công du tiếp theo đến Liên hợp quốc, đoàn tùy tùng của Bộ trưởng Ngyễn Cơ Thạch lúc đông nhất cũng chỉ có 5 người. Trong điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, Bộ trưởng Thạch luôn tính toán để đoàn công tác ra nước ngoài đảm bảo sự gọn nhẹ và hiệu quả nhất.

Ngay cả quần áo của Bộ trưởng mặc đi dự họp trong thời kỳ đất nước khó khăn cũng là trang phục mượn của Bộ Tài chính! Bộ trưởng Thạch cũng không ngại chia sẻ điều này với các nhà báo quốc tế trong các lần trả lời phỏng vấn.

Trong dịp họp Đại hội đồng Liên hợp quốc kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Liên hợp quốc năm 1985, ông Dương nhớ mãi một kỷ niệm mà trước đây ông chưa thổ lộ với ai.

Số là vào thời điểm đó, vấn đề về Campuchia rất nóng. Trung Quốc và ASEAN đã đưa ra đề mục bàn về quyền đại diện của Campuchia và về vấn đề Campuchia với mục đích duy nhất là tập hợp lực lượng để chỉ trích, cô lập Việt Nam. Đây là hai đề mục được Đại hội đồng Liên hợp quốc đưa ra thảo luận rất gay gắt, quyết liệt, được chính giới nhiều nước quan tâm.

Mặc dù ta kiên quyết phản đối, Liên hợp quốc vẫn thông qua quyết định sai trái giữ ghế đại diện của Campuchia cho Campuchia Dân chủ (Polpot) và thông qua nghị quyết chống Việt Nam tại Đề mục tình hình Campuchia với đa số phiếu áp đảo, yêu cầu Việt Nam rút quân khỏi Campuchia vô điều kiện.

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đưa ra sáng kiến là ta không tham gia phát biểu về tình hình Campuchia mà lập ra một chương trình nghị sự mới. Đó là đề mục bàn về tiến trình hòa bình, hợp tác, ổn định ở Đông Nam Á.

Các nước đối lập lên án động thái của ta là nhằm đánh lạc hướng, làm loãng vấn đề. Nhờ có sáng kiến của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, nhiều nước ủng hộ Việt Nam không tham gia phát biểu về vấn đề Campuchia nữa.

Ông Dương nhớ lại, trong phần thảo luận chung của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 40 năm 1985, Ngoại trưởng của một nước Đông Nam Á phát biểu chỉ trích Việt Nam rất nặng nề, đặc biệt là việc ta cùng các nước bạn bè tẩy chay không tham gia phát biểu đề mục về vấn đề Campuchia và chuyển sang tập trung phát biểu về đề mục “Về vấn đề hòa bình, ổn định và hợp tác ở Đông Nam Á”.

Khi phát biểu trên, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch quay sang gọi các cán bộ của Phái đoàn, gồm có ông Trần Trọng Khánh (sau này là Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ) và ông Trương Triều Dương đến chào vị Ngoại trưởng đó.

Những dự báo “không thể ngờ tới” của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch
Đại sứ Trương Triều Dương (ngoài cùng, bên trái) tại Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc năm 1985.

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch bắt tay vị Ngoại trưởng bạn và nói: “Tôi nghe rất chăm chú bài phát biểu của ông và tôi cũng có thể hiểu được cảm xúc của ông. Tuy nhiên, tôi không muốn bình luận về bài phát biểu đó. Chỉ có một điều tôi muốn tuyên bố với ông ở đây: Trong tương lai, có lẽ là sau 10 năm nữa Việt Nam sẽ là thành viên của ASEAN”.

Nghe xong, cả hai cán bộ Phái đoàn đều rất ngạc nhiên. Lúc đó quan hệ giữa Việt Nam và ASEAN như nước và lửa, những cán bộ trẻ trong Phái đoàn như ông Dương, vốn lúc nào cũng chỉ lo đối phó, xử lý các công việc liên quan đến những hành động và tuyên bố mang tính thù địch của nhiều nước thành viên ASEAN thì không thể hình dung được về một viễn cảnh như vậy.

Thế nhưng, năm 1995, Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN. Sau đúng 10 năm như Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch từng khẳng định với vị Ngoại trưởng nọ tại Liên hợp quốc.

Trùng hợp vào lúc này, ông Trương Triều Dương vừa hoàn thành luận án thạc sỹ tại Trường Đại học Quốc gia Singapore liên kết với Đại học Havard với đề tài “Vấn đề Việt Nam gia nhập ASEAN - thời cơ, thách thức và giải pháp”.

Càng đi sâu nghiên cứu bối cảnh lịch sử, tương quan lực lượng lúc đó, ông Trương Triều Dương càng ngưỡng mộ khả năng dự đoán, đánh giá tình hình tài tình của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch.

Nhớ lại những năm tháng hoạt động ngoại giao, Đại sứ Trương Triều Dương luôn cảm thấy biết ơn Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Những lần được tháp tùng Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đi công tác và tiếp xúc đối ngoại, khả năng tư duy sáng tạo, phong cách làm việc nghiêm túc nhưng chân tình cùng tầm nhìn chiến lược của Bộ trưởng luôn đọng trong tâm trí của ông.

Những phẩm chất cao quý đó đã trở thành tấm gương để nói theo và là động lực để thúc đẩy các cán bộ ngoại giao thời đó nỗ lực học tập và công tác, vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong giai đoạn đấu tranh cam go và đầy biến động của đất nước.

Đại sứ Trương Triều Dương từng là Vụ trưởng Vụ Hợp tác Kinh tế Đa phương (Bộ Ngoại giao), thành viên Thường trực Đoàn đàm phán Chính phủ về Kinh tế/Thương mại; Trưởng Đại diện Quan chức Cao cấp của Việt Nam tại Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (Trưởng SOM ASEM), Thống đốc Quỹ Á-Âu của Việt Nam. Ông là Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Tây Ban Nha nhiệm kỳ 2010-2013, Đại sứ Việt Nam tại Philippines kiêm nhiệm CH Palau nhiệm kỳ 2013- 2017.
TIN LIÊN QUAN
Đôi điều về phong cách ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (Kỳ cuối)
Đôi điều về phong cách ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (Kỳ I)
Món quà đặc biệt và sự nể phục của người Mỹ với Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch
Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch định hướng ngành Ngoại giao phục vụ công cuộc đổi mới, tái thiết đất nước
Thông điệp Nguyễn Cơ Thạch