📞

Những nỗ lực gắn kết Palestine - Israel bằng văn hóa

06:08 | 26/10/2017
Mặc dù tình hình an ninh còn nhiều bất ổn nhưng cộng đồng người Palestine và Israel vẫn đang nỗ lực triển khai các chương trình nhằm xóa bỏ khoảng cách và tìm tiếng nói chung giữa hai dân tộc.

Những sự kiện văn hóa tiêu biểu

Hơn 2.000 người, bao gồm cả người Israel lẫn người Palestine, đã đến tham dự buổi hoà nhạc ngoài trời trong khuôn khổ lễ hội Mekudeshet thường niên tại Jerusalem. Sự kiện này được coi như là mô hình “Trung Đông trong mơ” hay còn gọi là  “Kulna”- trong tiếng Arab có nghĩa là “Tất cả chúng ta”, tương tự “Kulanu” trong tiếng Hebrew (ngôn ngữ bản địa tại Israel).

Giải đấu cờ Backgammon thu hút sự quan tâm của các thí sinh trên khắp khu vực Trung Đông. (Nguồn: The New York Times)

Cũng chỉ vài ngày trước đó tại Jerusalem, một giải đấu cờ backgammon cho cả người Palestine và Israel cũng đã được tổ chức. Giải đấu không phân biệt quốc tịch, chủng tộc hay nghề nghiệp, bất chấp những dư chấn tiêu cực còn sót lại từ cuộc khủng hoảng đẫm máu tại khu vực đền thờ Hồi giáo al-Aqsa vài tháng trước.

Một sự kiện khác có thể kể đến là việc hàng ngàn người ủng hộ phong trào Women Wage Peace cùng tập trung ở một khu lều trại hoà giải giữa sa mạc Jericho phía Bờ Tây và biểu tình tại Jerusalem. Được biết, phong trào này được thành lập vào năm 2014, sau cuộc chiến tranh tại Dãy Gaza với thành viên đến từ cả 2 dân tộc Ả Rập và Do Thái.

Biến trở ngại thành động lực

Bà Karen Brunwasser, Phó Ban Tổ chức lễ hội Mekudeshet cho biết: “Sự kiện của chúng tôi nhằm mục đích giúp tất cả mọi người hiểu thêm về vấn đề, kể cả cư dân Jerusalem. Chúng tôi nhận thức rõ rằng hành động này có thể sẽ mang lại nhiều rủi ro nguy hiểm cho khách tham dự, nhưng cũng chính điều đó đã thôi thúc chúng tôi phải tổ chức thành công các sự kiện mang tính cộng đồng như vậy”.

Màn trình diễn kết hợp của các nghệ sỹ đến từ hai nước. (Nguồn: The New York Times)

“Trách nhiệm giữ an ninh và lễ hội diễn ra suôn sẻ tại Jerusalem là áp lực rất lớn đối với Ban Tổ chức. Quan trọng nhất chính là sự tin tưởng từ người tham dự bởi có rất nhiều người liên hệ với ban tổ chức qua điện thoại để tìm hiểu về lễ hội, nhưng vẫn ngại đặt vé vì ngại vấn đề an ninh. Tuy vậy, lễ hội vẫn diễn ra tốt đẹp và thành công ngoài mong đợi", bà Karen cho biết thêm.

Dàn nghệ sỹ xuất hiện tại buổi hoà nhạc Kulna đã cống hiến những màn trình diễn xuất sắc thông qua cả ngôn ngữ Arab và Hebrew. Đặc biệt, có thể kể đến các phần trình diễn lôi cuốn của “ông Vua” nhạc rap người Palestine đến từ trại tị nạn Shuafat hay sự kết hợp hoàn hảo của ca sỹ nổi tiếng Armenia đến từ thành cổ Jerusalem khi song ca với ca sỹ đến từ Israel... 

Khao khát cuộc sống hòa bình

Yếu tố chủ chốt góp phần vào mối hợp tác thành công chính là nhận thức của giới trẻ về mối liên kết giữa bản thân và nguồn cội văn hoá Arab. Được biết, buổi hòa nhạc kết thúc chuỗi sự kiện Mekudeshet được thực hiện bởi DJ Ram Spinoza nổi tiếng người Israel. DJ Ram từng là một phi công phục vụ cho lực lượng không quân Israel và hiện là cái tên nổi tiếng với các chương trình ca nhạc hội độc đáo mang tên “Monolingua” ở Tây Jerusalem.

Người dân hai nước cùng nhau cầu nguyện trước Đại Thánh Đường Apsa. (Nguồn: The New York Times)

Trong một bài phỏng vấn với truyền thông nước ngoài, Ram Spinoza cũng nêu rõ quan điểm: “Tôi không trông đợi nhiều vào việc thỏa thuận hòa bình được ký kết. Thay vào đó, tôi và cả cộng đồng Palestine - Isarel nên quyết định sống trong hòa bình ngay từ bây giờ”.

Bên cạnh đó, Spinoza cũng chia sẻ thêm về những khó khăn khi thường xuyên mời những rapper người Palestine biểu diễn bởi có nhiều người trong số họ hoài nghi về khả năng bình thường hoá quan hệ với cư dân Israel. Tuy nhiên, DJ Ram lạc quan cho rằng: “Chúng sẽ được sống trong hoà bình nếu chúng ta mong muốn có được hoà bình”.

Giải đấu Backgammon cũng đã phần nào giúp phá vỡ những rào cản tinh thần này. Karem Jubran, một người Palestine từ trại tị nạn Shuafat cho biết, bạn bè anh đến tham dự giải đấu "vì yêu thích chơi cờ”. Có lẽ, cùng suy nghĩ như Jubran, hàng trăm cờ thủ đã thử tài tại khu người Armenia, Do Thái và bên ngoài khu vực cổng Damascus, nơi đã xảy ra nhiều cuộc tấn công trong hai năm qua.

(theo The New York Times)