Bà Nguyễn Thị Bình thăm lại trường Đảng Maurice Thorez nhân kỷ niệm 40 năm ký Hiệp định Paris, nơi phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ở từ năm 1968-1973. |
Cách đây hơn 43 năm, ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết. Hiệp định Paris là thắng lợi đỉnh cao của nền ngoại giao Việt Nam thời hiện đại, có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, mở ra bước ngoặt hết sức quan trọng để ta tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Có một điểm đáng chú ý là cuộc đàm phán kéo dài tới gần năm năm, qua hơn 200 phiên đàm phán chính thức và tiếp xúc bí mật, đã được tổ chức tại Pháp, là nước mới mấy chục năm trước đó còn là “mẫu quốc” của xứ Đông Dương. Trước đó hơn 20 năm, vào năm 1946, những cuộc điều đình giữa Pháp – Việt nhằm tránh một cuộc chiến tranh Đông Dương, trong đó có cuộc điều đình diễn ra ở Pháp đã không đi đến thành công. Tuy nhiên, 20 năm sau, trên đất Pháp, những người bạn Pháp đã ủng hộ, giúp đỡ rất nhiệt tình đối với cuộc đàm phán Paris, góp phần đưa đến việc ký kết Hiệp định lịch sử này. Các tư liệu lịch sử, hồi ký cũng như lời kể của những nhân vật liên quan cho thấy sự ủng hộ, giúp đỡ của những người bạn Pháp đối với cuộc đàm phán Paris hết sức có ý nghĩa.
Sự lựa chọn Paris
Theo thông lệ ngoại giao, việc đàm phán giữa các quốc gia, nhất là về những vấn đề quan trọng liên quan đến chiến tranh và hòa bình, thường được tổ chức ở một nước trung gian hoặc ít nhất không phải là nước đối địch của hai bên. Khi quyết định bước vào đàm phán, Việt Nam, Mỹ và cả một số nước khác đã đưa ra một số địa điểm để đàm phán, bao gồm các thành phố như Phnom Penh (Campuchia), Warsaw (Ba Lan)… nhưng bên này đồng ý thì bên kia phản đối. Cuối cùng, Việt Nam đề nghị đàm phán ở Paris và được phía Mỹ chấp nhận.
Theo nhà ngoại giao Võ Văn Sung, nguyên Tổng đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Pháp trong thời gian đàm phán Paris, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp, nhìn tổng quát, có thể nói Paris là địa điểm có môi trường đàm phán, đấu tranh dư luận, tranh thủ quốc tế thuận lợi cho hai đoàn đàm phán của ta.
Thứ nhất, Paris là thủ đô của một nước lớn không những ở châu Âu mà của cả thế giới, nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động ngoại giao quốc tế quan trọng, do đó dễ được cả hai bên chấp nhận. Về phía ta, ta cũng thấy không ở đâu có khả năng tập hợp dư luận và thông tin một cách nhạy bén như ở Paris, nơi có thể ví là đầu não thông tin của thế giới lúc bấy giờ. Việt Nam cần tận dụng Paris như là một trung tâm thông tin quốc tế để tuyên truyền tính chính nghĩa của chiến tranh giải phóng dân tộc và tính phi nghĩa của cuộc chiến tranh của Mỹ, tập hợp lực lượng và dư luận của nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam.
Thứ hai, Paris có phong trào của nhân dân Pháp yêu chuộng hòa bình và công lý ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, đặc biệt là Đảng Cộng sản Pháp và các tổ chức hữu nghị luôn luôn lên án Mỹ, đòi quân Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam. Hội Việt kiều yêu nước tại Paris được xây dựng từ thời Bác Hồ ở Pháp cũng hoạt động rất mạnh, hậu thuẫn tích cực cho hai đoàn đàm phán của Việt Nam. Chính những Việt kiều yêu nước đã ủng hộ không chỉ tinh thần mà cả vật chất cho hai đoàn, từ cung cấp người phiên dịch, lái xe, bác sỹ, đến hỗ trợ tổ chức họp báo, vận động… Họ đồng thời cũng trở thành những “vệ tinh” tuyên truyền, phổ biến rộng rãi những quan điểm của phái đoàn ta, những thông tin về cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Thứ ba, một lý do rất quan trọng là quan điểm của chính quyền Pháp lúc đó là không đồng tình với chính sách của Mỹ ở Việt Nam, có nhiều điểm thuận lợi cho lập trường của ta. Nước Pháp lúc đó đặt dưới sự lãnh đạo của Tổng thống De Gaulle. Trong chuyến thăm Campuchia tháng 9/1966, Tổng thống De Gaulle đã đọc bài diễn văn quan trọng về chiến tranh Việt Nam, trong đó đề cập ba nội dung nổi bật là: quyền tự quyết của người Việt Nam, rút hết quân Mỹ ra khỏi Việt Nam và thi hành một quy chế trung lập hóa tại Đông Nam Á có kiểm soát quốc tế.
Tuyên bố của Tổng thống De Gaulle ở Phnom Penh đã khẳng định Mỹ không thể chỉ dựa vào duy nhất giải pháp quân sự mà còn cần cả giải pháp chính trị. Đó là quan điểm cốt lõi của nước Pháp. Sau khi Tổng thống De Gaulle từ chức năm 1969 và qua đời năm 1970, quan điểm giải quyết hòa bình vấn đề Việt Nam của ông vẫn được chính giới Pháp ủng hộ. Điều đó cho thấy Pháp cũng muốn đóng một vai trò trong giải pháp cho vấn đề Việt Nam và một trong những cách thức khả dĩ nhất là làm địa điểm cho một cuộc hòa đàm giữa các bên liên quan. Pháp vui mừng khi Việt Nam và Mỹ nhất trí họp ở Paris vì nếu Hội nghị thành công thì Pháp cũng có phần vinh dự. Chính vì vậy mà phía Pháp tiếp đón đoàn Việt Nam từ khi đặt chân đến Paris, bảo vệ an ninh cẩn thận cho tất cả các hoạt động của đoàn Việt Nam, tạo điều kiện hết sức thuận lợi về cơ sở vật chất cho phái đoàn trong suốt thời gian đàm phán.
Dấu ấn những người bạn Pháp
Theo ông Phạm Ngạc, nguyên Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế Bộ Ngoại giao, từng là thành viên của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong suốt quá trình đàm phán, đoàn Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn về vật chất và tinh thần từ các tầng lớp nhân dân Pháp.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng và bà Raymonde Dien tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris (năm 2013). |
Từ năm 1968 tới 1975, tại Pháp đã hình thành khoảng 54 tổ chức khác nhau trong phong trào nhân dân Pháp đoàn kết với nhân dân Việt Nam đấu tranh giải phóng dân tộc, trong đó nổi bật là Hội Hữu nghị Pháp-Việt, là mặt trận đoàn kết với Việt Nam chống Mỹ xâm lược do Đảng Cộng sản Pháp làm nòng cốt. Đảng Cộng sản Pháp đã chuyển toàn bộ Trường Đảng trung ương Maurice Thorez tới nơi khác để lấy địa điểm cho đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sử dụng suốt thời gian ở Paris và còn cử nhiều đảng viên tới giúp đoàn trong các công việc như bảo vệ, lái xe, hậu cần… Về phía báo chí, suốt gần năm năm, giới truyền thông Pháp nói chung và báo chí cánh tả nói riêng đã đưa tin liên tục về Hội nghị Paris về Việt Nam và dành cho hai đoàn ta sự cổ vũ và ủng hộ quý báu.
Trong số rất nhiều người bạn đã ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam, nhiều người bạn Pháp vẫn luôn được chúng ta nhớ mãi, như bà Hélène Luc, cựu nghị sĩ, Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Pháp Việt (AAFV), ông Michel Strachinescu, người lái xe tận tụy và đầy trách nhiệm cho bà Nguyễn Thị Bình trong những năm 1970 - 1973 …
Họ là những người luôn đấu tranh ủng hộ cuộc chiến đấu vì hòa bình của nhân dân Việt Nam, hết lòng giúp đỡ phái đoàn đàm phán của Việt Nam trong giai đoạn đàm phán Paris. Họ là những người bạn Pháp đã tiếp nối tinh thần vì Việt Nam của những người bạn Pháp trước đó như bà Raymonde Dien, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, người vào ngày 23/2/1950 đã lao mình xuống đường ray nhằm chặn một đoàn tàu chở vũ khí của thực dân Pháp ra cảng để chuyển sang chiến trường Đông Dương; là nhà báo Madeleine Riffaud, tác giả của những phóng sự, những bài báo về cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường của nhân dân Việt Nam đã góp phần to lớn vào việc giới thiệu với dư luận Pháp và thế giới về cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, thức tỉnh lương tri nhân loại nhằm ủng hộ cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam; là ông Henri Martin, người đã cự tuyệt tham gia, đồng thời kêu gọi thủy thủ Pháp phản đối cuộc chiến ở Việt Nam, người được ca ngợi vì tinh thần quốc tế vô sản và trọn vẹn vì hòa bình cho Việt Nam…
Lý giải về thắng lợi tiến đến ký kết Hiệp định Paris về hòa bình ở Việt Nam, ông Trịnh Ngọc Thái, nguyên thành viên Đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nguyên Phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, Đại sứ Việt Nam tại Pháp, cho rằng Việt Nam thành công là vì biết kết hợp đấu tranh trên nhiều mặt trận: trên bàn hội nghị, trên chiến trường, mặt trận ngoại giao, kết hợp với phong trào chính trị ở miền Nam và sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của bạn bè quốc tế đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Nhớ về hội nghị Paris, chúng ta không quên những người bạn đã hết lòng ủng hộ, giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, trong đó có những người bạn Pháp.