Đối thủ thành đối tác
Với quan điểm tập hợp các nhân vật có cá tính mạnh để tạo ra tranh luận gay gắt, nhờ đó đưa ra được những quyết định sáng suốt, ông Obama đã mời hai đối thủ trong cuộc chạy đua tranh cử với ông ngay trong đảng Dân chủ là Hillary Clinton vào vị trí Ngoại trưởng và Thống đốc bang New Mexico Bill Richardson làm Bộ trưởng Thương mại.
Ngoài ra, ông Obama còn bổ nhiệm Tom Vilsack, từng là đồng Chủ tịch chiến dịch tranh cử của bà Clinton, làm Bộ trưởng Nông nghiệp, còn tân Bộ trưởng Lao động Hilda Solis từng là người ủng hộ bà Clinton tại Hạ viện.
Là Nghị sỹ đảng Cộng hòa bang Illinois, ông LaHood - tân Bộ trưởng Giao thông, cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates - được giữ lại tiếp tục điều hành Lầu Năm góc, chính là biểu tượng của đoàn kết lưỡng đảng như mong muốn của ông Obama. Sự ưu tiên cũng được dành cho các chính trị gia có kinh nghiệm dày dặn. Trong số 15 Bộ trưởng và 5 quan chức cấp ngang Bộ, có 6 người đã hoặc đang là Nghị sĩ Quốc hội, 3 người đã hoặc đang là Thống đốc và một cựu Thị trưởng.
Về lập trường chính trị, Nội các của Obama bị chi phối bởi những người có quan điểm khá trung dung. Ngoại lệ có lẽ là bà Solis, người thuộc cánh tả trong đảng Dân chủ. Còn ba vị trí quan trọng: Ngoại giao, Tài chính và Quốc phòng – đều là những người ôn hòa.
Đa sắc tộc
Không chỉ tái xác nhận tính đa nguyên chính trị của tân Nội các, ông Obama còn thành lập một “ê-kíp đa sắc tộc” nổi bật nhất từ trước tới nay tại Mỹ. Trong Nội các của 4 Tổng thống là George W.Bush, Bill Clinton, George H.W.Bush và Ronald Reagan, các cộng đồng thiểu số chiếm lần lượt 27%, 32%, 18% và 6% tổng số thành viên. Trong khi đó, 9 trong tổng số 20 vị trí trong Nội các mới không phải là người da trắng, chiếm đến 45%.
Tân Bộ trưởng Giao thông Ray LaHood không chỉ là người của đảng Cộng hòa mà còn là người gốc Lebanon. Việc bổ nhiệm nữ dân biểu Hilda Solis đem lại niềm vui cho nhóm cử tri gốc Tây Ban Nha (Hispanics). Bà cũng là thành viên nội các thứ ba thuộc nhóm sắc tộc này, bên cạnh ông Bill Richardson (Bộ trưởng Kinh doanh) và Ken Salazar (Bộ trưởng Nội vụ). Cùng với bà Solis, còn có 4 phụ nữ khác trong nội các mới.
Tân Bộ trưởng Thương mại Ron Kirk là thị trưởng da màu đầu tiên của Dallas. Cùng với ông còn có ba chính trị gia cao cấp khác là người da màu được bổ nhiệm: bà Susan Rice (Đại sứ Mỹ tại LHQ), bà Lisa Jackson (Bộ trưởng Môi trường) và ông Eric Holder (Bộ trưởng Tư pháp).
Tính đa sắc tộc khiến Nhà Trắng dưới thời Obama đặc sắc hơn hẳn các nhiệm kỳ Tổng thống trước. Hai ông David Axelrod, Cố vấn đặc biệt của Tổng thống và Rahm Emmanuel, Chánh Văn phòng Nhà Trắng, đều là người gốc Do Thái. Ngoài ra còn có Tướng Eric Shinseki, gốc Nhật, phụ trách Bộ Cựu chiến binh. Ông Steven Chu - gốc Hoa, từng được giải Nobel khoa học - là Bộ trưởng Năng lượng. Trong Ban Chuyển tiếp quyền lực có ba người gốc Á là ông Chris Lu (gốc Hoa), bà Sonal Shah sinh tại Mumbai (Ấn Độ) và ông Peter Rouse, gốc Nhật.
Nếu có điều gì thiếu sót trong nội các mới, đó chính việc không Bộ trưởng nào có kinh nghiệm đáng kể về kinh doanh. Ngoài ra, việc chỉ bổ nhiệm hầu hết Bộ trưởng người miền Bắc, miền Tây cũng khiến một số bang miền Nam cho rằng họ đã bị vị Tổng thống mới “quên lãng”.
Không dừng ở kinh tế và Iraq
Mỹ đang phải đối mặt với “hai cuộc chiến” và “cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong thế kỷ”. Tuy nhiên, ông Obama tỏ ra rất tham vọng với chương trình nghị sự vượt lên trên cả hai vấn đề này. Bằng việc bổ nhiệm cựu thủ lĩnh đa số tại Thượng viện vốn ủng hộ các chính sách cải cách y tế lâu nay là Tom Daschle vào vị trí Bộ trưởng Y tế và các Dịch vụ con người, Obama có vẻ nhiệt tình thúc với việc thúc đẩy cải cách y tế. Với sự lựa chọn Steven Chu, nguyên là Giám đốc Viện Nghiên cứu Lawrence Berkeley National Laboratory ở California, từng có các đề xuất táo bạo để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, làm Bộ trưởng Năng lượng, Tổng thống đắc cử cũng được hy vọng sẽ có những chính sách tham vọng về môi trường. Ngoài ra, ông Obama cũng đã thành lập các văn phòng mới tại Nhà Trắng để phối hợp các chính sách y tế, năng lượng và đô thị.
Theo cuộc thăm dò mới nhất của Washington Post và ABC, 76% người được hỏi ủng hộ công việc chuyển đổi của ông Obama và gần 70% người lạc quan về chính sách tổng thể. Dù sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng việc làm là hệ quả của khủng hoảng tài chính cũng như áp lực cứu nguy ngành công nghiệp xe hơi, sự ủng hộ rộng rãi giữa những người Mỹ là cơ sở chính trị mạnh mẽ để ông thực hiện chương trình nghị sự của mình.
Mai Anh