📞

Nơi hội tụ nguyên khí ngành Ngoại giao

21:42 | 27/08/2016
Ngày 26/7, ngay sau khi Lễ trao bằng Di tích cấp Quốc gia đối với tòa nhà Trụ sở Bộ Ngoại giao số 1 Tôn Thất Đàm, Đại sứ Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO (Bộ Ngoại giao) đã chia sẻ với TG&VN về sự kiện này.
Công trình trụ sở Bộ Ngoại giao, số 1 Tôn Thất Đàm.

Xin ông cho biết đôi nét về lịch sử công trình Trụ sở Bộ Ngoại giao và ý nghĩa của việc công nhận công trình này là Di tích cấp Quốc gia?

Đại sứ Phạm Sanh Châu: Tòa nhà trụ sở Bộ Ngoại giao là một công tình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, thể hiện nền kiến trúc Đông Dương, được kiến trúc sư Ernest Hebrard thiết kế năm 1924, khởi công xây dựng năm 1925 và hoàn thành năm 1928, cùng 7 công trình kiến trúc khác tại Hà Nội.

Công trình Trụ sở Bộ Ngoại giao là sự hòa quyện hài hòa kiến trúc bản địa và kiến trúc Pháp, lấy yếu tố trọng tâm là vườn và phố, kết hợp sự đối xứng các trụ với nhau. Riêng Tòa nhà Trụ sở Bộ Ngoại giao là công trình kiến trúc vừa mang vẻ đẹp thẩm mỹ, vừa mát về không gian lại chống được nóng ẩm và mưa và có công năng sử dụng tốt, có giá trị bảo tồn rất cao. Nó thể hiện bước tiến lớn về kiến trúc của Pháp nói chung và đặc biệt tại Đông Dương.

Đại sứ Phạm Sanh Châu.

"Sự công nhận công trình Trụ sở Bộ Ngoại giao là Di tích cấp Quốc gia thể hiện sự quan tâm của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Hà Nội, đáp ứng nguyện vọng bảo tồn di tích văn hóa lịch sử cũng như mong muốn giữ lại Tòa nhà Trụ sở Bộ Ngoại giao của hơn 2.000 cán bộ, viên chức Bộ Ngoại giao, 2.400 cán bộ hưu trí".

Việc công nhận Trụ sở Bộ Ngoại giao là Di tích cấp Quốc gia thể hiện sự khẳng định rằng Trụ sở Bộ Ngoại giao đã được sử dụng và bảo quản liên tục hơn 60 năm qua. Nơi đây được coi là “Từ Đường” của cán bộ Ngoại giao, nơi hội tụ nguyên khí của ngành Ngoại giao. Việc công nhận này góp phần bảo tồn tốt hơn một công trình kiến trúc đẹp của Hà Nội

Vậy Bộ Ngoại giao đã tiến hành xây dựng hồ sơ cho di tích này như thế nào, thưa ông?

Hồ sơ xây dựng di tích này là một công trình công phu, bởi nó cũng phải trải qua đầy đủ các quy trình như bất cứ một Di tích cấp Quốc gia nào khác. Hồ sơ của Trụ sở Bộ Ngoại gia đã qua quy trình  như đo đạc, vẽ lại bản đồ, sưu tầm các thông tin về số liệu, so sánh với các công trình kiến trúc có giá trị tương đương… Sau đó, các nhà chuyên môn phải phân tích xem nó còn nguyên gốc hay không. Việc xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia sẽ cho phép công trình này được bảo tồn tốt hơn trong thời gian tới.

Quá trình xây dựng hồ sơ cho di tích này đã nhận được những sự hỗ trợ nào thưa ông?

Trong quá trình xây dựng Bộ Ngoại giao đã được sự hợp tác tận tình của Ban quản lý danh thắng Hà Nội, UBND phường Điện Biên, UBND quận Hoàn Kiếm. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng hồ sơ, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã rất quan tâm, chỉ đạo sát sao, vì xác định đây chính là “Từ Đường” của Bộ Ngoại giao. Khi hồ sơ đã hoàn thành và được trình lên trên, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch và UBND TP. Hà Nội đã xem xét và thông qua theo đúng quy trình và khoa học.

 Xin cảm ơn Đại sứ!